Ông Lê Bá Anh, Phó cục trưởng Quản lý Chất lượng nông lâm sản và thủy sản vừa ký văn bản gửi Sở NN&PTNT và Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh Quảng Nam đề nghị các đơn vị vào cuộc để điều tra nguyên nhân và tổ chức việc truy xuất nguồn gốc, xử lý thực phẩm gây ngộ độc.
Các đơn vị cần tham mưu cho UBND các cấp thực hiện các biện pháp khắc phục sự cố an toàn thực phẩm theo thẩm quyền.
Cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và thủy sản cũng đề nghị địa phương tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn và cảnh báo về nguy cơ an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm thuộc phạm vi quản lý.
Ngoài ra, các đơn vị cần phổ biến, hướng dẫn các biện pháp đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất, tiêu dùng các sản phẩm truyền thống, trong đó có sản phẩm cá chép muối chua.
Ê kíp bác sĩ Chợ Rẫy đã chẩn đoán bệnh nhân bị ngộ độc Botulinum từ món cá chép muối chua. |
Trước đó, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam xảy ra 3 vụ ngộ độc do ăn cá chép ủ chua.
Chùm ca bệnh thứ nhất gồm 3 nữ và 2 nam, trú tại xã Phước Đức, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam xảy ra vào ngày 5/3 trong đó có một người đã tử vong.
Chùm ca bệnh thứ 2 và 3 xảy ra trong các ngày 15 và 16/3 cũng tại huyện này.
Qua khai thác bệnh sử, 3 chùm ca bệnh cùng ăn 1 loại thức ăn là cá chép muối ủ chua. Trong quá trình chế biến loại thức ăn này còn bỏ vào hộp thủy tinh đóng kính sau 2 - 3 tuần mới lấy ra ăn (tạo điều kiện yếm khí cho vi khuẩn Clostridium Botulinum phát triển). Sau ăn chưa đầy 24 giờ đều có triệu chứng rối loạn tiêu hóa làm yếu tứ chi tăng dần. Những trường hợp nặng đều dẫn tới suy hô hấp do liệt cơ, thở máy.
Đến chiều 19/3, thông tin từ Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, hiện sức khỏe 3 bệnh nhân nặng trong vụ ngộ độc cá chép muối ủ chua sau khi truyền thuốc giải độc có cải thiện bước đầu khá tốt.