Xung đột Nga - Ukraine ngày 27/5: Nga tăng gấp đôi hoạt động chiến đấu trên mặt trận Kupiansk

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine cho biết hoạt động của quân đội Nga trên mặt trận Kupiansk gần như đã tăng gấp đôi trong 24 giờ qua.

"Số lượng các cuộc đụng độ ở tiền tuyến giữa Nga và Ukraine đã tăng lên 83 cuộc. Lực lượng Nga đang cố gắng hết sức để chọc thủng hàng phòng ngự của chúng ta. Hoạt động của đối phương trên mặt trận Kupiansk tăng mạnh, gần gấp đôi trong 24 giờ qua.

Tình hình ở Pokrovsk cũng chưa bớt căng thẳng. Quân đội Ukraine đang thực hiện các biện pháp để giữ vững vị trí và loại bỏ khả năng tấn công của đối phương", thông báo của Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine cho biết.

Trong khi đó, không có thay đổi lớn nào trên mặt trận Kharkiv. Quân đội Nga đang tiếp tục cố gắng cải thiện tình hình chiến thuật ở khu vực Vovchansk và Lyptsi. "Họ đã thả 22 quả bom dẫn đường ở phía bắc Kharkiv hôm 26/5", Bộ Tổng tham mưu cho biết.

Quân đội Nga giành thêm một khu định cư ở Kharkiv

Bộ Quốc phòng Nga hôm 26/5 đưa tin cụm quân phía Tây nước này đã giành quyền kiểm soát khu định cư Berestovoye ở vùng Kharkiv sau khi tiến hành các hoạt động chiến đấu chủ động.

Quân đội Ukraine chưa bình luận về thông tin trên.

Tổng thống Ukraine thăm Tây Ban Nha

Chính phủ Tây Ban Nha cho biết Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky sẽ gặp Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez tại Madrid vào thứ Hai.

Hai lãnh đạo sẽ tổ chức họp báo sau cuộc gặp lúc 12h trưa (giờ địa phương).

Sau khi gặp Thủ tướng Sanchez, ông Zelensky sẽ gặp Vua Felipe VI của Tây Ban Nha, gia đình hoàng gia cho biết.

Trước đó, ngày 15/5, ông Zelensky đã phải hoãn chuyến thăm Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha trong bối cảnh lực lượng Nga tấn công vùng Kharkiv.

Theo kế hoạch, ông Zelensky sẽ ký thoả thuận hợp tác an ninh song phương với Thủ tướng Tây Ban Nha Sanchez.

Cùng với các nước thuộc Liên minh châu Âu khác, Tây Ban Nha đã viện trợ tài chính và quân sự cho Ukraine sau khi xung đột bùng phát.

NATO khẳng định không mở rộng lá chắn phòng không đến Ukraine

Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) không có ý định sử dụng hệ thống phòng không của liên minh để che chắn cho Ukraine, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg khẳng định. Bình luận của ông được đưa ra vài ngày sau khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky kêu gọi Mỹ và các đồng minh giúp Kiev bắn hạ tên lửa Nga.

Trả lời phỏng vấn tờ New York Times tuần trước, Tổng thống Zelensky cho biết ông thấy không có vấn đề gì với sự tham gia của NATO, đồng thời cho rằng việc giúp đánh chặn tên lửa Nga ở Ukraine sẽ không giống với việc “tiến hành một cuộc tấn công vào lãnh thổ Nga”.

Ông Zelensky viện dẫn việc Mỹ và Anh giúp bắn hạ tên lửa và máy bay không người lái Iran nhắm vào Israel hồi tháng trước. Nhưng cả Washington và London đều lập luận rằng hai kịch bản này không thể so sánh được.

Trong cuộc phỏng vấn với tờ Welt am Sonntag của Đức xuất bản hồi cuối tuần, Tổng thư ký NATO Stoltenberg nói: “Chúng tôi đang tăng cường hỗ trợ cho hoạt động tự vệ của Ukraine, nhưng không có kế hoạch gửi quân NATO tới Ukraine hoặc mở rộng lá chắn phòng không của NATO tới Ukraine”.

Người đứng đầu khối quân sự khẳng định: “NATO sẽ không trở thành một phần của cuộc xung đột này”.

