Xung đột Nga - Ukraine ngày 26/12: Nga điều động ba nhóm quân để bao vây 'chảo lửa' Pokrovsk

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Quân đội Nga đang cố gắng tiến vào Pokrovsk qua hai bên sườn và bao vây thành phố, sử dụng đội hình vượt trội của ba nhóm quân.

Viktor Trehubov - người phát ngôn nhóm hoạt động chiến lược Khortytsia của Ukraine - cho biết: “Nga đang dồn toàn bộ lực lượng có sẵn về phía Pokrovsk và cố gắng đột phá qua hàng phòng ngự của Ukraine. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có trận chiến nào xảy ra trong thành phố và vùng ngoại ô”.

Người phát ngôn nhấn mạnh, rằng lực lượng Nga đang cố gắng bao vây thành phố từ hai bên sườn trái và phải.

Ông cũng lưu ý về việc Nga đang tránh các cuộc giao tranh trực diện và đặt mục tiêu giành được chỗ đứng ở vùng ngoại ô Pokrovsk, vì giao tranh trong thành phố này cực kỳ khó khăn.

Quân đội Nga xuyên thủng phòng tuyến của Ukraine ở Kharkov

Quân đội Nga đã xuyên thủng các tuyến phòng thủ của Ukraine tại thị trấn Staritsa thuộc tỉnh Kharkov và tiếp tục tiến quân dọc theo sông Seversky Donetsk, chuyên gia quân sự Andrey Marochko nói với Tass.

“Lực lượng của chúng tôi đã xuyên thủng các tuyến phòng thủ của đối phương và tiến vào khu định cư Staritsa. Mặc dù các hoạt động dọn dẹp đang diễn ra ở một số khu vực, quân đội Nga vẫn tiếp tục tấn công dọc theo sông Seversky Donetsk", ông cho biết.

Chuyên gia Marochko nói thêm, rằng hoạt động này cho phép quân đội Nga "mở rộng vùng kiểm soát" trong khu vực.

Ukraine công bố 'sổ tay của binh sĩ Triều Tiên' ở Nga, ghi cách bẫy máy bay không người lái

Lực lượng Tác chiến đặc biệt (SOF) của Ukraine đã chia sẻ một phần nội dung cuốn sổ tay được cho là của một binh sĩ Triều Tiên thiệt mạng tại tỉnh Kursk của Nga.

Xung đột Nga - Ukraine ngày 26/12: Nga điều động ba nhóm quân để bao vây 'chảo lửa' Pokrovsk ảnh 1

Hình ảnh từ cuốn sổ tay. (Ảnh: Pravda)

Theo thông tin mới nhất từ Ukraine, binh sĩ Triều Tiên nói trên có tên Gyeong Hong Jong, thuộc một đơn vị đặc nhiệm.

Trước khi chạm trán SOF, binh sĩ này đã ghi chi tiết trong sổ về các chiến thuật bắn hạ máy bay không người lái và ẩn náu khỏi pháo binh Ukraine.

“Khi phát hiện máy bay không người lái, hãy lập một đội gồm ba người. Người nhử máy bay không người lái phải giữ khoảng cách 7 m, trong khi những người còn lại phải đứng cách xa 10-12 m. Nếu người đóng vai mồi nhử đứng yên, máy bay không người lái cũng sẽ dừng chuyển động. Vào thời điểm đó, những người còn lại hãy nổ súng bắn hạ máy bay không người lái”, trích ghi chép trong cuốn sổ.

Về cách tránh vùng hoả lực pháo binh, cuốn sổ ghi rõ: “Nếu bị kẹt trong vùng hỏa lực pháo binh, hãy chỉ định một điểm tập hợp mới cho nhóm, sau đó chia thành các nhóm nhỏ hơn và rời khỏi vùng hỏa lực. Một cách khác: vì pháo binh không bắn vào cùng một điểm hai lần, nên có thể núp tại địa điểm trúng đạn trước đó, rồi rời khỏi vùng hỏa lực”.

SOF lưu ý rằng hiện chưa rõ những chiến thuật này là của Triều Tiên hay là quân đội Nga hướng dẫn cho quân đội Triều Tiên.

Trước đó, quân đội Ukraine cho biết lực lượng Triều Tiên ở Kursk đã chịu tổn thất về nhân lực.

Ngày 24/12, sau cuộc họp của Ban tham mưu trưởng tối cao, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tiết lộ theo ước tính sơ bộ, số lượng binh lính Triều Tiên thiệt mạng và bị thương ở tỉnh Kursk đã vượt quá 3.000 người.

Một số nguồn tin cho biết, Triều Tiên có thể đang chuẩn bị triển khai thêm nhân lực và thiết bị quân sự tới Nga, có khả năng bao gồm cả máy bay không người lái.

Mátxcơva và Bình Nhưỡng chưa từng xác nhận việc binh sĩ Triều Tiên được triển khai tại Nga.

Mỹ tăng cường viện trợ cho Ukraine sau cuộc tấn công ngày Giáng sinh

Ngày 25/12, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết ông đã yêu cầu Bộ Quốc phòng tiếp tục tăng cường cung cấp vũ khí cho Ukraine, sau khi lên án cuộc tấn công ngày Giáng sinh của Nga vào hệ thống năng lượng của Ukraine và một số thành phố của nước này.

Keith Kellogg, người được ông Trump chọn làm đặc phái viên về Ukraine và Nga, cũng chỉ trích vụ tấn công. "Giáng sinh phải là thời điểm hòa bình, nhưng Ukraine đã bị tấn công nặng nề", ông Kellogg nói. "Mỹ quyết tâm hơn bao giờ hết để mang lại hòa bình cho khu vực".

