Xuyên đêm nấu bánh chưng gửi về vùng lũ: Ấm tình đồng bào

Gói bánh cứu trợ đồng bào miền TrungẢnh: Phan Giang
Gói bánh cứu trợ đồng bào miền TrungẢnh: Phan Giang
TP - Làng trên xóm dưới, từ thôn quê cho đến thành phố, đâu đâu cũng thấy dân rầm rập đỏ lửa gói bánh chưng, bánh tét cứu bà con vùng lũ Hà Tĩnh, Quảng Bình vượt qua cơn đói. Nghĩa cử này thật ấm áp, thiêng liêng.

  Cả làng đỏ lửa

Bí thư Huyện ủy Thanh Chương (Nghệ An), ông Nguyễn Hải Dương nói với tôi: “Là địa bàn thường xuyên xảy ra ngập lụt mùa mưa bão nên dân Thanh Chương hiểu thấu nỗi khổ của người dân Quảng Bình, Hà Tĩnh hiện tại, khi lũ lụt bao vây tứ phía. Điều đầu tiên họ nghĩ tới và làm ngay: cứu đói. Thế rồi, chẳng ai bảo ai, cả làng đỏ lửa nấu bánh chưng để cứu trợ bà con vùng lũ đang gặp hoạn nạn”.

Sông Lam chạy qua địa phận Thanh Chương, mảnh đất trung du trập trùng đồi núi này bao phen thất thủ vì mưa to gió lớn, thủy điện ở thượng nguồn tích nước rồi “xả lũ đúng qui trình”, nhấn chìm làng mạc, nhà cửa. Dân Thanh Chương đã quá quen với cảnh mùa nắng đồng ruộng hanh khô, nứt nẻ; đến cữ tháng 9, tháng 10 hằng năm lại tất bật chạy lụt. Nông dân huyện Thanh, xứ Nghệ đã quá quen với cơn đói, chẳng phải buổi Giêng Hai, mà hiển hiện ngay trong “mùa no” khi tứ phía nước trắng xóa, mênh mông, lũ lụt tràn bờ đê.

“Đọc báo, xem tivi, lướt facebook những ngày này thấy ngổn ngang hình ảnh dân Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh leo lên mái ngói tránh lũ, cảnh lụt lội ngập nhà cửa, thật không cầm nổi nước mắt. Dân chúng tôi muốn đóng góp chút gì đó, gọi là, để cứu đói cho bà con đang cần trợ giúp. Những bếp lửa được nhóm lên, làng xóm quây quần bên nhau, thức xuyên đêm canh nồi bánh chưng. Dân rủ nhau nấu bánh chưng từ bữa 16, 17 tháng 10 kia, nấu được hàng nghìn cái chuyển đi rồi”, Bí thư Thanh Chương kể.

Có người âm thầm nấu bánh, gửi theo những chuyến xe tốc hành vào Quảng Trị, Quảng Bình; có người thấy ý nghĩa bèn đưa lên mạng xã hội, thế là thành một phong trào, lan rộng ra các huyện từ miền xuôi cho đến miền núi: Nghi Lộc, Quỳnh Lưu, Quì Hợp. Những huyện rẻo cao xa tít tắp như Tương Dương, Kỳ Sơn, Quế Phong bản làng cũng đỏ lửa. Tại huyện Thanh Chương, chỉ trong một đêm, xã Thanh Dương dùng hết 2 tấn gạo để gói bánh.

Giữa cơn lạnh, giữa cơn thịnh nộ của đất trời, những đốm lửa được nhen lên. Già trẻ quây quần bên nhau, người cắt lá, xếp ngay ngắn từng chồng; người mải mê đổ nếp vào khuôn, thêm gia vị, thịt, hành, những chiếc bánh lá dong lần lượt vào nồi. Hàng chục chiếc nồi cỡ lớn xếp thành dãy dài, đỏ lửa suốt đêm. Bí thư xã Đồng Văn ( huyện Thanh Chương), ông Trần Đình Túy bảo, đêm qua xóm Phượng Sơn nấu 3 tạ nếp, nguyên vật liệu do dân làng tự nguyện quyên góp, mỗi người một ít. “Hôm nay, nhà xe Trung Trầm bốc bánh ở Đồng Văn xong, bèn chạy một vòng quanh huyện Thanh Chương gom bánh từ các xã, vận chuyển miễn phí vào Hà Tĩnh, Quảng Bình cứu đói cho bà con vùng lũ”, ông Túy cho hay.

