Yêu cầu Trung Quốc dừng ngay xây hải đăng ở Trường Sa

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình. Ảnh: Quý Đoàn/ VnExpress
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình. Ảnh: Quý Đoàn/ VnExpress
TPO - Việc Trung Quốc xây dựng 2 ngọn hải đăng trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam là hành động vi phạm chủ quyền của Việt Nam, và Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hoạt động xây dựng này.

Đó là khẳng định của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình trong cuộc họp báo thường kỳ chiều nay khi trả lời câu hỏi của báo giới về việc Trung Quốc vừa động thổ xây dựng 2 ngọn hải đăng trên hai đá Châu Viên và Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa.

Ông Lê Hải Bình khẳng định Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Hành động nêu trên vi phạm chủ quyền của Việt Nam cũng như vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên liên quan ở biển Đông (DOC) ký giữa ASEAN và Trung Quốc năm 2002. 

“Chúng tôi yêu cầu chấm dứt ngay các hoạt động xây dựng ở Trường Sa, nghiêm túc thực hiện luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp quốc về Luật biển năm 1982 và DOC, và không có những hành động làm phức tạp thêm tình hình ở biển Đông”, ông Lê Hải Bình nói.

Thể hiện quan điểm về việc Trung Quốc hôm 26/5 công bố sách trắng Quốc phòng trong đó có nội dung bao biện việc xây dựng trái phép các đảo nhân tạo trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam, ông Lê Hải Bình nói: “Chúng tôi cho rằng là một nước ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc và là một nước có vai trò quan trọng ở khu vực, Trung Quốc cần tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của các quốc gia liên quan, tuân thủ nghiêm túc luật pháp quốc tế và có những đóng góp trách nhiệm, xây dựng trong việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh ở khu vực và trên thế giới”.

Về việc truyền thông Úc đưa tin giới chức này quan ngại Trung Quốc có thể di chuyển vũ khí lên những đảo nhân tạo mà họ xây dựng trái phép ở biển Đông, Người Phát ngôn cho biết các cơ quan chức năng Việt Nam luôn theo sát mọi hoạt động của các bên liên quan ở biển Đông. Biển Đông là tuyến hàng hải và hành lang hàng không quốc tế quan trọng. 

“Vì vậy, chúng tôi yêu cầu và mong muốn các bên liên quan duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn ở biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế và Công ước Liên Hợp quốc về Luật biển 1982 và phù hợp với Tuyên bố về Ứng xử của các bên liên quan ở biển Đông (DOC)”, ông Lê Hải Bình nói. 

Người phát ngôn cũng cho biết Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter sẽ thăm chính thức Việt Nam từ ngày 31/5-2/6 theo lời mời của Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh. 

Trong khuôn khổ chuyến thăm, hai Bộ trưởng sẽ thảo luận các biện pháp thúc đẩy hợp tác quốc phòng song phương, cũng như trao đổi các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, để qua đó tăng cường quan hệ, hiểu biết giữa hai nước và hai quân đội. Về câu hỏi ông Carter có thăm cảng Cam Ranh trong dịp này hay không, Người phát ngôn cho biết hai bên đang tích cực chuẩn bị cho chương trình của chuyến thăm.

MỚI - NÓNG
Sắp xếp bộ máy, sẽ 'đụng chạm' nhiều bộ trưởng, thứ trưởng
Sắp xếp bộ máy, sẽ 'đụng chạm' nhiều bộ trưởng, thứ trưởng
TPO - "Tôi chưa thống kê cụ thể, nhưng với phương án sắp xếp của Chính phủ, Quốc hội, nhìn sơ sơ đụng chạm tới khoảng 20 bộ trưởng và tương đương, cùng khoảng 80 - 100 thứ trưởng và tương đương ở cả khối Đảng, Mặt trận, Nhà nước...", TS Đinh Duy Hòa - nguyên Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính - Bộ Nội vụ nói.