Xúc động những tấm gương sáng thầm lặng vì cộng đồng

Ông Nguyễn Trung Chắt và các con
Ông Nguyễn Trung Chắt và các con
TPO - “Mang dòng máu người lính, tôi luôn dạy các cháu về tính kỷ luật, sự tử tế với mong muốn, sau này trưởng thành các cháu sẽ có một cuộc sống đàng hoàng, tốt đẹp hơn”, ông Nguyễn Trung Chắt, người cưu mang gần 300 đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn, chia sẻ. 
Ước mong những đứa trẻ thiệt thòi thành người tử tế
Chiều 28/11, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tổ chức Lễ tuyên dương "Những gương sáng thầm lặng vì cộng đồng".
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, lần đầu tiên bộ tổ chức gặp mặt quy mô toàn quốc với những tấm gương từ khắp cả nước, đi kèm là hàng trăm câu chuyện cổ tích giữa đời thường. Đó là những người thầy giáo, cô giáo dành cả cuộc đời đem con chữ đến vùng sâu, vùng xa, trẻ em lang thang, cơ nhỡ; là những người tự nguyện hiến tặng tất cả tài sản, đất đai, nhà cửa để góp phần chăm sóc, nuôi dưỡng người già có hoàn cảnh khó khăn, không nơi nương tựa; những người khuyết tật, người bị di chứng chất độc da cam…
Xúc động những tấm gương sáng thầm lặng vì cộng đồng ảnh 1 Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung phát biểu tại chương trình
“400 đại biểu, trong đó 300 đại biểu là những người dân bình thường, đang ngày đêm dùng tiền và sức của mình cống hiến cho công tác an sinh xã hội trên khắp mọi miền Tổ quốc”, ông Dung nói.
Tại chương trình, các đại biểu được lắng nghe câu chuyện của ông Nguyễn Trung Chắt, một người lính biên phòng về hưu, nhưng luôn ấp ủ mong ước được giúp đỡ những đứa trẻ gặp hoàn cảnh khó khăn.
 Năm 2003, ông sáng lập ngôi nhà Mái ấm hi vọng tại Lạng Sơn và tiếp nhận 292 đứa trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn về nuôi dạy. Ông coi tất cả như những đứa con của mình và nuôi dạy đến hết lớp 12 hoặc 18 tuổi. Tùy vào khả năng của các cháu, ông tiếp tục nuôi học cao đẳng, đại học. Còn lại, ông cho học nghề. 
“Mang dòng máu người lính, tôi luôn dạy các cháu về tính kỷ luật, sự tử tế với mong muốn, sau này trưởng thành các cháu có một cuộc sống đàng hoàng, tốt đẹp hơn”, ông Chắt chia sẻ. 
Xúc động những tấm gương sáng thầm lặng vì cộng đồng ảnh 2  Câu chuyện ông Nguyễn Trung Chắt nuôi nấng những đứa trẻ khó khăn trở thành các sinh viên làm lay động khán giả tại chương trình
Tại chương trình, ông Chắt bất ngờ được gặp lại 10 người con mà ông đã nuôi nấng trở thànhsinh viên tại các trường đại học. Dù cưu mang gần 300 người, nhưng ông vẫn nhớ tên tuổi, và ngôi trường mà các con đang học. Ông Chắt cho biết, đây là những người con được đi học đại học, trong đó lớn nhất là một người con nhận bằng thạc sĩ công tác xã hội, nhỏ nhất là một sinh viên đang học ở Học viện Tài chính.