Ấm lòng miền Trung thương yêu

Sáng qua, anh Nguyễn Đàm Văn- Tổng GĐ Công ty Văn Minh báo tin: “Đơn vị đang phối hợp với Tiểu đoàn 3, Lữ đoàn phòng không 283 và Tỉnh đoàn Nghệ An quyên góp, nấu bánh chưng hỗ trợ người dân vùng lũ”. Tôi xin đóng góp 50 kg nếp. Văn nói, mọi người đến ủng hộ nhiều lắm, người mang thịt, hành, người chở lá dong, đợt này huy động được hơn 20.000 chiếc bánh chưng giúp bà con. Chiều muộn, anh Nguyễn Anh Tuấn- Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn trong chuyến công tác tại Nghệ An; thăm hỏi, động viên các gia đình cán bộ, chiến sỹ QK4 có người thân hy sinh khi tham gia cứu hộ tại huyện Phong Điền (Thừa Thiên- Huế), đã ghé thăm “xưởng” nấu bánh chưng của bộ đội, Tỉnh đoàn Nghệ An tại bến xe phía Đông TP Vinh. “Vài tiếng nữa, nồi bánh đầu tiên sẽ…xuất xưởng, mọi người ai cũng hăng hái xắn tay vào việc, quên cả nhọc nhằn, náo nức như ngày hội”, Văn nói.

Phan Giang, phóng viên Đài PTTH Qùi Hợp kể: “Khoảng 17h ngày thứ Hai đầu tuần, ngay sau khi Công đoàn xã Nghĩa Xuân đăng thông tin trên trang Fb kêu gọi ủng hộ lá dong, gạo nếp, đậu…bà con trong xã đều nhất trí đồng lòng, cùng nhau quyên góp nguyên liệu gói bánh giúp đỡ những người dân đang dầm mình trong nước lũ. Trong một thời gian ngắn, đã góp được 120 kg nếp,10kg thịt, 10 kg đậu, 1.500 chiếc lá dong, nấu hàng trăm chiếc bánh”. Tại huyện miền núi Tương Dương, giáo viên Trường THCS Xá Lượng góp tiền mua nếp, thịt, gói được hơn 100 chiếc bánh.

Bên bếp lửa bập bùng, làng xóm quây quần bên nhau. Tiếng củi nổ tí tách, nồi bánh sôi sùng sục, xung quanh ngọn lửa phảng phất mùi nếp chín, mùi lá dong. Nồi bánh chưng gợi lại cảnh đoàn viên khi Tết đến, Xuân về, nay trở thành nồi bánh cứu trợ ân tình. Huyện Nghi Lộc, nơi hàng trăm nồi bánh được nhen lên, luôn hiện hữu bóng dáng của thanh niên tình nguyện. “Anh em đoàn phát động phong trào, nguyên vật liệu chủ yếu do người dân, giáo viên các trường đóng góp mỗi người một ít. Chỉ vài ngày đỏ lửa, Nghi Lộc đã nấu được hàng nghìn chiếc bánh gửi vào Hà Tĩnh, Quảng Bình”, Bí thư Huyện đoàn Nguyễn Thị Lê cho hay. Xã Nghi Thiết, Nghi Yên, thị trấn Quán Hành…đâu đâu cũng tấp nập, rộn ràng cảnh gói bánh, nhóm lò, đỏ lửa.

“Hà Tĩnh nước đã rút nhiều rồi, anh em đang tìm cách di chuyển vào chi viện cho Quảng Bình”, nhóm phóng viên Tiền Phong, sau một ngày quần thảo sông nước bằng xuồng máy, mà dưới chân là đường làng, đồng ruộng, đang nhọc nhằn len lỏi vào chỗ ngập sâu hơn. Mò mẫm, xê dịch qua từng ngõ xóm; vất vả kiếm tim đường quốc lộ hướng vào phía Nam khi chiều sâm sẩm tối, mưa xối xả. Lũ đang rút dần, thủy lợi Kẻ Gỗ sau đợt xả tràn cấp tập, đã mệt nhoài, bọt nước dềnh lên hoang hoải. Mỗi ngôi làng, ngõ xóm, đồng ruộng lũ lụt tràn qua, cây cối trở nên xác xơ, phờ phạc.

 Màu bánh chưng xanh, tôi tin ở sự hồi sinh!     

Tại sao lại là bánh chưng, chứ không phải lương khô, mì tôm cứu trợ đồng bào vùng lũ Quảng Bình, Hà Tĩnh? Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Nghệ An, anh Lê Văn Lương giải thích: “Mì tôm dễ mua, dễ vận chuyển, nhưng đưa vào vùng đang ngập nước rất bất tiện; lương khô khó mua với số lượng lớn. Trong thời điểm dân vùng lũ ngàn cân treo sợi tóc, bánh chưng tiện dụng nhất, cũng là thức ăn mà người dân vùng lũ cần nhất”.

MỚI - NÓNG
Nhiều vũ khí hiện đại sẽ xuất hiện tại triển lãm quốc tế do Bộ Quốc phòng Việt Nam tổ chức
Nhiều vũ khí hiện đại sẽ xuất hiện tại triển lãm quốc tế do Bộ Quốc phòng Việt Nam tổ chức
TPO - Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam lần thứ 2 - năm 2024 do Bộ Quốc phòng Việt Nam tổ chức, dự kiến diễn ra từ ngày 19/12 đến 22/12/2024 tại sân bay Gia Lâm, Hà Nội. Nhiều loại vũ khí, thiết bị quân sự hiện đại, trong đó có những sản phẩm mới sản xuất gần đây sẽ được trưng bày.