Xung đột Nga - Ukraine ngày 7/1: Tiền tuyến lần đầu tiên được đẩy ra xa 40 km khỏi Donetsk

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Việc lực lượng vũ trang Ukraine rút lui khỏi Kurakhovo sẽ tác động mạnh mẽ đến tình hình chiến thuật ở Donbass. Lần đầu tiên, tiền tuyến được đẩy ra xa khỏi thành phố Donetsk 40 km, theo Avia Pro.
Xung đột Nga - Ukraine ngày 7/1: Tiền tuyến lần đầu tiên được đẩy ra xa 40 km khỏi Donetsk ảnh 1

(Ảnh: Tass)

Thành phố Kurakhovo từng là một cứ điểm của lực lượng Ukraine. Bộ chỉ huy quân sự Ukraine đã biến Kurakhovo thành một thành trì kiên cố trong 10 năm qua, cho phép họ pháo kích thành phố Donetsk và các khu vực lân cận, Bộ Quốc phòng Nga cho biết. Quân đội Ukraine đã tập hợp hơn 15.000 quân ở Kurakhovo, bao gồm các đơn vị tinh nhuệ, các đội hình chủ nghĩa dân tộc và lính đánh thuê nước ngoài.

Nhưng khi Ukraine rút khỏi Kurakhovo, tình hình đã thay đổi theo hướng có lợi cho Nga. Các chuyên gia nhấn mạnh, rằng việc thiết lập quyền kiểm soát Kurakhove sẽ tạo điều kiện cho các lực lượng Nga tiến xa hơn nữa ở phía tây nam Donbass, và tăng tốc độ các hoạt động tấn công.

Ukraine mất 10 xe tăng trong nỗ lực phản công ở Kursk

Xung đột Nga - Ukraine ngày 7/1: Tiền tuyến lần đầu tiên được đẩy ra xa 40 km khỏi Donetsk ảnh 2

(Ảnh: Sputnik)

Trong tuyên bố ngày 6/1, Bộ Quốc phòng Nga cho biết, quân đội nước này đang "tiếp tục tấn công các đội hình của lực lượng vũ trang Ukraine tại Kursk".

Chiến dịch phản công mới nhất của Ukraine tập trung vào thị trấn Bolshoye Soldatskoye. Lực lượng Nga đã loại bỏ nhóm tấn công chính của Kiev với sự hỗ trợ của Không quân và pháo binh.

Trong vòng 24 giờ qua, lực lượng Ukraine đã mất tổng cộng 485 binh sĩ, 10 xe tăng, bảy xe chiến đấu bộ binh, năm xe bọc thép chở quân, một khẩu pháo, một hệ thống tác chiến điện tử và nhiều phương tiện khác ở Kursk, trích tuyên bố.

Nga triển khai hệ thống phòng không tối tân S-500 để bảo vệ cầu Crimea

Trang tin Army Recognition cho biết, quân đội Nga đã triển khai hệ thống phòng không S-500 để bảo vệ cầu Kerch nối lục địa Nga với bán đảo Crimea.

Quyết định này được đưa ra nhằm mục đích tăng cường khả năng phòng thủ của bán đảo Crimea, khu vực thường xuyên bị nhắm mục tiêu trong các cuộc tấn công chính xác bằng vũ khí phương Tây của Ukraine.

Hệ thống S-500 được phát triển bởi công ty Almaz-Antey, là bước đột phá về công nghệ trong phòng thủ tên lửa. Hệ thống này có khả năng vô hiệu hóa nhiều mối đe dọa, bao gồm máy bay tàng hình như F-35, tên lửa siêu thanh, tên lửa đạn đạo liên lục địa và thậm chí cả vệ tinh quỹ đạo thấp.

Prometheus có tầm bắn tối đa 600 km và có thể đánh chặn vũ khí ở độ cao tối đa 200 km, vượt xa khả năng của các thế hệ trước là S-300 và S-400.

Mỗi khẩu đội S-500 gồm 12 bệ phóng. Mỗi bệ phóng có khả năng phát hiện và đánh chặn 10 đầu đạn bay với tốc độ 7 km/giây.

