Xung đột Nga - Ukraine ngày 7/12: Nga thu giữ xe chiến đấu Bradley mà Mỹ cung cấp cho Ukraine

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Truyền hình Nga chiếu đoạn video cho thấy một chiếc xe chiến đấu bộ binh Bradley do Mỹ sản xuất bị thu giữ trên tiền tuyến ở vùng Luhansk sau khi trúng hỏa lực của Nga.

Channel 1 cho rằng việc tịch thu xe chiến đấu Bradley - một trong số vài chục chiếc mà Washington đã cung cấp cho Ukraine trong năm nay - sẽ giúp các lực lượng Nga xác định được những điểm yếu của nó.

Nhóm quân nhân Nga cho biết họ đã quay lại để thu giữ chiếc xe Bradley trong bóng tối và sương mù dày đặc, ở vị trí cách lực lượng Ukraine khoảng 500 m. Họ kéo chiếc xe đi qua bãi mìn sau khi nỗ lực đầu tiên thất bại.

Trên thân xe có đầy lỗ đạn được cho là do máy bay không người lái của Ukraine tạo ra khi cố gắng phá hủy nhiều thiết bị công nghệ cao trong chiếc xe bị bỏ rơi để tránh việc những thiết bị này rơi vào tay Nga.

Phía Nga cho biết chiếc xe này dường như là phiên bản nâng cấp của Bradley với động cơ mạnh hơn, khả năng nhìn đêm tốt hơn và khả năng bảo vệ tốt hơn trước hỏa lực pháo binh. Chiếc xe bị thu giữ mới đi được khoảng 240 km.

Nga đạt được tiến bộ gần Avdiivka

Lực lượng Nga đã tiến hành các hoạt động tấn công gần Avdiivka vào ngày 6/12 và đã đạt được tiến bộ, theo Viện nghiên cứu Chiến tranh (ISW).

Đoạn video được công bố ngày 6/12 cho thấy các lực lượng Nga đã đạt được những bước tiến nhỏ trong một khu công nghiệp phía đông nam Avdiivka.

Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine báo cáo rằng quân đội nước này đã đẩy lùi ít nhất 25 cuộc tấn công ở phía đông Novobakhmutivka (cách Avdiivka 7 km về phía tây bắc), phía đông bắc Berdychiv (cách Avdiivka 4 km về phía bắc), cũng như gần Avdiivka, Stepove (3 km về phía bắc Avdiivka), Sieverne (6 km về phía tây Avdiivka), Tonenke (5 km về phía tây Avdiivka) và Pervomaiske (11 km về phía tây nam Avdiivka).

Lộ danh sách vũ khí mong muốn mà Ukraine gửi cho Mỹ

Danh sách vũ khí mong muốn mà Ukraine gửi cho Mỹ bao gồm các hệ thống phòng không tinh vi, máy bay chiến đấu F-18 “Hornet”, máy bay không người lái, trực thăng Apache và Blackhawk, theo Reuters.

Danh sách cũng bao gồm các loại vũ khí Ukraine đã có trong kho như xe tăng Abrams và pháo 155 mm, cũng như một số loại vũ khí như máy bay F-16, máy bay không người lái và tên lửa ATACMS tầm xa mà nước này đã yêu cầu trước đây.

Nhưng danh sách này cũng có một số hạng mục bất ngờ, bao gồm các mặt hàng có giá trị lớn như máy bay vận tải C-17 Globemaster do Boeing sản xuất và C-130 Super Hercules do Lockheed Martin sản xuất.

Đáng chú ý, Ukraine mong muốn nhận được máy bay chiến đấu F-18 "Hornet", ba loại máy bay không người lái do General Atomics sản xuất, bao gồm MQ-9B Sky Guardian, và Hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) do Lockheed sản xuất.

Người Ukraine biết rằng họ cần đảm bảo viện trợ quân sự của phương Tây để tiếp tục cuộc chiến.

Tuy nhiên, một gói viện trợ trị giá hơn 100 tỷ đô la cho Ukraine và Israel đã bị Thượng viện Mỹ chặn lại hôm 6/12 khi đảng Cộng hòa yêu cầu Nhà Trắng thực hiện các biện pháp cứng rắn hơn để kiểm soát nhập cư tại biên giới Mỹ - Mexico.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã coi chiến thắng của Ukraine là mục tiêu chính sách đối ngoại khi ông vận động tái tranh cử vào tháng 11/2024.

Phía Ukraine chưa bình luận về thông tin này.

Thượng viện Mỹ chặn gói tài trợ cho Ukraine của Nhà Trắng

Đề xuất của Nhà Trắng bao gồm hơn 60 tỷ đô la Mỹ tài trợ cho Ukraine đã không được Thượng viện thông qua trong cuộc bỏ phiếu ngày 6/12.

Đề xuất nhận được 49 phiếu ủng hộ và 51 phiếu chống. Trong đó Thượng nghị sĩ độc lập Bernie Sanders thường ủng hộ đảng Dân chủ, nhưng lần này đã đồng tình với đảng Cộng hoà. Theo The Hill, Lãnh đạo phe đa số Thượng viện Chuck Schumer (đảng Dân chủ) cũng bỏ phiếu chống để có thể nhắc lại đề xuất này vào một ngày khác.

Nhà Trắng ban đầu yêu cầu 105 tỷ đô la tài trợ bổ sung khẩn cấp cho “an ninh quốc gia”, bao gồm gói viện trợ cho Ukraine, Israel và thêm khoản tăng cường an ninh biên giới để thuyết phục đảng Cộng hòa. Hạ viện do đảng Cộng hòa chiếm đa số đã kiên quyết yêu cầu giải quyết từng vấn đề trong các dự luật phân bổ ngân sách riêng - điều mà Thượng viện do đảng Dân chủ kiểm soát phản đối.

Trước đó cùng ngày, Tổng thống Joe Biden đã thúc giục Thượng viện phê chuẩn dự luật, cáo buộc đảng Cộng hòa muốn “đè bẹp Ukraine trên chiến trường theo đúng nghĩa đen và gây tổn hại đến an ninh quốc gia”, cũng như giữ nguồn tài trợ cho Kiev “làm con tin” để thông qua chính sách biên giới.

Chủ tịch Hạ viện (do đảng Cộng hòa kiểm soát) Mike Johnson đã nói rằng các nghị sĩ Cộng hòa sẽ chỉ bật đèn xanh cho gói viện trợ Kiev nếu an ninh biên giới của Mỹ được đảm bảo và Nhà Trắng có thể đưa ra một kế hoạch rõ ràng để giải quyết xung đột Nga - Ukraine.

MỚI - NÓNG