Yêu nước mình hơn khi đến Trường Sa

Yêu nước mình hơn khi đến Trường Sa
TP - Sau hai ngày lênh đênh trên biển, đoàn công tác chúng tôi đã tới được Huyện đảo Trường Sa. Sóng biển cũng không ngăn được chúng tôi đến với Trường Sa, một Trường Sa chất chứa yêu thương của đất liền gửi ra và bao tình cảm của những người lính đảo chúng tôi đem theo khi về đất mẹ.
Yêu nước mình hơn khi đến Trường Sa ảnh 1

Nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa (thứ ba từ phải sang), Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn (thứ ba từ trái sang) và các đại biểu T.Ư Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại cột mốc chủ quyền. Ảnh: Phương Thuận

Hành trình 45 giờ

Để đến với huyện đảo Trường Sa, đoàn công tác của chúng tôi đã phải trải qua hành trình 45 giờ trên con tàu HQ 996 xuất phát từ cảng Cát Lái, TP Hồ Chí Minh. Con tàu HQ 996 thuộc loại tàu khách cỡ lớn, trên 2.000 tấn.

Các thùng nước ngọt được xích gọn ghẽ trên boong tàu mang theo khoảng 600 tấn nước cho đầm tàu, cũng là nước dự trữ cho mọi sinh hoạt trên tàu. Chính vì vậy, tàu có thể đi rất êm trước sóng cấp 1,2. Chặng đường đi từ sông Sài Gòn ra đến cửa biển êm ru. Gió mát lộng. Khoan khoái vô cùng.

Chúng tôi thấy như mình đang đi trên du thuyền Hồ Tây. Các thành viên trong đoàn đổ xô ra mạn tầu ngắm phong cảnh sông nước với rừng đước, rừng Sác và ngã ba sông nổi tiếng đã đi vào trong ca dao: “Nhà Bè nước chảy chia hai/Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về”.

Bữa trưa đầu tiên trên tàu, chúng tôi ăn với một tâm trạng thoải mái, phấn khích chẳng khác gì đang ăn cơm ở nhà. Một đồng nghiệp còn tươi hơn hớn nói: “Ui giời, ngay khi lên tàu đã nghĩ mình sẽ bị say sóng. Tưởng gì, chứ cứ như thế này thì... vô tư”. Một đồng nghiệp khác ngấm nguýt: “Gớm, cứ đợi đấy”.

Quả thật, chỉ khoảng 8 tiếng sau, tàu bắt đầu tròng trành. Chúng tôi bắt đầu lắc lư. Một sỹ quan hải quân cảnh báo: “Chúng ta đã ra khỏi sông, tới cửa biển rồi. Theo như đài báo thì là gió cấp 5, sóng cấp 4 đấy. Chiều cao sóng khoảng 0,75m - 1m. Sóng này đối với lính chúng tôi thì chẳng là gì. Nhưng với những người chưa quen đi biển là đã đủ làm say rồi”.

Sau khi gặp sóng lớn, ngoài mạn tàu và boong tàu vốn đông người ngắm cảnh, giờ không một bóng người. Tất cả trở về phòng của mình. Những lúc biển động thế này, kể cả người tỉnh táo lẫn người say sóng, đều đi lắc lư. Gặp nhau ngoài hành lang, khỏi cần nói, cái lắc lư đã thay lời chào hỏi.

Một chị  phóng viên còn phát hiện ra rằng, nếu đi khom khom lưng, thậm chí bò thì càng tốt, sẽ đỡ say hơn là đi thẳng. Chúng tôi là nữ nên được ưu tiên ở khoang dưới cùng vì sẽ đỡ bị rung lắc hơn.

Ở cùng tầng với chúng tôi là những ni cô đi theo đoàn giáo hội Phật giáo ra cầu siêu cho anh linh các liệt sỹ đã hy sinh tại quần đảo Trường Sa nhân kỷ niệm 35 năm giải phóng quần đảo Trường Sa (29/4/1975 - 29/4/2010). Các ni cô ở đối diện phòng tôi say từ lúc lên tàu đến khi xuống tàu. Hầu như họ không đi ra ngoài, cũng chẳng ăn uống gì.

Mấy cậu phục vụ trên tàu (cũng là quân nhân) lo sốt vó. Thỉnh thoảng các cậu lại chạy xuống năn nỉ, các cô ăn một chút gì đi cho có sức chiến đấu. Chúng tôi cũng phải bỏ ăn mất một bữa vào cái ngày sóng to nhất và luôn được mang cháo xuống tận nơi.

