Xuyên không kể chuyện Mẫu Liễu Hạnh

0:00 / 0:00
0:00
TP - Cú bắt tay giữa nghệ thuật xiếc và cải lương vốn đã gây tò mò, hai đồng đạo diễn còn tìm ra chìa khóa “xuyên không” để kể chuyện về Thánh Mẫu Liễu Hạnh một cách đầy mới mẻ.

Chuyện Mẫu giáng trần

Thượng Thiên Thánh Mẫu là vở thứ hai trong bộ bốn vở Huyền sử Việt-về Tứ bất tử của văn hóa dân gian-do nghệ sĩ Nhà hát Cải lương Việt Nam bắt tay với Liên đoàn Xiếc Việt Nam, hai đồng đạo diễn NSND Triệu Trung Kiên và Tống Toàn Thắng thực hiện. Cây gậy thần về Chử Đồng Tử ra mắt năm ngoái đã gỡ bỏ nhiều hoài nghi của người xem. Xiếc và cải lương tưởng không liên quan hóa ra lại hòa hợp vô cùng. Thượng Thiên Thánh Mẫu kế thừa sự thành công khai mở trước đó, nay lại càng mượt mà, nhuần nhị hơn.

Thánh Mẫu Liễu Hạnh là một trong bốn vị thánh bất tử (Tứ bất tử). Theo truyền thuyết, bà là con gái thứ hai của Ngọc Hoàng, với tấm lòng thương dân chúng nên nhiều lần giáng trần cứu nhân độ thế, truyền dạy nghề nông tang và các khúc Văn ca-là bộ phận không thể tách rời của nghi lễ hầu đồng được UNESCO vinh danh. Các triều đại nhà Hậu Lê đến thời nhà Nguyễn sắc phong bà là “Mẫu nghi thiên hạ”, “Chế Thắng Hòa Diệu đại vương”. Cuối đời bà quy y cửa Phật, đắc đạo và hiển linh làm Mã Vàng Bồ Tát.

Màn Tứ phủ độc đáo

Một trong những lớp diễn nhiều cảm xúc, đắt giá nhất Thượng Thiên Thánh Mẫu chính là màn tái hiện hệ thống thần linh của Tứ phủ ở phần kết. Huyền tích dân gian có nhiều dị bản, giai thoại vì thế đạo diễn mời TS. Bùi Hữu Dược, nguyên Vụ trưởng Vụ Phật giáo (Ban Tôn giáo Chính phủ) và Nghệ nhân ưu tú Phạm Hải Hậu, Thủ nhang Đền Lảnh Giang làm cố vấn tâm linh. Thủ nhang Phạm Hải Hậu còn hai lần xuất hiện trên sân khấu trong các lớp diễn tái hiện các giá hầu đồng. Di sản phi vật thể đại diện nhân loại Tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt được tái hiện sinh động, gần gũi và đảm bảo tinh thần tôn vinh tín ngưỡng dân gian đậm chất Việt.

Vở diễn Thượng Thiên Thánh Mẫu tái hiện ba lần giáng trần, giải mã các huyền tích về thân thế của bà, các di tích gắn với nghi lễ thờ phụng mà dân gian tôn vinh bà như Phủ Dầy (Nam Định), đền Sòng (Thanh Hóa) và Phủ Tây Hồ (Hà Nội). NSND, đạo diễn Triệu Trung Kiên, Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam kể, trong rất nhiều lần Mẫu giáng trần, tác giả kịch bản Lê Thế Song cùng hai đạo diễn chọn ba lần bà giáng trần tiêu biểu, nhất là đảm bảo thời lượng vừa đẹp- khoảng hai tiếng đồng hồ.

“Huyền tích về Mẫu Liễu Hạnh cần có người dẫn chuyện để khán giả dễ tiếp nhận. Với mong muốn "đánh" vào giới trẻ, chúng tôi chọn một nhóm nhảy gồm các bạn trẻ bất ngờ xuyên không lạc về quá khứ để chứng kiến các lần Mẫu giáng trần, từ đó nảy nở sự yêu mến tinh hoa văn hóa dân tộc”, NSND Triệu Trung Kiên cho hay. Xuyên không chẳng hề lạ lẫm, vốn là thủ pháp thường thấy trong tiểu thuyết, phim ảnh đặc biệt là dòng cổ trang. Thủ pháp ấy trong vở diễn xiếc-cải lương Thượng Thiên Thánh Mẫu chính là lựa chọn đắt giá, khiến câu chuyện khúc chiết hơn, đến gần với giới trẻ hơn.