Ông cũng cho rằng Kiev vẫn có thể giành lại thế chủ động dù Nga hiện có vẻ đã đạt được điều đó. Ông lý luận, để đảm bảo điều này, các quốc gia thành viên NATO nên “gửi thêm vũ khí và đạn dược tới Ukraine, bao gồm các hệ thống phòng không và vũ khí tầm xa”.

Hôm 22/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ba Lan Pawel Wronski nói với truyền thông Ukraine rằng Warsaw đang xem xét "từ quan điểm pháp lý và kỹ thuật" khả năng sử dụng hệ thống phòng không của mình để bắn hạ tên lửa Nga trên lãnh thổ Ukraine. Tuy nhiên, nhà ngoại giao cấp cao này nói thêm rằng vẫn chưa có quyết định nào được đưa ra.

Tuần trước, một số đảng đối lập ở Đức cũng tuyên bố ủng hộ ý tưởng này. Tuy nhiên, Thủ tướng Olaf Scholz bác bỏ đề xuất thiết lập “vùng cấm bay” của NATO trên bầu trời Ukraine, gọi đây là việc liều lĩnh và nguy hiểm.

Thủ tướng nhấn mạnh rằng mặc dù điều quan trọng là tiếp tục hỗ trợ Kiev, nhưng cả Đức, Liên minh châu Âu (EU) hay NATO đều không nên trở thành một bên trong cuộc xung đột và không nên được yêu cầu làm vậy, vì diễn biến như vậy có thể gây ra “phản ứng khó lường” từ Mátxcơva.

Các quan chức Nga đã nhiều lần nói rằng việc cung cấp vũ khí, chia sẻ thông tin tình báo và huấn luyện quân đội Ukraine có nghĩa là các quốc gia phương Tây trên thực tế đã trở thành các bên tham gia cuộc xung đột.

Nga phá hủy 5 kho đạn của Ukraine trong ngày

Bộ Quốc phòng Nga thông báo, trong 24 giờ qua, nhóm tác chiến phía Nam của nước này đã giành được quyền kiểm soát một số vị trí trọng yếu và phá hủy 5 kho đạn dược của Ukraine.

Bộ Quốc phòng Nga ngày 26/5 thông báo các đơn vị của nhóm tác chiến phía Nam đã tập kích lữ đoàn tấn công đường không cơ giới số 54 và số 79 của lực lượng vũ trang Ukraine tại các khu vực định cư Seversk và Konstantinovka, Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng (DPR).

Pháo binh Nga đã tấn công nhân lực và kho đạn dược của Ukraine trên hướng Donetsk.

Theo bộ này, trong ngày, Ukraine đã mất 3 xe bọc thép, một khẩu lựu pháo M777 155 mm, một khẩu lựu pháo D-20 152 mm và hai khẩu lựu pháo D-30 122 mm. Ngoài ra, 5 kho đạn dược của lực lượng Ukraine cũng bị lực lượng Nga phá hủy hoàn toàn.

Trong bản cập nhật mới nhất, Bộ Quốc phòng Nga cho biết các hệ thống phòng không đã bắn hạ 5 tên lửa tác chiến chiến thuật ATACMS do Mỹ sản xuất, 32 tên lửa HIMARS và tên lửa Vampire, một tên lửa chống hạm Neptune, cũng như 41 máy bay không người lái.

Lực lượng không quân, máy bay không người lái, lực lượng tên lửa và pháo binh của Nga trong vòng 24 giờ qua cũng đã tấn công nơi tập trung nhân lực và thiết bị quân sự của Ukraine ở 128 khu vực.

Tổng cộng, kể từ khi bắt đầu chiến dịch đặc biệt, quân đội Nga đã phá hủy 603 máy bay chiến đấu của Ukraine, 274 máy bay trực thăng, 24.656 máy bay không người lái, 524 hệ thống tên lửa phòng không, 16.166 xe tăng và các phương tiện chiến đấu bọc thép khác, 1.314 hệ thống tên lửa phóng loạt, 9.860 pháo dã chiến và súng cối, cũng như 22.007 đơn vị xe quân sự đặc biệt.

Theo Pravda, Tass, RT
MỚI - NÓNG
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
TPO - Nhiều chuyên gia đồng tính với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi cho rằng người Việt Nam thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách. Một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Có thể nói đến nay Việt Nam chưa thể coi là văn hóa đọc.