Tản văn

Yêu lắm mùa lau trắng!

Yêu lắm mùa lau trắng!
TP - Hằng năm, khi gió mùa Đông – Bắc tràn về, tiết trời se lạnh, cũng là lúc những bông lau dại ven đường bắt đầu trổ bông. Những bông lau trắng tưởng chừng như yếu ớt ấy lại mang theo một tín hiệu vui đối với người dân miền Trung: Qua mùa mưa lũ!

Sau bao ngày vật lộn với cơn “đại hồng thuỷ” hồi cuối tháng 10, một sáng sớm  bỗng điện thoại kêu tinh tinh, báo có tin nhắn từ zalo. Mở ra xem, tin nhắn từ anh Trần Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình. Anh gửi hình một bông lau vừa mới nở, kèm theo tin nhắn “Chú có yêu “em” này không? Anh thì yêu “em” này lắm!”.

Nhìn thấy hình bông lau dại, tôi bừng tỉnh, một niềm vui ùa về khôn tả. Vậy là từ đây, thiên tai sẽ hết vây khốn miền Trung, kết thúc một mùa mưa bão dồn dập chưa từng có trong lịch sử. Tôi tung người ra khỏi chăn, tay lướt trên bàn phím “Không chỉ mình em và anh yêu, mà dân cả miền Trung đều rất yêu “em” này anh ạ!”.

Cứ sau mỗi đợt mưa bão, miền Trung hoang tàn, xác xơ, cỏ cây trụi lá. Bao giờ cũng vậy, trong đống đổ nát ấy, người ta lại bắt gặp sự hồi sinh mãnh liệt từ những bụi lau ven đường. Dù gió bão, mưa lũ làm cho bụi lau chỉ còn trơ cành, nhưng nó vẫn luôn vươn dậy, đâm chồi, nảy lộc, trổ bông…

Làng tôi nằm trên một cồn nổi giữa sông Gianh, bão lũ là nỗi ám ảnh bao đời của người dân nơi đây. Ngôi làng nghèo khó ấy bao giờ cũng đón nhận nhiều hơn những trận bão lũ so với những vùng quê khác. Là vùng thấp trũng, chỉ cần một trận mưa lớn là nước sông dâng lên làm ngập xóm làng, cách biệt và cô lập.

Những năm 80 của thế kỷ trước, làng tôi nghèo đến mức không nhà nào có chiếc radio để nghe dự báo thời tiết. Người làng chỉ có thể nhìn cây cỏ, trời đất để ứng phó với thiên tai. Cha tôi, một thầy giáo trường làng vẫn thường dắt tôi ra bờ sông mỗi độ cuối hè. Ông tìm những cành lau, lần tìm trên từng chiếc lá để biết năm nay có bao nhiêu trận bão lũ.

Cha tôi chỉ cho tôi cách nhận biết như cách chuyển giao kinh nghiệm của cha ông cho thế hệ tiếp nối để có thể tồn tại trên mảnh đất khắc nghiệt này: Trên chiếc lá lau có bao nhiêu ngấn vắt ngang thì năm ấy sẽ có bao nhiệu trận lũ lụt, ngấn càng sâu lũ càng lớn. Và khi những bụi lau ven sông nở hoa, cũng là lúc người làng bắt đầu xuống vụ gieo trồng, họ tin rằng, lau đã nở đồng nghĩa với chấn dứt mùa mưa bão…

Tin bão số 13 với cấp độ “cuồng phong” đang áp sát bờ biển miền Trung trong lúc mùa lau trắng đã về khiến dân tình hoang mang và thất vọng. Một anh bạn không phải chuyên gia về thời tiết nhưng khẳng định với tôi như đinh đóng cột: “Dù bão có lớn đến mấy, lau nở rồi thì nó sẽ tan khi cập bờ”.

Theo anh, lau chỉ nở hoa khi tiết trời se lạnh. Và lúc đó dọc bờ biển miền Trung đặc biệt từ Huế trở ra không khí lạnh sẽ tạo nên một “bức tường” chặn đường đi của bão, phá vỡ cấu trúc bão, khiến nó không thể hung hãn tiến vào bờ như khi đang trên biển Đông. 

Có lẽ với người dân miền Trung, không ai là không yêu mùa lau trắng. Từ ngàn đời nay, bông lau đã là biểu tượng của sự kiên cường, bất khuất, vượt lên gian khó để mang theo tin vui đến với mọi nhà.

Yêu lắm mùa lau trắng! 

MỚI - NÓNG
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
TPO - Cơ quan chức năng cho biết trên xe ô tô lao xuống sông Đồng Nai chỉ có một nạn nhân nữ. Vị trí tìm thấy ô tô và nạn nhân thuộc địa bàn tỉnh Bình Dương, do đó địa phương này tiến hành thụ lý việc khám nghiệm. Sau khi hoàn tất sẽ làm thủ tục bàn giao thi thể nạn nhân cho gia đình lo hậu sự.