Việc triển khai S-500 tại Crimea sẽ khắc phục các điểm yếu trong hệ thống phòng không của khu vực, giúp bảo vệ các cơ sở quan trọng, bao gồm cả cầu Kerch.

Cầu Kerch, đóng vai trò quan trọng trong việc vận chuyển vật tư quân sự giữa đất liền Nga và bán đảo Crimea, đã nhiều lần bị tấn công.

Các cuộc tấn công bằng tên lửa phương Tây như ATACMS và Storm Shadow cũng đã làm hư hại cơ sở hạ tầng của bán đảo Crimea, bao gồm sân bay Saki và các cơ sở phòng không ở Dzhankoy.

S-500 sẽ là yếu tố cốt lõi trong mạng lưới phòng thủ của Nga, bổ sung cho các hệ thống S-400 và S-300. Với khả năng hoạt động được mở rộng, hệ thống này sẽ bảo vệ không chỉ các tài sản chiến lược của Nga mà còn cả các vùng lãnh thổ rộng lớn. Việc triển khai S-500 sẽ có tác động đến tình hình quân sự ở khu vực Biển Đen, hạn chế các hành động của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và củng cố vị thế của Nga.

Các chuyên gia lưu ý, rằng Prometheus sẽ không chỉ tăng cường khả năng phòng thủ của Crimea mà còn thay đổi cán cân quyền lực trong khu vực. Nếu căng thẳng gia tăng, hệ thống này sẽ trở thành thành phần chủ chốt trong chiến lược của Nga nhằm đảm bảo an ninh trước các mối đe dọa tên lửa và không quân hiện đại.

Belarus cáo buộc Tổng thống Ukraine nói sai sự thật

Minsk bác bỏ tuyên bố của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky rằng Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko đã xin lỗi ông sau khi xung đột Nga - Ukraine bùng phát.

Tuyên bố trên được ông Zelensky đưa ra trong cuộc phỏng vấn kéo dài ba giờ với người dẫn chương trình Lex Fridman.

Hồi đầu năm 2022, Nga đã sử dụng lãnh thổ Belarus để tiến hành các cuộc không kích và đưa binh sĩ đến gần Kiev. Trả lời Fridmen, ông Zelensky cho biết Tổng thống Belarus "đã xin lỗi" ông trong một cuộc điện đàm được thực hiện "vào những ngày đầu của cuộc xung đột".

"Ông Lukashenko nói: 'Không phải tôi, tên lửa được phóng từ Belarus, nhưng mà là do người Nga'. Ông ấy nói như vậy. Tôi có nhân chứng", Tổng thống Zelensky kể lại.

Tuy nhiên, người phát ngôn của Tổng thống Belarus - Natalya Eysmont - đã bác bỏ thông tin này.

"Bản chất của cuộc trò chuyện là như sau. Tổng thống của chúng tôi nói rằng một cuộc xung đột đã nổ ra trên lãnh thổ Ukraine. Đó là lý do vì sao tổng thống của chúng tôi kêu gọi đàm phán", bà Eysmont nói. "Tổng thống Belarus không đưa ra bất kỳ lời xin lỗi nào với Tổng thống Ukraine, đơn giản vì ông ấy không có gì phải xin lỗi".

Mátxcơva và Minsk bị ràng buộc bởi một hiệp ước phòng thủ chung. Nga đã triển khai thêm lực lượng và bố trí vũ khí hạt nhân tại Belarus kể từ năm 2022, viện dẫn căng thẳng với phương Tây về Ukraine.

Tổng thống Lukashenko công khai ủng hộ Nga, tuy nhiên ông nhấn mạnh rằng Belarus không phải là một bên trong cuộc xung đột.

Đầu năm 2022, Belarus đã tổ chức ba vòng đàm phán giữa Nga và Ukraine. Nhưng các cuộc đàm phán đã đổ vỡ sau một hội nghị thượng đỉnh ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ). Hai bên cáo buộc đối phương đưa ra những yêu cầu không thực tế.

Theo RT, Pravda
MỚI - NÓNG