Chốc chốc, các bạn phục vụ lại xuống hỏi có ăn khoai nướng không để các bạn mang tới. Kỳ thật, nếu như ở đất liền, chúng tôi xem thường món ăn dân dã này. Ấy thế nhưng, khi bị say sóng, nó như là liều thuốc bổ hiệu nghiệm làm dịu đi cơn say. Và để chống chọi với cơn say, chúng tôi không từ chối bất kỳ lời mời khoai nướng nào.

Anh Quang - bếp trưởng thường trêu: “Trong các đoàn ra Trường Sa, đoàn này là tốn nhiều khoai nhất đấy”. Nhiều khi chúng tôi không muốn ăn, nhưng vẫn cố ăn cho quên cơn say cũng như đã từng dùng ý chí để bắt mình không say nhưng cũng không thể không say. Thế mà mấy nữ phóng viên vẫn được nhiều người trong đoàn tấm tắc khen là khỏe.

So với một phóng viên nam nằm bẹp từ lúc lên tàu đến khi xuống tàu chẳng ăn chẳng uống gì, ngoài ít nước cầm hơi, tự thấy mình cũng khỏe thật (nhất là khoản ăn). Khi gần lên bờ, cậu phóng viên kia đã hồi tỉnh nhưng mặt vẫn còn xanh rớt như tàu lá tâm sự: “Em đã đi tàu xe nhiều, chẳng say bao giờ. Không ngờ mình lại bị say sóng”.

Cuộc họp báo đầu tiên diễn ra trên tàu kết thúc sớm hơn dự định vì tàu lắc lư khiến cánh nhà báo ai cũng thấy nôn nao và chỉ muốn nhanh nhanh rời khỏi phòng họp. Rất may, ngày thứ hai trời lặng gió và sóng. Cả đoàn nhanh chóng hồi phục. Các ni cô đã có thể hớn hở ra boong tàu chụp ảnh khi tàu cập cảng Trường Sa Lớn.

Quả là một hành trình gian nan, nhưng khi nhìn thấy Trường Sa Lớn từ xa với những chiếc quạt lấy năng lượng gió cùng những cây phong ba phủ kín một màu xanh cho đảo, chúng tôi dường như quên hết mệt mỏi, sẵn sàng cho một hành trình khám phá.

“Trong đoàn chúng ta có thể có những người đã từng đi nhiều nước trên thế giới như Anh, Pháp, Mỹ, Canada, Australia… Thế nhưng chuyến đi đến Trường Sa lần này quả thật là một chuyến đi hiếm có trong cuộc đời mà không phải ai cũng có được”, Chuẩn Đô đốc Nguyễn Cộng Hòa, Bộ Tư lệnh Hải quân đúc kết sau chuyến đi.

Yêu nước mình hơn khi đến Trường Sa ảnh 2
Quân và dân Trường Sa hồ hởi đón khách.  Ảnh: Lan Anh

Huyện đảo Trường Sa - Phố biển lung linh

Từ giữa trùng khơi, chúng tôi đã nhìn thấy một hòn đảo xanh rì cây lá, với những chiếc quạt năng lượng gió quay tít bên bờ biển. Dọc theo bờ biển, hơn 100 trụ đèn năng lượng mặt trời đã được lắp đặt và tới một giờ nhất định, toàn bộ hệ thống bật sáng làm cho cả huyện đảo bừng sáng lung linh.

Thị trấn huyện đảo Trường Sa như một thành phố thu nhỏ với đầy đủ điện, đường, trường, trạm. Nhà khách Thủ đô là món quà của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội xây tặng huyện đảo Trường Sa nhân dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội với tổng số tiền lên tới 10 tỷ đồng. Nhà khách Thủ đô sẽ được khánh thành vào tháng 5 này.

Trung tâm văn hóa xã là trường học. Gọi là trường học, nhưng trường chỉ có một lớp duy nhất từ mẫu giáo tới tiểu học. Một mình cô giáo Bùi Thị Nhung vừa quản các cháu mẫu giáo, vừa dạy 6 học sinh từ lớp 1 đến lớp 4. Lớp được chia ra làm nhiều góc và mỗi góc là một lớp.

Thấy cô giáo vất vả quá, năm nay trường bổ sung thêm hai thầy giáo nữa, một người lo cho hai cháu mẫu giáo và một thầy dạy hai cháu lớp 2 và lớp 3, còn cô Nhung dạy các cháu lớp 1 và lớp 4 và quản lý chung.

Cô Nhung tâm sự: “Trước tôi dạy một lúc 6 lớp. Nói nhiều đến nỗi về nhà mệt lả, chẳng thiết ăn cơm. Tôi mơ ước có thêm lớp 5 để các cháu học trọn vẹn cấp tiểu học ở đây, đỡ phải về đất liền. Các cháu ở đây đều rất ngoan nhưng rất nghịch, chỉ sểnh một cái là chạy ra biển nghịch cát, rất nguy hiểm”.

Vốn là giáo viên trường tiểu học Suối Cát, tỉnh Khánh Hòa, cô giáo Bùi Thị Nhung rất yêu trẻ và luôn muốn đem con chữ tới tất cả những đứa trẻ ở vùng khó khăn. Khi nghe nói, ở Trường Sa có các cháu nhỏ đang có nhu cầu học, cô đã tình nguyện ra đảo dạy học.

Nhung cho biết, cô là giáo viên đầu tiên ở Khánh Hòa đăng ký ra làm việc tại đảo Trường Sa. Lúc đó, đứa con đầu của Nhung mới được 38 tháng tuổi nên cô phải thuyết phục khá lâu, chồng mới đồng ý theo vợ ra đảo. Giờ đây, gia đình hạnh phúc của cô giáo Nhung đang sinh sống ở căn hộ thứ 3 với đầy đủ các nhu yếu phẩm.

Đảo Trường Sa Lớn có bảy hộ dân sống trong bảy căn nhà được xây giống nhau. Vì vậy, mọi người vẫn quen gọi nhau theo số thứ tự của ngôi nhà. Với họ, số nhà là dễ phân biệt nhất, chứ còn nhà nào cũng như nhà nào. Mới đầu ra đảo, cô giáo Nhung thường vào nhầm nhà.

Các gia đình ở đây có chế độ ăn uống như bộ đội. Mỗi lần, tàu chở lương thực đến là phân phát đều cho các hộ. Ngoài ra, họ trồng thêm rau xanh, nuôi gà vịt, thỏ và đánh bắt cá để cải thiện thêm cho bữa ăn gia đình. Riêng cô giáo Nhung phải nhờ mua sữa từ đất liền dự trữ cho con nhỏ ăn trong 6 tháng. Có những lần sóng to, bão lớn, tàu không vào được thì… đành chịu.

Trạm xá của huyện đảo Trường Sa không chỉ khám cho quân và dân trên đảo, mà còn là địa chỉ tin cậy của ngư dân quanh vùng. Các cán bộ, y bác sỹ ở đây đều thuộc biên chế của Bệnh viện 175, thành phố Hồ Chí Minh. Họ được chọn lựa có trình độ chuyên môn giỏi, phẩm chất đạo đức tốt.

Trạm xá quản về sức khỏe cho tất cả lính đảo, công nhân xây dựng, ngư dân đánh bắt xa bờ. Bất kể ai đến đây cũng được đón tiếp chu đáo, được cấp thuốc và được hưởng các chế độ ăn uống như lính đảo. Trong năm 2009 và  4 tháng đầu năm 2010, trạm xá đã khám và cấp thuốc cho 122 ngư dân.

Anh Phạm Đình Đôn, trạm trưởng kể lại, đầu năm ngoái, trạm đã sơ cứu kịp thời cho một ca bị thương dập nát từ cẳng tay đến cánh tay, một người dân trên tàu đánh cá sơ ý bị cuốn vào máy xay đá. Do được cấp cứu kịp thời, bệnh nhân khi chuyển vào đất liền điều trị đã không bị cắt cụt cánh tay.

Mới đây, bác sỹ Đôn cũng đã chữa trị cho một ca bệnh lạ. Bệnh nhân bị viêm khúc mạc cục bộ. Do chủ quan nghĩ rằng chỉ đau bụng thông thường, người bệnh cứ cố chịu đựng. Đến lúc đau quặn không chịu nổi mới ghé vào trạm xá cấp cứu. Lúc đó, bệnh đã đến giai đoạn hoại tử.

Mổ đến đâu, mủ ra tới đó, bác sỹ phải dùng nhiều gạc chèn xung quanh để mủ không lan ra gây nhiễm độc. Sau khi nằm điều trị tại trạm xá một thời gian, bệnh nhân đã hoàn toàn bình phục.

Yêu nước mình hơn khi đến Trường Sa ảnh 3
Tuần tra trên đảo. Ảnh: Phương Thuận

Đi tuần cùng lính đảo

Trước giờ giới nghiêm (từ 20 giờ đến 4 giờ sáng), tôi cùng năm chiến sỹ đi tuần quanh đảo. Nhìn các anh vác súng và đi đều bước trên bờ kè xung quanh biển, nhiều người tưởng rằng đây là một công việc đơn giản nhất của người lính. Ấy thế nhưng, khi hỏi chuyện mới biết rằng những lúc như vậy, mọi giác quan của các anh đều phải huy động tối đa để có thể đối phó với mọi tình huống lạ bởi nguy hiểm luôn rình rập.

Hà Thế Tài, đội trưởng đội tuần tra, 28 tuổi, quê Thanh Hóa đã có thâm niên 6 năm làm việc tại đảo. Trước khi về Trường Sa Lớn, Tài đã từng làm nhiệm vụ tại đảo Nam Yết. Công việc của đoàn tuần tra là phát hiện mọi dấu vết lạ, vật thể lạ có thể xâm nhập vào bờ.

Một lần, trong một phiên gác đêm, Tài nghe thấy tiếng thở rất to ở bờ kè. Ở huyện đảo Trường Sa này, không ai được phép ra bờ kè vào giờ giới nghiêm, bình thường dân đảo đi ngủ rất sớm. Phải chăng là có sự xuất hiện của người nhái hay biệt kích? Tài thoáng nghĩ. Sau khi rọi đèn khắp nơi, Tài nhìn thấy một con vích (một giống rùa biển).

Hóa ra, nó bò lên bờ để đẻ trứng. Ở đây mỗi năm có khoảng 4-5 con vích lên bờ đẻ trứng. Tài bảo, cái giống vích này thở to như người ấy. Lần khác, sau một lượt đi tuần tra bờ kè thấy mọi thứ đều bình yên, nhưng bỗng các anh phát hiện ở phía xa ngoài biển, có một vật thể màu trắng cứ nhô lên, hụp xuống. Đội tuần tra vội phát lệnh báo động và cho tàu đi tuần tiễu.

Khi tới nơi, mới phát hiện ra đó là một chiếc can rượu màu trắng, ai đó đã vứt lại trên biển. Hú vía! Hay như một lần khác, sau khi đi vòng quanh đảo, Tài thấy tường kè khô cong, vậy là an toàn. Bỗng Tài phát hiện ra có một vệt nước. Liệu có phải kẻ địch đã bơi đột nhập vào bờ? Mọi ý nghĩ, mọi phán đoán liên tiếp hiện lên trong tâm trí Tài.

Cuối cùng, anh thở phào nhẹ nhõm khi phát hiện thêm mấy dấu chân chó hằn trên cát. Thì ra, cu cậu ra đây hóng gió, rồi tiện thể… tè một bãi. Với bốn năm kinh nghiệm tuần tra trên đảo Trường Sa Lớn, Hà Thế Tài tự hào rằng chưa có dấu tích lạ nào phát hiện ra mà không xác định được là gì. Đó chính là những bài học Tài được học trên ghế nhà trường cộng với kinh nghiệm thực tiễn.

Sẵn sàng chiến đấu bảo vệ vùng đất, vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc, đó không phải là khẩu hiệu mà là cuộc sống của lính đảo. Chỉ một thời gian công tác ngắn tại huyện đảo Trường Sa Lớn, chúng tôi hiểu hơn cái vô giá của cuộc sống bình yên.

Binh nhất Nguyễn Mạnh Toàn, 20 tuổi nói với tôi như một lời tâm niệm: “Những gì thuộc về chủ quyền biển đảo Việt Nam, chúng ta quyết giữ gìn lấy nó. Tôi sẵn sàng chiến đấu đến hơi thở cuối cùng”.

Yêu nước mình hơn khi tới Trường Sa.

Yêu nước mình hơn khi đến Trường Sa ảnh 4
Gia đình hạnh phúc của cô giáo Nhung. Ảnh: Lan Anh

Kỳ sau: Lội bì bõm ra đón khách

Chúng tôi sẽ không bao giờ quên hình ảnh cảm động mà các chiến sỹ ở đảo chìm Đá Tây đón và tiễn đoàn. Các anh đã lội nước biển tới ngang ngực, có nơi ngập tới tận cổ để kéo thuyền cập bờ...

MỚI - NÓNG