'Xúy Vân' Diễm Lộc nổi tiếng một thời giờ ra sao?

NSND Diễm Lộc bên những bức hình kỷ niệm.
NSND Diễm Lộc bên những bức hình kỷ niệm.
Nghệ sĩ chèo nổi danh một thời sống bình an với tiếng kinh kệ mỗi ngày và vui vầy trong tình bạn già.

Ở tuổi gần 80, Nghệ sĩ Nhân dân Diễm Lộc gây ấn tượng với người đối diện qua vẻ ngoài đôn hậu, nụ cười luôn toát lên vẻ lạc quan, dễ gần. Đôi lúm đồng tiền vẫn còn giữ nguyên nét duyên trên má "Nàng Xúy Vân" một thời.

Sống theo châm ngôn "Cơm sôi bớt lửa, người khôn bớt lời", bà luôn cười hiền từ mỗi khi ôn lại đoạn đời nhiều gian truân. Hôn nhân đổ vỡ năm 31 tuổi, nghệ sĩ một mình nuôi con và ở vậy đến giờ. Bà bảo không đi bước nữa vì muốn dành trọn tình cảm cho các con. Ngày ấy, ở tuổi 48, NSND Diễm Lộc nhận quyết định về hưu non. Suốt một thời gian dài, chưa một giây phút nào, giấc mơ sân khấu thôi ám ảnh, day dứt trong lòng bà.

NSND Diễm Lộc để lại nhiều dấu ấn khi còn công tác tại Nhà hát Chèo Việt Nam. Hóa thân vào vai Thị Màu, bà là người đầu tiên sáng tạo ra cách cài hoa lên tai. Sau này, nhiều nghệ sĩ trẻ học tập và vận dụng chi tiết cài hoa vào nhiều vai diễn khác. Bà cũng gây ấn tượng với điệu hát, tiếng cười man dại khi đóng Xúy Vân trong Xúy Vân giả dại. Diễm Lộc tâm sự thuở đầu sự nghiệp, bà vẫn chưa được Nhà hát giao vai này. Tuy nhiên, những lúc ngồi trong cánh gà, bà luôn hướng mắt lên sân khấu và lúc nào cũng hóa trang như diễn viên chính để sẵn sàng lên diễn nếu được yêu cầu.

Từ khi xa sân khấu chèo, bà bén duyên truyền hình. Diễm Lộc xuất hiện trong hình ảnh người phụ nữ đức hạnh với tính cách nhẹ nhàng và lối diễn xuất mang chiều sâu nội tâm trong Đường đời, Dòng sông phẳng lặng, Nắng chiều, Mùa lá rụng, Vệt nắng cuối trời, Lều chõng

Nhiều đạo diễn đánh giá NSND Diễm Lộc có lối diễn xuất tự nhiên và phong cách làm việc chuyên nghiệp. Đạo diễn Đỗ Đức Thành từng ngạc nhiên khi bà ra trường quay với tay không. Khi anh hỏi: "Sao chị không mang kịch bản đi?", NSND hóm hỉnh: "Thưa đạo diễn, kịch bản tôi cho hết vào trong bụng rồi. Bây giờ đạo diễn muốn diễn tập nào tôi sẽ đọc thoại tập đó". Dù trên sân khấu hay truyền hình, bà đều cần mẫn và sống bằng cái tâm. Bà giành danh hiệu "Nữ diễn viên xuất sắc" tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 13 với vai bà Bơ trong phim Nắng chiều. Lúc ấy, tuổi bà đã ngoài 60.

Khi câu lạc bộ những nghệ sĩ về hưu của Nhà hát Chèo Việt Nam được thành lập, Diễm Lộc cùng đồng nghiệp được mời đi diễn ở địa phương, dạy diễn xuất cho các đoàn và luyện thi tài năng trẻ. Bà bảo thứ cốt yếu để nghệ sĩ thành công với nghề chính là “lửa”. Bất kể trên sân khấu hay sàn tập, người làm nghề phải rèn luyện đức tính cần mẫn và có tinh thần cầu thị.

“Để có Diễm Lộc của ngày hôm nay, tôi đã lao động quên mình, học tập các nghệ nhân, các đồng nghiệp, đôi khi học cả học trò. Tài năng chỉ có một phần trăm, còn chín mươi phần trăm là lao động sáng tạo”, bà tâm sự.

Một buổi sáng đầu thu, tại căn hộ nhỏ ở Hà Nội, bà hớn hở đón tiếp những người bạn lâu ngày đến thăm. Nhà cửa thường ngày vắng vẻ, con cái đi làm nên khách đến nhà là món quà tinh thần với NSND Diễm Lộc. Mở cửa đón bạn, bà hài hước nói: “Xin chào tình yêu của tôi”. Sẵn hoa quả trong bếp, bà tự tay ép đồ uống mời khách. Bạn bè tấm tắc khen NSND không những có tài nấu ăn giỏi, chu đáo việc nhà mà còn quan tâm đến sức khỏe người xung quanh. Thấy khách bị ho, bà liền vào phòng, đem ra bài thuốc dân gian, dặn tỉ mỉ về nơi mua dược liệu và cách uống.

Cuộc trò chuyện rôm rả của những người bạn già xoay quanh vấn đề sức khỏe, cách giữ tinh thần và niềm vui sống. Một ngày của bà thường bắt đầu vào lúc bốn giờ sáng. Bà dậy, tản bộ một vòng quanh Hồ Gươm rồi ghé vào chợ mua đồ ăn cho cả gia đình. Khi không ra ngoài hàn huyên với bạn bè, NSND Diễm Lộc ở nhà làm bạn với thiên nhiên. Căn phòng của bà xanh mát những giỏ cây. Chúng được nghệ sĩ tỉa tót và chăm sóc hàng ngày.

Bạn bè nhận định NSND Diễm Lộc nhanh nhẹn và dẻo dai ở tuổi 80 là vì sống theo phong thái người tu hành. Bà ăn chay và dành thời gian trong ngày để tụng kinh tại gia. Nghệ sĩ tâm niệm buông bỏ mọi phiền não để lấy sự thanh tịnh, muốn cuộc đời bình an thì nên biết sống vừa đủ, không sân si.

Ở góc phòng, bà có một tủ sách nhỏ cất trữ nhiều thể loại như kinh Phật, bài thuốc dân gian, các tạp chí sân khấu... Đầu giường là cuốn từ điển Hán Văn đang mở. Gần đây, NSND Diễm Lộc có thú vui tìm hiểu về vốn văn hóa cổ của dân tộc. Bà hào hứng khoe: “Mỗi ngày tôi tự học một chữ rồi luyện viết vì đầu óc bây giờ lúc nhớ lúc quên. Đến nay, chữ tôi viết ra đẹp lắm”.

NSND Diễm Lộc sinh năm 1938 ở Ba Vì, Hà Nội. Tên tuổi của bà gắn liền với các vai diễn: Chị Ba Đẹp trong Lọ nước thần của tác giả Trần Vượng, nàng Châu Long trong vở chèo cổ Lưu Bình Dương Lễ, Thị Màu trong Quan Âm Thị Kính, Tấm trong Tấm Cám… Với vai Xúy Vân trong Xúy Vân giả dại, bà giành huy chương vàng tại Hội diễn sân khấu năm 1962. Năm 2016, bà được nhà nước trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân.

Theo Theo Vnexpress
MỚI - NÓNG