Khát vọng nuôi chữ của 9 chị em côi cút
Trong căn nhà tạm lồng lộng gió ở cuối xóm nghèo làng Mai Xá, xã Gio Mai (huyện Gio Linh, Quảng Trị), có chín chị em côi cút, ngày ngày làm thuê làm mướn nuôi chữ...
Trương Thị Bích nhặt rau lo bữa tối cho các em trước căn nhà tạm lụp xụp . |
Cơn mưa chiều ào ào trút nước. Con đường đất dẫn vào căn nhà em Trương Thị Bích, học sinh lớp 9A Trường THCS Gio Mai (Gio Linh, Quảng Trị), càng lúc càng thắt lại, nhiều đoạn chỉ đủ đặt bàn chân, cỏ dại um tùm choán cả lối đi.
Nhắc đến gia cảnh cô học trò Trương Thị Bích, cả làng Mai Xá này không ai là không biết. Chín chị em côi cút đang ngày ngày tần tảo làm thuê làm mướn, dắt díu nhau kiếm ăn và kiếm chữ. Nói chuyện với chúng tôi, giọng Bích nghèn nghẹn, liên tục đứt quãng “Hết mẹ, rồi đến ba bỏ tụi em ra đi. Để có cái ăn, anh chị lớn phải đi làm suốt. Mình em ở nhà trông bốn đứa em. Nhiều lúc em út nhớ ba, khóc, dỗ hoài không nín, rứa là cả mấy chị em chỉ biết ôm nhau khóc...”.
Năm 2005 khi mẹ Bích qua đời, ba anh chị lớn của Bích là Duyên, Hoa, Quý lần lượt bỏ học giữa chừng để phụ ba nuôi các em. Bốn năm sau đó ba các em cũng mất. Chị Hoa đi lấy chồng, gánh nặng gia đình từ đấy đổ dồn lên vai Duyên và Quý: Duyên quần quật với nghề bóc tách tôm cho các chủ buôn tôm tận miền biển, cách nhà 15km; còn Quý ở nhà tất bật với 5 sào ruộng khoán cằn cỗi...
Từ đó công việc nhà đè nặng lên đôi vai cô học trò nhỏ. Mỗi sáng Bích dậy từ 4 giờ lo cơm nước đưa các em đến trường rồi mới quay về lớp học. Chiều tan học, Bích lại tất tả chạy về lo giặt giũ áo quần, hái rau, nấu cơm... Chủ nhật và những ngày hè, Bích theo chị Duyên đi phân loại tôm cho chủ buôn. Mỗi giờ công Bích được 10.000 đồng, mỗi buổi làm kiếm được 20.000 đồng, thời gian còn lại Bích chăm lo các em, nhà cửa.
Bích tâm sự: “Nhiều lúc chủ buôn thúc giục, em phải dầm mưa để làm, ướt lạnh cả người, run lập cập. Có hôm hai bàn tay trắng bệch vì ngâm nước lâu, da bị lột, rớm máu, đau ứa nước mắt. Nhưng cứ nghĩ đến việc có tiền mua thêm cuốn sách mới là quên hết mệt nhọc”.
Vất vả là vậy nhưng Bích vẫn đến trường, tám năm liền đứng trong tốp học sinh giỏi của trường, có mặt trong đội tuyển học sinh giỏi môn lịch sử của huyện. Chị gái Bích học lớp 10 và hai em nhỏ đang học lớp 5, lớp 3 cũng nhiều năm liền đạt thành tích học sinh giỏi. Dù cuộc sống trước mắt rất khó khăn nhưng chị em Bích vẫn quyết tâm làm thuê làm mướn để kiếm tiền theo học.
Theo Thanh Ba-Vĩnh Yên
Tuổi Trẻ