Ý kiến trái chiều việc giám định âm thanh, hình ảnh

Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương. Ảnh QH
Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương. Ảnh QH
TPO - Ngày 10/1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giám định tư pháp. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, một trong những vấn đề còn ý kiến khác nhau là việc bổ sung chức năng giám định tư pháp cho Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

Cụ thể, có ý kiến tán thành dự thảo luật do Chính phủ trình, bổ sung chức năng giám định tư pháp cho Viện kiểm sát nhân dân tối cao là cần thiết, nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu ngày càng tăng trong việc giám định về âm thanh, hình ảnh từ các dữ liệu điện tử, đặc biệt từ ngày 1/1/2020 các cơ quan tố tụng sẽ thực hiện ghi âm, ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can trên toàn quốc.

Ngược lại, các ý kiến không đồng tình cho rằng, viện kiểm sát vừa thực hiện quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, vừa trực tiếp thực hiện giám định sẽ không đảm bảo tính khách quan và sẽ làm phát sinh bộ máy, biên chế.

Nhiều ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tư pháp và các cơ quan hữu quan, trong đó có Bộ Công an cho rằng đây là vấn đề mới, đòi hỏi nguồn nhân lực có trình độ chuyên sâu, phải đầu tư khoản kinh phí lớn và đồng bộ về trang, thiết bị do đó, cần được Chính phủ đánh giá kỹ tác động. Trong khi đó, một số ý kiến của Thường trực Ủy ban Tư pháp và các cơ quan như Bộ Tư pháp, Viện Kiểm soát nhân dân tối cao tán thành với quy định của dự thảo luật, đồng thời Chính phủ chưa có ý kiến khác với quan điểm khi trình Quốc hội. Theo đó, cần bổ sung Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện Kiểm sát nhân dân tối cao để tăng cường năng lực cho cơ quan điều tra của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao trong điều tra, phòng, chống tham nhũng trong hoạt động tư pháp.

Về việc này, ông Bùi Mạnh Cường, Phó viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cho rằng, hiện nay Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã có Phòng kỹ thuật hình sự, nay chỉ bổ sung thêm nhiệm vụ giám định âm thanh, hình ảnh và điều này là đúng theo luật định. Trên lý thuyết thì giám định âm thanh, hình ảnh có cơ quan giám định của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an thực hiện. Tuy nhiên, hiện nay Bộ Quốc phòng không làm nên thực tế chỉ có Bộ Công an thực hiện.

“Khi có những việc cơ quan giám định tư pháp của Bộ Công an bị khiếu nại, chúng tôi gửi yêu cầu giám định sang Bộ Quốc phòng thì không được đáp ứng… Một số lĩnh vực hiện nay chỉ có một cơ quan giám định duy nhất là Bộ Công an”, ông Cường nói.

Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương khẳng định, Bộ Công an không đồng tình với đề xuất này. Theo ông Vương, nội dung này mới phát sinh chứ chưa có dự thảo ngay từ đầu. Bên cạnh đó, hiện nay cơ quan Bộ Công an, Bộ Quốc phòng đều có chức năng này. Và thực tế từ 2012 tới nay, Viện Khoa học hình sự, tiếp nhận 42 vụ trưng cầu giám định âm thanh, 18 vụ giám định kỹ thuật số, điện tử, con số này không nhiều.  

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, Chính phủ đồng ý với đề xuất của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao vì trong cơ cấu tổ chức của Viện Kiểm sát đã có Phòng Kỹ thuật hình sự, nay chỉ giao thêm việc. Mặc dù Bộ Công an có ý kiến không đồng ý ngay từ đầu, nhưng theo ông Long, Chính phủ thực hiện theo nguyên tắc đa số, nên ý kiến của Chính phủ về vấn đề này là không thay đổi, nghĩa là ủng hộ bổ sung chức năng cho Viện Kiểm sát như dự thảo trình ra Quốc hội.

MỚI - NÓNG