Người dân địa phương cho biết đã nghe thấy khoảng 25 tiếng nổ lớn và luồng sáng lóe lên ở một số quận của thành phố. Ngoài ra, theo các nhân chứng, một đám cháy lớn đã bùng phát gần một kho dầu ở Engels.
Trước đó, Thống đốc Saratov - Roman Busargin - đã báo cáo về mối đe dọa của một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái. Sau đó, ông Busargin cho biết các mảnh vỡ của một máy bay không người lái đã "rơi xuống một cơ sở công nghiệp ở Engels".
Thành phố này có một sân bay lớn, là nơi tập kết máy bay ném bom chiến lược Tu-95. Sân bay đã nhiều lần bị máy bay không người lái tấn công.
Thống đốc Busargin nói thêm, rằng thành phố Saratov và Engels đã phải hứng chịu một cuộc tấn công máy bay không người lái lớn vào ban đêm. Hai thành phố Saratov và Engels nằm đối diện nhau ở bờ phải và bờ trái Sông Volga.
Hình ảnh vụ nổ ở Engels. (Ảnh: Telegram) |
Sau đó cùng ngày, Bộ Tổng tham mưu Các lực lượng vũ trang Ukraine cho biết, quân đội nước này đã tấn công kho chứa dầu Kombinat Kristal ở thành phố Engels.
Kho dầu này là nơi cung cấp nhiên liệu cho sân bay quân sự Engels. "Chúng tôi đang thu thập thêm thông tin về kết quả của hoạt động chiến đấu", quân đội Ukraine tuyên bố. "Thiệt hại đối với kho dầu sẽ gây ra những vấn đề hậu cần đáng kể cho máy bay Nga, làm giảm đáng kể khả năng tấn công các mục tiêu ở Ukraine".
Nhiều vùng của Nga bị tấn công bằng máy bay không người lái
Bộ Quốc phòng Nga ngày 8/1 cho biết, 32 máy bay không người lái (UAV) đã bị bắn hạ trên bảy vùng của Nga và Biển Azov.
Trong đó, 11 UAV bị đánh chặn ở Saratov, 4 UAV ở Kursk, 4 chiếc ở Rostov, 3 chiếc ở Belgorod, 3 chiếc ở Bryansk, 2 chiếc ở Krasnodar, 1 chiếc ở Volgograd và 4 chiếc trên Biển Azov.
Rộ tin đồn pháo tự hành Triều Tiên xuất hiện trong xung đột Nga - Ukraine
Các đơn vị pháo tự hành M1989 Koksan do Triều Tiên sản xuất dường như đã xuất hiện trên chiến trường và đang được quân đội Nga sử dụng.
Thông tin trên được kênh Telegram Military Informant tiết lộ, cùng một đoạn video được cho là ghi lại gần khu vực tiền tuyến.
(Nguồn: Telegram) |
M1989 Koksan là một hệ thống pháo tầm xa mạnh mẽ, được phát triển và sản xuất tại Triều Tiên. Nó có khả năng tấn công các mục tiêu ở phạm vi lên tới 60 km.
Thông tin về việc Triều Tiên chuyển giao M1989 Koksan cho Nga bắt đầu xuất hiện vào mùa thu, khi một số bức ảnh và video về các đoàn tàu chở pháo tự hành lan truyền trên mạng. Nhưng sự xuất hiện của những khẩu pháo này trên tiền tuyến là bằng chứng đầu tiên về sự tham gia của chúng trong cuộc xung đột.
Trước đó, ngày 6/1, tạp chí Military Watch đăng tải đoạn video cho thấy tên lửa chống tăng Bulsae-4 của Triều Tiên được sử dụng chống lại lực lượng Ukraine. Kết quả của cuộc tấn công là một đơn vị pháo tự hành 2S1 Gvozdika của Ukraine đã bị phá hủy.
Hình ảnh cuộc tấn công. (Nguồn: Telegram) |
Theo Military Watch, tên lửa Bulsae-4 lần đầu tiên được phát hiện trên chiến trường vào tháng 8/2024 và đã trở thành một yếu tố quan trọng trong chiến lược của lực lượng Nga.
Bulsae-4 là hệ thống tên lửa chống tăng dẫn đường tương tự Javelin của Mỹ, nhưng có tầm bắn tăng gấp đôi lên tới 10 km.
