Không chần chừ, tôi và Huệ quyết định đi Nam Trà My. Khoảng 9 giờ sáng 29/10 có mặt ở Bắc Trà My, đến 11 giờ chúng tôi theo Trung đoàn 885 bắt đầu hành quân lên Nam Trà My. Nhai lương khô, mì tôm qua bữa, đến 3 giờ chiều mới đến thôn 3 xã Trà Dơn. Lúc này, 5 người dân trong đó có 3 trẻ em thoát chết nhưng bị thương nặng đã được người dân và lực lượng chức năng vượt rừng gánh về đây.
Tiếng gào thét đau đớn của những em bé khiến ai chứng kiến cũng xót xa. Tôi phải quay mặt, gạt nước mắt khi chứng kiến cảnh các Quân y nẹp cố định đùi chân đã gãy cong, tím tái của em Hồ Thị Sa Ny. Hơn một ngày trời, xương đùi bị gãy, trong lấm lem bùn đất, ướt lạnh em đã phải đau đớn đến nhường nào.
Từ thôn 3 xã Trà Dơn đến thôn 1 xã Trà Leng nơi xảy ra vụ sạt lở vẫn còn hơn 10km, đường sá nhiều điểm tắc. Sóng điện thoại không có, điện đang mất, chúng tôi buộc chia nhau làm 2 hướng. Tôi thuê xe ôm quay lại Bắc Trà My tìm mạng internet để chuyển hình ảnh, thông tin cho báo điện tử và viết bài báo giấy. Cảnh Huệ theo bộ đội đi vào hiện trường sạt lở. Dọc đường đi ra, điểm nào có sóng điện thoại, tôi tranh thủ dừng lại để gửi hình ảnh, thông tin cho báo điện tử đang cập nhật trực tiếp. Đến 19h, Cảnh Huệ đi ra, bổ sung hình ảnh và thông tin từ hiện trường. Một ngày rã rời, hoàn thành bài viết lúc 21h, chúng tôi lót dạ bữa khuya bằng tô mì tôm.
Dù từng chứng kiến bao cảnh tượng bão lũ kinh hoàng dọc dải miền Trung, nhưng khi đặt chân đến nóc ông Đề (thôn 1 xã Trà Leng), những gì trông thấy còn khủng khiếp gấp trăm lần.
Nơi tôi đứng, cạnh một khối bê tông khổng lồ là mố cầu còn sót lại. Nhìn lên là hai vách đất đá dựng đứng, cao sừng sững. Phía dưới, bên phải nền đất cũ của nóc ông Đề với 15 hộ dân nay đã bị xóa sổ hoàn toàn. Tảng đá to như quả núi, từ trên cao lăn xuống, vướng lại ngay cạnh mố cầu, một gốc cây lớn chặn ngang phía dưới.
Người dân tộc vùng núi Trà My có tục đặt tên nóc làng theo tên gọi của già làng, người uy tín nhất. Nóc ông Đề lấy theo tên vị già làng đó. Hỏi già Đề đâu rồi? Người dân chỉ tay về phía ông già đang khóc nghẹn bên nấm mộ vừa mới đắp.
Hơn 40 năm trước, già làng Hồ Văn chọn mảnh đất tựa lưng vào núi Pa Ranh, nơi có con suối Vả hiền hòa chảy về sông Leng làm nơi quần cư. Bao nhiêu năm người Ca Dong, Xê Đăng yên bình, ấm no, nay tai ương ập xuống, xoá sạch tất cả, cướp đi tính mạng 22 người, trong đó có 9 học sinh, trẻ em. Trong số đó có tới 8 người là con, cháu, anh em của già.
Rời Trà Leng trong ám ảnh những thi thể tím tái, quyện bùn đất được tìm thấy, trong đó có em bé mới 2 tuổi. Và khi viết những dòng này, ngoài kia bão số 13 (Vamco) điên cuồng đổ bộ. Miền Trung kiên cường, nhưng một năm đầy thiên tai, dịch bệnh đã kiệt quệ rồi. Chỉ biết chắp tay khấn cầu, bão tan, an bình cho khúc ruột miền Trung.
Hôm thi thể thứ 8 được đưa lên, nhận ra đó là con trai Hồ Văn Hùng của mình, già làng 77 tuổi cùng vợ gào khóc thảm thiết. Đôi tay gân guốc xoa lên khuôn mặt Hùng, già Đề gọi tên con trong đau đớn tận cùng.