Như đã thông tin, theo Công điện của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh, từ 12h ngày 25/5, tất cả các cửa hàng dịch vụ ăn, uống tạm dừng bán hàng tại chỗ, chỉ bán hàng mang về. Các cửa hàng cắt tóc, gội đầu cũng tạm dừng hoạt động; dừng triệt để hoạt động thể dục thể thao đông người ở công viên, vườn hoa…
Cửa hàng cà phê trên phố Võ Thị Sáu chỉ bán hàng mang về từ trưa 25/5 |
Ghi nhận của phóng viên Tiền Phong chiều 25/5, hầu hết các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn thành phố đều thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố. Dọc tuyến phố Võ Thị Sáu (quận Hai Bà Trưng), vốn nổi tiếng kinh doanh cà phê, hàng chục cửa hàng cửa đóng, then cài, chỉ để mở một vị trí nhỏ để bán hàng mang về. Một số cửa hàng đóng tất cả cửa, không kinh doanh, buôn bán.
Trên phố Nguyễn Hữu Huân, nhiều cửa hàng cà phê đóng cửa hoặc chuyển sang bán mang về |
Tương tự, dọc phố Nguyễn Hữu Huân (quận Hoàn Kiếm) các cửa hàng cũng chỉ bán hàng mang về. Một số quán cà phê vốn đông đúc ở các ngã tư đều vắng vẻ, ít người qua lại, chỉ có 1 – 2 nhân viên trực để phục vụ việc bán hàng mang về.
Các phường trên địa bàn quận Ba Đình cũng ra quân, yêu cầu các cửa hàng thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội.
Đại diện lãnh đạo quận Ba Đình (Hà Nội) cho biết, ngay sau khi có Công điện của Chủ tịch UBND thành phố, UBND quận Ba Đình đã ban hành công văn gửi các đơn vị thuộc quận, yêu cầu thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn.
14 phường trên địa bàn đã triển khai các lực lượng rà soát, tuyên truyền, yêu cầu các cửa hàng ăn uống thực hiện nghiêm các chỉ đạo của UBND thành phố và của quận, ký cam kết thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch.
Các phường trên địa bàn quận Ba Đình ra quân yêu cầu các cửa hàng thực hiện nghiêm theo chỉ đạo của thành phố để phòng chống dịch COVID-19 |
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, chủ cửa hàng trên phố Võ Thị Sáu cho biết, bình thường, chị bán cà phê ở trong nhà, đảm bảo thực hiện nghiêm theo quy định giãn cách của thành phố. Khi có chỉ đạo chỉ bán hàng mang về, cửa hàng của chị thực hiện ngay, vì công tác phòng, chống dịch COVID-19 là ưu tiên số một hiện nay.
“Tất nhiên, bán mang về thì không hiệu quả bằng việc bán tại chỗ. Nhưng chúng tôi ủng hộ công tác phòng, chống dịch. Khi nào dịch hết, được mở cửa kinh doanh bình thường lúc ấy bù lại cũng được”, chị này nói.
Tương tự, một chủ hiệu cắt tóc trên đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân) chia sẻ, anh hoàn toàn ủng hộ chủ trương của thành phố để đảm bảo an toàn cho người dân. “Sức khoẻ của mọi người là quan trọng. Tuy rằng việc đóng cửa sẽ khiến nhiều người gặp khó khăn trong cuộc sống, nhưng an toàn là số 1”, anh này nêu.
Về vấn đề này, trao đổi với phóng viên Tiền Phong, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội Khổng Minh Tuấn cho rằng, hiện nay tình hình dịch bệnh ở Hà Nội rất phức tạp, đặc biệt xuất hiện ổ dịch tại Tập đoàn T&T và Times City chưa rõ nguồn lây.
“Việc yêu cầu các cửa hàng chỉ được bán hàng mang về là một giải pháp để hạn chế việc tiếp xúc, ngồi gần nhau, hạn chế nguy cơ lây nhiễm COVID-19”, ông Tuấn nói, đồng thời khuyến cáo người dân thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch, bởi hiện nay, các biến chủng lây lan rất nhanh và nguy hiểm.