Hai nguồn tin của Pravda từ mặt trận Pokrovsk cho biết, quân đội Nga đang tiến về phía Kotlyne và Udachne, hai khu định cư nằm trên tuyến đường nối giữa Mezhova - Pokrovsk.
Theo bản đồ thời gian thực của DeepState, quân đội Nga hiện cách các thị trấn trên chưa đầy 2 km. Nhưng Pravda có thông tin rằng họ cách đó chưa đầy 1 km.
Điều này có nghĩa là lực lượng Nga đã chặn hoàn toàn tuyến đường Mezhova - Pokrovsk, một tuyến đường hậu cần quan trọng cho lực lượng phòng thủ của Ukraine, nối Dnipropetrovsk với Pokrovsk.
“Rõ ràng là vậy. Quân đội Nga muốn cắt đứt hậu cần và giành lấy thành phố Pokrovsk mà không cần chiến đấu”, nguồn tin của Pravda nói.
Tuy nhiên, một nguồn tin khác của Pravda tin rằng Pokrovsk không phải là mục tiêu của Nga. Mà mục tiêu chính của họ là tiếp cận tỉnh Dnipropetrovsk và phát triển cuộc tấn công của họ ở đó.
Nga phóng gần 100 máy bay không người lái vào Ukraine
Không quân Ukraine cho biết, quân đội Nga đã tấn công nước này bằng 94 máy bay không người lái trong đêm 11 rạng sáng 12/1.
Những máy bay này được phóng từ các thành phố Millerovo, Oryol, Bryansk và Kursk của Nga.
Lực lượng phòng không Ukraine đã phá huỷ 60 máy bay trong số đó, trong khi 34 quả biến mất khỏi màn hình radar.
Một số tòa nhà ở các tỉnh Kharkiv, Sumy và Poltava đã bị hư hại do mảnh vỡ máy bay không người lái của Nga rơi trúng. Ngoài ra, không có thương vong nào được ghi nhận.
Hàng nghìn máy bay không người lái cho Ukraine 'mắc kẹt' trong nhà kho ở Lithuania
(Ảnh: Reuters) |
Máy bay không người lái mà các nhà sản xuất Lithuania hứa chuyển giao cho Ukraine được cho là vẫn nằm im trong các kho quân sự của nước này.
Đài truyền hình Lithuania LRT cho biết, trong khi các máy bay không người lái (UAV) vẫn đang bám bụi ở Lithuania thì Ukraine lại đang phải chịu tổn thất nặng nề vì thiếu vũ khí trên chiến trường. Theo các chính trị gia, thủ tục hành chính là nguyên nhân lớn nhất.
Một công ty tham gia mua máy bay không người lái cho Ukraine tuyên bố, các thiết bị đã được giao đến kho quân sự của Lithuania cách đây vài tháng.
"Chúng tôi đã bàn giao một số UAV vào tháng 10, một số vào tháng 11, nhưng chúng tôi vẫn chưa có thông tin nào về việc UAV được giao cho Ukraine", Tomas Milašauskas, Giám đốc RSI Europe, một công ty quốc phòng của Lithuania cho biết. “Chúng tôi cũng chưa được liên lạc về việc đào tạo phía Ukraine sử dụng máy bay không người lái”.
Các công ty khác cũng xác nhận, rằng họ không có thông tin nào cho thấy UAV đã được chuyển đến Ukraine.
Laurynas Kasčiūnas, cựu bộ trưởng quốc phòng Lithuania, cho rằng thủ tục hành chính là nguyên nhân lớn nhất dẫn đến tình trạng này. Theo ông, một sản phẩm phải trải qua sáu khâu trước khi đến đích cuối cùng.
"Bộ máy hoạt động như sau: khi có kho chứa, Cơ quan Tài nguyên Quốc phòng phải chính thức chuyển giao UAV cho quân đội, chính phủ phải ra quyết định chuyển giao chúng cho Kiev sau đó chúng được vận chuyển đến Ukraine. Điều này có nghĩa là chúng ta cần tập trung và thực hiện từng bước càng nhanh càng tốt", ông Kasčiūnas nhấn mạnh.
Cựu bộ trưởng quốc phòng thừa nhận rằng các bước này là cần thiết, nhưng bất kỳ sự chậm trễ nào ở bất kỳ giai đoạn nào cũng có thể khiến toàn bộ quá trình bị đình trệ.
Trong khi đó, các nhà sản xuất máy bay không người lái khẳng định rằng thiết bị phải được chuyển giao cho Ukraine mà không được chậm trễ thêm nữa.
"Nếu những chiếc máy bay không người lái này không nằm trong tay những người lính, thì Ukraine sẽ phải chịu tổn thất lớn hơn nhiều so với những gì họ có thể phải chịu", ông Milašauskas cho biết.
Giedrimas Jeglinskas, Chủ tịch Ủy ban Quốc hội về An ninh và Quốc phòng của Lithuania, cũng lưu ý đến các đặc điểm kỹ thuật của máy bay không người lái.
"Khi nói đến máy bay không người lái, vốn là công nghệ mới được sản xuất theo các tiêu chuẩn mới nhất, chúng phải nằm trong tay người dùng - quân đội Ukraine - càng sớm càng tốt", ông giải thích.
Ông Jeglinskas nói thêm, rằng sự cố này sẽ là tín hiệu để xem xét lại toàn bộ hệ thống.
Trả lời câu hỏi của báo giới, Bộ Quốc phòng Lithuania cho biết, máy bay không người lái mua từ các nhà sản xuất Lithuania sẽ sớm được chuyển đến Ukraine. Theo bộ này, chuỗi cung ứng đã được rút ngắn, bằng chứng là một sắc lệnh của chính phủ được thông qua vào tuần này.
"Nghị định này quy định rằng nếu tài sản nhà nước được mua lại để phục vụ nhu cầu của một quốc gia khác bằng nguồn tiền do chính phủ phân bổ, thì chính phủ không cần thảo luận về vấn đề này nữa. Từ nay trở đi, chúng tôi sẽ bắt đầu chuyển giao khí tài cho Ukraine theo các thủ tục đã sửa đổi này", Bộ cho biết trong một tuyên bố.
Vào năm ngoái, gần 5.000 máy bay không người lái trị giá 5 triệu euro đã được mua cho lực lượng vũ trang Ukraine. Trước đó, Bộ Quốc phòng Lithuania thông báo rằng tất cả máy bay không người lái sẽ được chuyển giao cho Ukraine vào cuối năm 2024.
Rò rỉ thông tin Nga chuyển 'rồng lửa' S-400 từ Syria đến Ukraine
Bốn bệ phóng S-400 của Nga đặt tại một căn cứ không quân ở Syria đã được chuyển đến cảng Tartus. Có khả năng, những bệ phóng này sẽ được chuyển đến mặt trận Ukraine để củng cố vị thế của Moscow trong khu vực, ngoài ra không loại trừ khả năng chúng sẽ được chuyển đến Libya.
Theo Avia.pro, việc triển khai S-400 ở Syria bắt đầu từ nhiều năm trước để bảo vệ các căn cứ và cơ sở chiến lược của Nga, chẳng hạn như căn cứ không quân Khmeimim. Tuy nhiên, các sự kiện trong những tháng gần đây, bao gồm cả việc chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad sụp đổ đòi hỏi Nga phải xem xét lại chiến lược của mình.
Ảnh vệ tinh cho thấy các bệ phóng S-400 của Nga xuất hiện tại cảng Tartus. Nguồn: Mạng xã hội X |
Các hình ảnh vệ tinh gần đây cho thấy 4 trong số 6 bệ phóng S-400 của Nga đã xuất hiện ở cảng Taurus, sẵn sàng được đưa lên tàu chở hàng. Động thái này cho thấy sự thay đổi lớn trong hoạt động quân sự của Nga trong khu vực.
MT Anderson, một nhà phân tích quân sự trước đó đã chia sẻ các bức ảnh vệ tinh (chụp hôm 6/1) cho thấy nhiều thiết bị quân sự của Nga được xếp hàng dài cả km tại cảng Tartus, Syria. Ngoài ra, tàu khu trục Đô đốc Grigorovich - một tàu chiến hiện đại của Nga, đang ở vị trí cách cảng khoảng 8 km về phía tây - tây nam. Sự xuất hiện của các tàu Nga cho thấy Moscow dường như đã sẵn sàng di dời các thiết bị quân sự khỏi Syria.
Trong khi hướng chính xác của lô thiết bị vẫn chưa được tiết lộ, các nhà phân tích đưa ra hai kịch bản chính. Kịch bản đầu tiên là S-400 sẽ được đưa đến khu vực hoạt động đặc biệt để tăng cường phòng không của Nga. Việc triển khai thêm S-400 gần tiền tuyến có thể là một phần trong nỗ lực của Moscow nhằm củng cố vị thế trong cuộc xung đột với Kiev.
Kịch bản thứ hai liên quan đến việc vận chuyển đến Libya, nhằm thích ứng với thực tế địa - chính trị mới sau khi chính quyền của Syria sụp đổ. Libya, nằm ở vị trí chiến lược - ngã ba của châu Âu, châu Phi và Trung Đông, đang trở thành điểm then chốt để duy trì sự hiện diện của Nga trong khu vực.
Hiện, Nga vẫn chưa bình luận về các thông tin trên.
S-400 được xem là một trong những hệ thống phòng không tối tân nhất thế giới, có khả năng đánh chặn và tiêu diệt các mục tiêu trên không ở khoảng cách xa, bao gồm máy bay chiến đấu, tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo. S-400 cũng có thể tấn công bất kỳ mục tiêu trên không nào khác trong môi trường tác chiến điện tử.
Một khẩu đội S-400 bao gồm hệ thống chỉ huy và kiểm soát, một radar giám sát, một radar tham chiến và bốn đơn vị phóng TEL (Transporter Erector Launcher). S-400 có khả năng theo dõi 300 mục tiêu và bắn hạ 36 mục tiêu cùng lúc.
Tên lửa được tích hợp cho hệ thống này bao gồm: 48N6DM (48N6E3) có trọng lượng 1,8 tấn trong đó đầu đạn nặng 180 kg. Với hệ thống đẩy mạnh mẽ, tên lửa có thể tiêu diệt các mục tiêu trên không trong phạm vi 250km. Trong khi đó, tên lửa 40N6 có tầm bắn 400 km và sử dụng radar chủ động dẫn đường để đánh chặn các mục tiêu trên không ở khoảng cách rất xa.