Những tên lửa này có khả năng tấn công các khí tài từ trên cao, nơi lớp giáp thường mỏng hơn, khiến chúng đặc biệt hiệu quả khi chống lại xe hạng nặng và pháo binh cơ động.
Sử dụng dữ liệu từ máy bay không người lái và các phương tiện trinh sát khác, tên lửa có thể bắn trúng mục tiêu ngoài tầm nhìn, làm tăng đáng kể giá trị chiến thuật của chúng.
Trường hợp sử dụng Bulsae-4 gần đây nhất được ghi nhận gần làng Malaya Loknya ở tỉnh Kursk (Nga).
Tuy nhiên, Nga vẫn chưa bình luận về các báo cáo của phương tiện truyền thông nước ngoài.
Nga phóng tên lửa Iskander-M phá hủy hệ thống phòng không S-300PS cuối cùng của Ukraine
Tên lửa tác chiến chiến thuật Iskander-M của Nga đã tấn công một hệ thống phòng không S-300PS của Ukraine gần Pavlograd, Dnipropetrovsk.
Theo tạp chí quân sự Military Watch, cuộc tấn công tên lửa hôm thứ Hai (6/1) của Nga đã phá hủy các thành phần chính của hệ thống phòng không S-300PS, bao gồm một trạm chỉ huy 5N63S, một radar chiếu sáng và dẫn đường 30N6 và các phương tiện hỗ trợ liên quan.
Pavlograd là một trong những vùng nằm ở biên giới phía tây của Ukraine, nơi các cuộc giao tranh vẫn tiếp tục diễn ra. Việc hệ thống S-300PS cuối cùng bị phá hủy khiến hệ thống phòng không chung của Ukraine suy yếu đáng kể.
Các hệ thống S-300, được triển khai trên lãnh thổ Ukraine từ thời Liên Xô, được xem là một trong những hệ thống phòng không mạnh nhất trong khu vực. Tuy nhiên, sự cạn kiệt các hệ thống này trong cuộc xung đột với Nga đã trở thành một trong những vấn đề chính đối với lực lượng vũ trang Ukraine.
Kể từ khi bắt đầu xung đột, Ukraine đã phải đối mặt với tình trạng thiếu tên lửa và phụ tùng thay thế cho các hệ thống phòng không của nước này. Năm 2022, phát ngôn viên Lực lượng Không quân Ukraine, Đại tá Yuriy Ignat cảnh báo việc thiếu tên lửa cho S-300 và Buk có thể làm suy yếu đáng kể khả năng đối phó của lực lượng Ukraine trước những cuộc tấn công từ Nga.
Tháng 4/2023, các tài liệu mật bị rò rỉ từ Bộ Quốc phòng Mỹ đã xác nhận những lo ngại này. Các quan chức Mỹ cho rằng đến tháng 5/2023, hệ thống phòng không tiền tuyến của Ukraine có thể bị phá hủy hoàn toàn.
Các cuộc tập kích của Nga, được hỗ trợ bởi pháo binh, đã gia tăng đáng kể áp lực lên trận địa. Lực lượng Ukraine ở tiền tuyến đã nhiều lần ghi nhận tác động của các vụ ném bom, phá hủy boongke kiên cố và những vị trí dễ bị tổn thương.
Đáng chú ý, hệ thống tên lửa Iskander của Nga đóng vai trò quan trọng trong việc phá hủy hệ thống phòng không Ukraine. Kể từ năm 2024, các hệ thống này đã được Nga sử dụng nhiều lần để tấn công hệ thống Patriot và S-300. Cụ thể, vào tháng 3 và tháng 7, tên lửa của Nga đã tấn công thành công các hệ thống Patriot và S-300 của Ukraine gần khu định cư Yuzhnoye, vùng Odessa.
Tháng 8/2024, Nga đã sử dụng tên lửa Iskander trang bị đầu đạn chùm tấn công 3 hệ thống MIM-104 Patriot ở khu vực Dnepropetrovsk. Vào tháng 12, một cuộc tấn công của Iskander khác đã phá hủy một radar AN/MPQ-65 và 4 bệ phóng Patriot, sau đó là các cuộc tấn công vào các sân bay và cơ sở hạ tầng quân sự của Ukraine ở 146 khu vực.