Gần ba năm sau cuộc xung đột, Washington đã cam kết viện trợ 175 tỷ đô la cho Ukraine. Nhưng không chắc liệu khoản viện trợ này có tiếp tục dưới thời Tổng thống đắc cử Donald Trump hay không. Ông Trump đã nói rằng ông muốn chấm dứt giao tranh một cách nhanh chóng.

Ngoại trưởng Lavrov: Nga không ảo tưởng về tiềm năng giải quyết xung đột Ukraine khi ông Trump trở lại Nhà Trắng

Xung đột Nga - Ukraine ngày 26/12: Nga điều động ba nhóm quân để bao vây 'chảo lửa' Pokrovsk ảnh 2
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov. (Ảnh: Tass)

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết, Mátxcơva không hề ảo tưởng về khả năng xung đột Ukraine được giải quyết dễ dàng khi chính quyền của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump nhậm chức vào tháng tới.

Ngoại trưởng Lavrov đưa ra phát biểu trên trong một cuộc phỏng vấn với chương trình 60 Minutes phát sóng trên kênh truyền hình Rossiya.

Suy đoán về khả năng đàm phán hòa bình Nga - Ukraine đã gia tăng sau chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng trước. Ông đã nhiều lần tuyên bố sẽ nhanh chóng chấm dứt giao tranh.

Ngoại trưởng Nga cho biết, nhiều người kỳ vọng về những thay đổi có thể xảy ra khi ông Trump trở lại Nhà Trắng. Tuy nhiên, xung đột chỉ có thể được giải quyết bằng các thỏa thuận có tính đến lợi ích quốc gia của Nga và "lợi ích hợp pháp của các quốc gia khác".

Ông Lavrov nhấn mạnh Mátxcơva sẵn sàng đàm phán, nói rằng "chúng tôi không bao giờ từ bỏ đàm phán, nhưng chúng tôi cần thấy những đề xuất nghiêm túc, cụ thể".

Ngoại trưởng Nga đã biết về những tuyên bố gần đây từ cố vấn đặc biệt của ông Trump về Ukraine, Keith Kellogg, người tuyên bố rằng tổng thống đắc cử Mỹ quan tâm đến việc chấm dứt xung đột Ukraine "càng sớm càng tốt".

Được ký kết vào năm 2014 do Đức và Pháp làm trung gian, các thỏa thuận này nhằm mục đích trao cho Donetsk và Lugansk quy chế đặc biệt trong nhà nước Ukraine. Tuy nhiên, cựu Tổng thống Ukraine Pyotr Poroshenko thừa nhận mục tiêu chính của Kiev khi ký kết thỏa thuận Minsk là tận dụng lệnh ngừng bắn để kéo dài thời gian và gây dựng lực lượng vũ trang hùng mạnh.

Theo ông Kellogg, nền hòa bình bền vững giữa Nga và Ukraine là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của ông Trump. Nhưng tổng thống đắc cử Mỹ không muốn lặp lại thỏa thuận Minsk, hiện đã không còn hiệu lực.

Nga đã nhiều lần tuyên bố nước này sẵn sàng đàm phán với Ukraine, miễn là Kiev tính đến "thực tế về lãnh thổ". Tuy nhiên, vào mùa thu năm 2022, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã ký một sắc lệnh cấm hoàn toàn các cuộc đàm phán với lãnh đạo hiện tại ở Mátxcơva. Ông áp đặt lệnh cấm sau khi bốn vùng trước đây của Ukraine bỏ phiếu gia nhập Nga trong các cuộc trưng cầu dân ý.

Theo một số báo cáo của phương tiện truyền thông, một kế hoạch hòa bình tiềm năng đang được ông Trump cân nhắc, trong đó bao gồm điều khoản đóng băng xung đột dọc theo tuyến đầu hiện tại mà không công nhận chủ quyền của Nga đối với những vùng lãnh thổ mà Ukraine cũng tuyên bố chủ quyền, đồng thời đình chỉ tham vọng gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) của Kiev.

Mặc dù Nga đã chỉ định sự trung lập của Ukraine là một trong những mục tiêu chính, nhưng Mátxcơva cũng nhiều lần loại trừ việc đóng băng xung đột, lập luận rằng điều này sẽ chỉ cho phép phương Tây tái vũ trang cho Kiev. Tổng thống Putin cũng gợi ý rằng Mátxcơva có thể ngay lập tức tuyên bố ngừng bắn và bắt đầu các cuộc đàm phán hòa bình khi Ukraine rút khỏi toàn bộ các vùng lãnh thổ đã sáp nhập Nga, bao gồm Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporozhye.

Theo Tass, Pravda
MỚI - NÓNG
Hoa hậu Việt Nam 2024 toàn diện về nhan sắc, văn hóa, trí tuệ và sự cống hiến
Hoa hậu Việt Nam 2024 toàn diện về nhan sắc, văn hóa, trí tuệ và sự cống hiến
TPO - Nhà báo Phùng Công Sưởng - Tổng Biên tập báo Tiền Phong, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Việt Nam năm 2024 - cho biết: "Với bốn trụ cột Nhan sắc - Văn hóa - Trí tuệ - Cống hiến, cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2024 hướng tới tìm kiếm những đại diện xuất sắc, hội tụ vẻ đẹp toàn diện về nhan sắc, trí tuệ, nền tảng văn hóa, tâm hồn và bản lĩnh”.