Y bác sĩ mặc áo dài lưu giữ kỷ niệm với TPHCM trước ngày về quê

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Vừa hoàn thành nhiệm vụ hỗ trợ TPHCM đẩy lùi dịch bệnh tại các bệnh viện dã chiến, đoàn y bác sĩ tỉnh Hải Dương đã có một ngày đáng nhớ với những trải nghiệm văn hóa ý nghĩa trước khi chia tay thành phố.

Đoàn gần 30 y bác sĩ tỉnh Hải Dương vừa có chuyến tham quan, thư giãn tại Bảo tàng Áo dài Việt Nam ở thành phố Thủ Đức (TPHCM), sau gần hai tháng làm việc miệt mài giúp TPHCM từng bước kiểm soát tốt dịch bệnh.

Bác sĩ Vũ Quy Bắc - trưởng đoàn y bác sĩ tỉnh Hải Dương, cho biết các y bác sĩ vừa hoàn thành công việc tại Bệnh viện dã chiến số 16 (quận 7) ngay trước ngày đi tham quan. Nửa tháng trước đó, các chiến sĩ tuyến đầu này cũng đã tham gia hỗ trợ chuyên môn tại Bệnh viện dã chiến số 7 (TP. Thủ Đức).

Y bác sĩ mặc áo dài lưu giữ kỷ niệm với TPHCM trước ngày về quê ảnh 1

Các thầy thuốc trẻ tỉnh Hải Dương có chuyến thư giãn khi tình hình dịch bệnh tại TPHCM đã cơ bản được kiểm soát

BS Bắc chia sẻ, những ngày vào công tác, anh em trong đoàn đã nỗ lực, cố gắng hết sức để chi viện, hỗ trợ thành phố, với tinh thần trực chiến 24/24 và theo guồng chung công việc của đội ngũ những y bác sĩ được tăng cường vào miền Nam chống dịch.

"Chuyến tham quan, trải nghiệm lần này rất thú vị, giúp mọi người hiểu biết thêm về TPHCM, đồng thời giúp đoàn được dịp xả stress, tạo niềm hưng phấn làm việc trong thời gian tới. Chúng tôi trân trọng sự quan tâm, chăm lo của các cấp, các ngành thành phố", BS. Vũ Quy Bắc bày tỏ.

Y bác sĩ mặc áo dài lưu giữ kỷ niệm với TPHCM trước ngày về quê ảnh 2

Các chiến sĩ tuyến đầu mặc trang phục áo dài, lưu giữ kỷ niệm trong lần đầu đến TPHCM công tác

Lần đầu tiên vào TPHCM trong chuyến công tác đặc biệt, BS. Trần Quốc Bảo (38 tuổi, Trung tâm Y tế huyện Cẩm Giàng) cho biết qua một thời gian công tác, giờ đây anh vui mừng khi thành phố đã vượt qua giai đoạn sóng gió. "Vào đây được các ban ngành, đoàn thể TPHCM tạo điều kiện tìm hiểu, mở mang thực tế về văn hóa truyền thống của dân tộc, đặc biệt là nét đẹp của tà áo dài. Thực sự bây giờ khi đã qua được giai đoạn vất vả, anh em mới có dịp thư giãn, thoải mái như vậy", BS. Quốc Bảo bộc bạch.

Bác sĩ Bảo cũng chia sẻ, thời gian đầu vào Sài Gòn làm việc, vợ anh ở nhà cũng lo lắng, lắm lúc "khóc sướt mướt", nên anh Bảo thường xuyên gọi điện về chia sẻ, tâm tình. Đến khi tình hình dịch bệnh ở TPHCM đã ổn hơn nhiều thì gia đình ở quê mới bớt lo.

"Nhờ chuyến trải nghiệm này, mình được dịp hiểu hơn về tà áo dài Việt Nam" - điều dưỡng Phạm Thị Hường (27 tuổi), chia sẻ.

Y bác sĩ mặc áo dài lưu giữ kỷ niệm với TPHCM trước ngày về quê ảnh 3

Dịp này, nghệ nhân ưu tú Hồng Oanh đã sáng tác bài thơ "Mai người về phương ấy" và diễn ngâm tặng cả đoàn như một lời tri ân sâu sắc đối với các y bác sĩ. "Thay mặt những người làm công tác văn hóa văn nghệ, chúng tôi xin gửi đến các y bác sĩ lời cảm ơn trân trọng khi đã dành cả quãng thời gian dài với nhiều thiếu thốn vừa qua", nghệ nhân ưu tú Hồng Oanh bày tỏ.

Y bác sĩ mặc áo dài lưu giữ kỷ niệm với TPHCM trước ngày về quê ảnh 4

Trước khi ra về, đoàn đón nhận món quà lưu niệm của bảo tàng

Chia sẻ với đoàn y tế Hải Dương, bà Huỳnh Ngọc Vân, Giám đốc Bảo tàng Áo dài Việt Nam gửi lời cảm ơn gia đình, người thân các y bác sĩ đã chia sẻ, ủng hộ tinh thần để các anh chị trụ lại và hỗ trợ thành phố trong thời gian khó khăn vừa qua. "Bảo tàng mong được đón đoàn trở lại thành phố khi là du khách, để mọi người nhìn thấy sự đổi thay của thành phố sau đại dịch", bà Bích Vân nói.

Y bác sĩ mặc áo dài lưu giữ kỷ niệm với TPHCM trước ngày về quê ảnh 5

Cả đoàn chụp ảnh lưu niệm trong lần "đi chơi" xả stress đầu tiên sau chuỗi ngày chống dịch

Dự kiến, đoàn y tế Hải Dương sẽ trở lại làm việc tại quê nhà trong vài ngày tới.

MỚI - NÓNG