Hơi thở mới

Khán giả từng xem Cây gậy thần quen với cảnh nghệ sĩ cải lương vừa đu dây vừa ca cải lương. Đến với Thượng Thiên Thánh Mẫu, khán giả càng thấy thú vị hơn khi họ đu dây, làm ảo thuật khá trôi chảy, nghệ sĩ xiếc được tham gia thoại và diễn của sân khấu khá chuyên nghiệp. Nghệ sĩ Minh Lý vừa khoe được chất giọng đẹp, lại vừa được đào luyện khả năng bay lượn trên không. Cải lương vốn đậm tính ước lệ, vì thế những trường đoạn Mẫu Liễu Hạnh giáng trần hoặc thăng thiên, cảnh bà trừng trị tham quan ô lại, dạy bảo con người… đã có nghệ thuật xiếc “cân” hết.

Xuyên không kể chuyện Mẫu Liễu Hạnh ảnh 1

Nghệ sĩ xiếc bắt tay nghệ sĩ cải lương kể chuyện Mẫu Liễu Hạnh. Ảnh: Kỳ Sơn

Ngôn ngữ xiếc lần này được đưa vào nhiều hơn, hiệu quả và tinh tế hơn so với vở về Chử Đồng Tử. “Thông qua những trò diễn xiếc, các tình tiết sẽ trực quan, trực diện, sinh động hơn. Trò xiếc xuất phát từ đòi hỏi của lớp diễn, mang đến nhiều thứ đáng xem cho khán giả hơn. Vở diễn vẫn đảm bảo tính giải trí, tính triết lý sâu sắc”, NSND Triệu Trung Kiên lí giải. Không muốn trưng ra những màn trình diễn đỉnh cao, kỹ thuật khó như diễn xiếc thông thường, hai đạo diễn thống nhất để nghệ sĩ thể hiện trò xiếc bình dị, tự nhiên và hợp lí như màn tát nước đêm trăng chẳng hạn. Xiếc không phải minh họa cho cải lương. Ranh giới đôi khi nhòa đi để khán giả cảm nhận được câu chuyện về Mẫu được kể lại nhuần nhuyễn.

Vượt qua sự thử thách về dịch bệnh, nghệ sĩ hai nhà nỗ lực dựng cho bằng được Thượng Thiên Thánh Mẫu-có đêm tổng duyệt đầu tiên vào đầu tháng 1/2022. NSND Tống Toàn Thắng, Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam nói, nghệ sĩ được cộng hưởng nhiều năng lượng từ khâu xây dựng kịch bản cho tới cả quá trình tranh luận, tập vở. Ban đầu vở diễn dự kiến ra mắt vào dịp rằm tháng Bảy âm lịch năm 2021, rồi cứ hoãn hết lần này tới lần khác do dịch bùng phát. Trong những ngày Hà Nội phong tỏa, nghệ sĩ xiếc và cải lương đóng cửa tự tập luyện, chờ ngày khớp vở.

“Giữ vững tinh thần cho nghệ sĩ rất khó, bởi trong năm qua chúng tôi phải chấp nhận cho ba bạn diễn viên bỏ nghề. Có gia đình còn lên tận nơi can thiệp, xin cho con họ về quê làm nghề. Với vở diễn về Mẫu Liễu Hạnh, nghệ sĩ ai nấy đều muốn cống hiến, thăng hoa trong hoàn cảnh ngặt nghèo. Chính vì thế, chúng tôi thấy rưng rưng khi họ hóa thân tuyệt vời vào vai diễn”, NSND Tống Toàn Thắng nói. Sự thăng hoa của Thượng Thiên Thánh Mẫu không thể không nhắc tới sự sáng tạo của họa sĩ, NSƯT Doãn Bằng, biên đạo múa NSND Kim Chung. Đặc biệt, NSND Tự Long góp giọng hát Văn ca Thánh Mẫu. Thượng Thiên Thánh Mẫu có nhiều chất liệu để thu hút khán giả, xóa đi định kiến về sự kén khán giả, cũ mòn của xiếc hay cải lương khi đứng độc lập.

MỚI - NÓNG
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
TPO - Ngày 13/12, Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Định cho biết đã thông báo tổ chức giao thông tạm thời qua cầu Thị Nại, TP. Quy Nhơn. Thời gian xếp xe thử tải bắt đầu từ lúc 8h đến 22h ngày 15/12. Đây là cầu vượt biển đầu tiên được xây dựng ở Việt Nam, hiện là cầu vượt biển dài thứ 2, sau cầu Tân Vũ - Lạch Huyện ở Hải Phòng.