Nhìn ông Chắt, những đứa trẻ trong tà áo trắng, trưởng thành từ ngôi nhà Mái ấm hi vọng không khỏi xúc động. Tất cả tặng ông một chiếc áo sơ mi cùng tấm thiệp viết lên những lời cảm ơn mà trước nay “dù muốn nói từ lâu nhưng chưa đủ can đảm”.
“Chúng con còn nhớ, những lần được bác sắm cho từ đôi tất, chiếc áo ấm trong mùa đông. Lúc đó, chúng con rất sung sướng, nhưng chưa một lần ngoảnh lại nhìn bác. Trong khi trên người bác vẫn luôn mặc một chiếc áo cũ bạc màu…”, chàng thạc sỹ rưng rưng nói và nhìn vào chiếc áo sơ mi trong hộp quà.
Lời chia sẻ cũng những đứa trẻ trong ngôi nhà Mái ấm hi vọng khiến các đại biểu, lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham dự chương trình không khỏi xúc động.
Lan tỏa những tấm gương tốt trong xã hội
Tại chương trình, Ban tổ chức cũng vinh danh những tấm gương sáng lặng lẽ cống hiến cho cộng đồng trong suốt thời gian dài.
Một số tấm gương tiêu biểu như: bà Nguyễn Thị Hồng (Đồng Nai), người 15 năm dành toàn bộ tiền của gia đình xây dựng lên cơ sở tại Đồng Nai để cưu mang, chăm sóc 76 cụ già không người thân, không nơi nương tựa, trong đó có 37 cụ nhiều năm nằm liệt giường; bác sĩ Nguyễn Thị Xuân, người có hơn 30 năm sống và phục vụ bệnh nhân phong. Trong khi một số người sợ lây bệnh và xa lánh họ thì hằng ngày, ngoài công việc chăm sóc y tế, phục hồi chức năng cho người bệnh, bác sĩ Xuân còn nấu cơm, giặt giũ, vệ sinh cá nhân, cõng người bệnh đi lại, không nề hà bệnh tật.
Xúc động những tấm gương sáng thầm lặng vì cộng đồng ảnh 3 Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới cho vợ chồng cựu chiến binh Lê Văn Kiểm
Ông Bùi Công Hiệp, thành phố Hồ Chí Minh, cựu chiến binh 10 năm tình nguyện nuôi hơn 100 trẻ mồ côi và tặng toàn bộ tài sản trị giá hơn 100 tỷ đồng cho trẻ mồ côi bằng cách ghi tên các trẻ vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để sau này các cháu có một mái nhà.
Tại chương trình, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh khẳng định, tinh thần tương thân tương ái, tình yêu thương nồng ấm luôn chứa đựng trong mỗi người dân Việt Nam. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, thiên tai, bão lũ tại miền Trung vừa qua, lòng tốt, tinh thần thiện nguyện trong xã hội càng được khơi lên.
 Phó Chủ tịch nước mong những tấm gương tốt đẹp luôn được lan tỏa trong xã hội, để tạo nên tinh thần đoàn kết có truyền thống từ ngàn đời của dân tộc Việt Nam.

Tại chương trình, Ban tổ chức đã tuyên dương nhiều tổ chức, cá nhân hoạt động trong công tác an sinh, phúc lợi xã hội. Đó là Quỹ bảo trợ trẻ em Việt Nam; vợ chồng ông Lê Văn Kiểm - nguyên Ủy viên Ban thường vụ Hội Cựu chiến binh Việt Nam; bà Trần Cẩm Nhung - Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP đầu tư và kinh doanh Golf Long Thành... Các tổ chức, cá nhân trên đều được nhận danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.

MỚI - NÓNG
Em sẽ không từ bỏ giấc mơ trở thành cô giáo
Em sẽ không từ bỏ giấc mơ trở thành cô giáo
TPO - Vượt qua nỗi đau mất cha sau cơn bão số 3 (bão Yagi), Lý Thị Mai quyết tâm học tập thật tốt để trở thành cô giáo trong tương lai. Ngày định mệnh đó đã qua hơn 1 tháng nhưng với Mai, vết thương theo thời gian dường như càng ngày càng ngấm sâu.
Mãn nhãn màn diễu hành biểu dương lực lượng thanh niên Thủ đô
Mãn nhãn màn diễu hành biểu dương lực lượng thanh niên Thủ đô
TPO - Sáng 15/10, trong khuôn khổ Đại hội đại biểu Hội LHTN Việt Nam Thành phố Hà Nội khóa VIII, nhiệm kỳ 2024 - 2029 đã diễn ra chương trình diễu hành biểu dương lực lượng thanh niên Thủ đô. Đây là dịp để tôn vinh sức trẻ, nhiệt huyết và tinh thần cống hiến của thanh niên Hà Nội, những thế hệ thanh niên "vừa hồng, vừa chuyên” đã và đang góp phần xây dựng Thủ đô và đất nước ngày càng phát triển, văn minh và hiện đại.