Xúc phạm sự hy sinh

Xúc phạm sự hy sinh
TP - “Chúng tôi không thể hy sinh thêm nữa”. Người dân Bắc Trà My – Quảng Nam đã kêu lên như vậy khi ông chủ đầu tư thủy điện Sông Tranh 2 phát ngôn trên báo “Dân nên chia sẻ và hy sinh cho thủy điện”.

> “Dân hãy yên tâm sống!”

Chữ hy sinh đã quen với người Bắc Trà My từ tháng 3 đến giờ. Nó cũng quen với người Ba Điền, Ba Tơ, Quảng Ngãi – nơi bệnh lạ hoành hành lâu nay. Đau nhất là hy sinh cho y tế.

Không đủ khả năng điều trị, Bệnh viện FV ở TPHCM chuyển bệnh nhân sang bệnh viện bên cạnh. Đoạn đường vận chuyển dài chỉ 100m nhưng những người vận chuyển “chặt” của gia đình bệnh nhân hơn 1,2 triệu đồng.

Tại một bệnh viện phụ sản, tiền bồi dưỡng đã trở thành thông lệ và chuyện đương nhiên “có cũng được, mà không có cũng không được”.

Một bà mẹ cho biết riêng bồi dưỡng ca mổ đẻ (tự nguyện) là 4 triệu đồng. Cả chi phí chính thức nữa, sẽ hết khoảng từ 6 – 8 triệu, tương đương hơn tấn thóc, bằng cả nhà bốn người làm vụ lúa sáu tháng.

Bạn đọc kể, mẹ anh gần 60 tuổi, đầu gối chân trái có cục hạch nhỏ không gây đau nhưng quyết định đi khám kiểm tra cho chắc. Tại phòng khám tư của vị bác sĩ có uy tín ở Sài Gòn, vị bác sĩ khuyên nên mổ lấy cục hạch ra.

Chi phí ca phẫu thuật là 3 triệu đồng, kèm theo 3 triệu nữa dành cho bác sĩ đó. Cảm thấy chi phí trên hình như khá cao nên mẹ anh khám lại lần nữa tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM.

Bệnh viện cũng quyết định tiểu phẫu lấy cục hạch ra khỏi đầu gối, nhưng chỉ tốn 140.000 đồng cho ca tiểu phẫu không quá 10 phút.

Một lượng lớn tiền bồi dưỡng đã chạy vào túi bác sỹ mang danh này nọ, cho những bệnh viện mang danh kêu nhức óc, dù họ chưa hẳn đã giỏi và chưa hẳn đã có trách nhiệm. Mỗi khi cầm đồng tiền lên, họ có một giây nào chùng xuống và nghĩ về xuất xứ của nó?

Đủ rồi. Đừng xúc phạm sự hy sinh. Nhất là sự hy sinh của những người nghèo khổ, lặng thầm.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG