Xuất nhập khẩu: Nhộn nhịp mở hàng đầu năm

Một góc cảng Hải Phòng (ảnh chụp chiều 6/2). ảnh: đỗ hoàng
Một góc cảng Hải Phòng (ảnh chụp chiều 6/2). ảnh: đỗ hoàng
TP - Theo dự báo, 2014 vẫn là năm còn nhiều khó khăn nhưng cơ hội để hàng hóa Việt Nam tăng tốc xuất khẩu vào các thị trường Mỹ, Mỹ Latinh, Nhật, EU... sẽ rất lớn nhờ Việt Nam tham gia vào nhiều hiệp định thương mại quan trọng.

Tăng tốc xuất khẩu

Năm 2014, chỉ tiêu xuất khẩu là tăng 10% và nhập siêu ở mức khoảng 6%. Theo Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng, đây là nhiệm vụ thách thức.

Dự báo về triển vọng xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2014, Ngân hàng HSBC cho biết, điểm sáng chính của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2014 vẫn là xuất khẩu. HSBC kỳ vọng xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng 20% trong năm 2014 từ mức tăng 15,4% trong năm 2013. Điều này giúp hỗ trợ tăng trưởng GDP đạt mức 5,6% trong năm 2014 từ mức 5,4% trong năm 2013.

Xuất nhập khẩu: Nhộn nhịp mở hàng đầu năm ảnh 1

Hoạt động bốc xếp tại cảng Hoàng Diệu (cảng Hải Phòng). Ảnh: Đỗ Hoàng

Ông Vũ Bá Phú, Tham tán công sứ Đại sứ quán Việt Nam tại Bỉ và EU cho biết, năm qua, khối EU đã dần qua cơn khủng hoảng.

Năm 2014, thị trường sẽ khôi phục. Xuất nhập khẩu của EU trong nội khối và ngoài khối sẽ phát triển.

“Các chuyên gia kinh tế và thương mại Bỉ khuyến cáo, nếu mặt hàng nào đã thành công trong xâm nhập thị trường Bỉ, chắc chắn sẽ thành công trong việc xâm nhập thị trường EU”, ông Phú nói.

Ông Đào Trần Nhân, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Mỹ, trong năm 2014, thị trường Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường lớn và quan trọng của Việt Nam. Đặc biệt là các mặt hàng thủy sản tôm, cá basa, cá tra, giày dép, dệt may...

“Dù cơ hội rất rộng, nhưng thách thức vẫn còn nhiều. Doanh nghiệp cần chủ động cập nhật thông tin thế giới và trong nước, nắm bắt thời cơ để đẩy mạnh xuất khẩu”.

Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng

Đón đầu Hiệp định TPP, ông Lê Tiến Trường, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, trong khối đàm phán TPP, có hai thị trường rất quan trọng đối với ngành dệt may Việt Nam là Hoa Kỳ và Nhật Bản.

Trong đó, thị trường Hoa Kỳ chiếm 43% tổng kim ngạch xuất khẩu của dệt may Việt Nam và Nhật Bản chiếm 11%.

Theo ông Trường, tính riêng trong năm 2013, đã có gần 11 tỷ USD xuất khẩu dệt may của Việt Nam vào các nước TPP. Vì vậy, khối các nước TPP là thị trường quan trọng nhất của ngành dệt may Việt Nam cả trong hiện tại và tương lai.

Ông Trường cho biết, nhận thức được tính chất quan trọng của việc mở cửa thị trường và khả năng tận dụng lợi thế do Hiệp định TPP mang lại, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) đã nghiên cứu cũng như đồng hành với quá trình đàm phán TPP.

Vitas hết sức quan tâm đến các nội dung đàm phán liên quan đến dệt may, nhất là trong quy tắc xuất xứ và hàng rào thuế quan. Đây là hai vấn đề mà doanh nghiệp, nhà sản xuất đều quan tâm trong TPP.

Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, muốn đạt và vượt mục tiêu xuất khẩu, ngay năm 2014, các doanh nghiệp xuất khẩu cần chú ý hướng vào các mặt hàng mới. Đó là hàng chế tạo có công nghệ trung bình và công nghệ cao phù hợp với xu hướng tiêu thụ của thị trường thế giới và định hướng chiến lược xuất khẩu của Việt Nam.

Ngoài ra, cần tiếp tục tập trung phát triển xuất khẩu những mặt hàng có lợi thế như: thủy sản, nông sản, dệt may, điện tử, các sản phẩm chế tác công nghệ trung bình...

Hải Phòng đón giao thừa ở cầu cảng

Cảng Hoàng Diệu thuộc Công ty TNHH MTV cảng Hải Phòng chiều 6/2 (chiều mồng 7 tết Giáp Ngọ), những đống hàng thép cuộn, thép xây dựng chất cao như núi.

Trên bãi cảng, gần chục công nhân đang tập trung bên chiếc cẩu chân đế lớn phục vụ bốc những cuộn thép chất lên xe tải. Ngoài cầu cảng, vài ba chiếc tàu biển đang chờ nhận hàng. Phòng trực ban điều hành của cảng Hoàng Diệu, 3 cán bộ lập kế hoạch sản xuất đang túc trực. 

Thi thoảng, lại có khách hàng tới đăng ký làm hàng. Sau khi vào sổ trực, họ lập tức lên kế hoạch cắt cử người làm và ghi vào bảng thông báo để các bộ phận sản xuất thực hiện. “Chúng tôi không nghỉ tết, mọi người trực theo ca, đảm bảo hoạt động xếp dỡ thông suốt trong dịp tết” - Trưởng ca trực ban điều hành cảng Hoàng Diệu nói.

Mặc dù so với mọi năm, tết năm nay hoạt động sản xuất tại cảng Hoàng Diệu không nhộn nhịp nhưng suốt dịp tết, cán bộ công nhân viên luôn bận rộn với việc xếp dỡ hàng hóa. Sáng mồng 3 Tết (ngày 2/2/2014) các bộ phận đã làm việc suốt ngày đêm để đưa gần 6.000 tấn thép cuộn từ tàu Sunrise Express lên bãi cảng. 

Tiếp đó, từ mồng 4 Tết, những cán bộ công nhân tại đây lại bận rộn làm hàng cho các tàu Navigator, Dai Nam 09 và Bodun1. Theo thống kê của xí nghiệp xếp dỡ Hoàng Diệu, trong dịp Tết Giáp Ngọ, cảng này đã thực hiện xếp dỡ tới 43.000 tấn hàng hóa.

Tại cảng container Chùa Vẽ, trong dịp tết có 9 tàu container cập cảng làm hàng. Tổng lượng hàng xếp dỡ trong dịp tết lên tới hơn 72.000 tấn. Tuy nhiên, Tân Cảng mới là đơn vị đạt khối lượng xếp dỡ lớn nhất trong dịp tết. 

Trong ngày mồng 1 Tết Tân Cảng đã hoàn thành xếp dỡ cho 2 tàu biển. Trong những ngày tết vừa qua, Tân Cảng hoàn thành xếp dỡ hàng hóa cho tổng cộng 10 tàu biển với tổng sản lượng đạt hơn 144.000 tấn.

“Theo đánh giá của thành phố và cơ quan chức năng, năm 2014 này lượng hàng hóa qua cảng Hải Phòng sẽ khó khăn, trong khi sức cạnh tranh của các cảng biển ngày một lớn.

Mặc dù khó khăn nhưng chúng tôi đề ra kế hoạch xếp dỡ năm nay tăng lên 19,5 triệu tấn hàng hóa thông qua cảng. Chúng tôi sẽ tiếp tục tập trung đầu tư để hoàn thành kế hoạch” - ông Nguyễn Hùng Việt, Chủ tịch HĐTV - TGĐ Cty TNHH MTV Cảng Hải Phòng nói.

Sài Gòn Nhộn nhịp những chuyến hàng đầu năm

Từ ngày mồng 1 Tết đến hôm qua 6/2, hàng trăm chuyến hàng đã được cán bộ công nhân cảng Sài Gòn xếp dỡ từ các tàu hàng nước ngoài và đưa hàng trong nước lên tàu đi xuất khẩu.

Trong ngày mồng 1 Tết, anh Huỳnh Văn Sơn và các cán bộ tổ bốc xếp 5 của cảng Tân Thuận đã chào đón chuyến hàng đầu tiên tại cảng này. Con tàu SunGlobe, có tải trọng 50 nghìn tấn đến từ Valetta chở 30 nghìn tấn sắt cập cảng Sài Gòn. 

Theo kế hoạch số hàng 30 nghìn tấn này được bốc dỡ trong 3 ngày nhưng ông Mai Văn Cự - Giám đốc Cảng Tân Thuận đã động viên cán bộ công nhân phải hoàn thành trong 2 ngày để chào đón năm mới. “Chúng tôi hy vọng các chuyến hàng liên tục cập cảng để anh em liên tục có việc làm. Khi hàng hóa nhiều, đời sống anh em sẽ được nâng lên”- ông Cự nói.

Hôm qua, đại diện Cảng Nhà Rồng- Khánh Hội, cho biết nơi đây vừa đón đón nhận và xếp dỡ tàu hàng Vietsun Pacific với tải trọng hơn 50 nghìn tấn. Trong khi đó, cảng Tân Thuận tiếp tục đón thêm tàu hàng Fortune Freighter. 

Còn tại cảng thép Phú Mỹ, hàng trăm công nhân nơi đây đã hoàn tất hàng cho chiếc tàu Glory Express kịp dời bến và ngay sau đó, lại sẵn sàng tiếp nhận chiếc tàu Sun Moon cập bến để khởi công làm hàng.

Ông Phạm Xuân Hồng - Tổng Giám đốc Công ty CP May Sài Gòn 3 bày tỏ mong mỏi năm Giáp Ngọ làm ăn sẽ tấn tới hơn khi những ngày đầu năm nơi đây đã xuất đi lô hàng 80 nghìn sản phẩm đi Nhật và 50 nghìn sản phẩm đến Mỹ, với tổng trị giá khoảng hơn 1 triệu USD.

Không chỉ ở Nhật và Mỹ mà theo ông Hồng những lô hàng tiếp theo với khoảng 20 nghìn sản phẩm cũng đang tiếp tục được đưa đến thị trường Úc và Hàn Quốc…

Đại diện Công ty CP Dệt may Thắng Lợi hy vọng một năm ăn nên làm ra khi sản phẩm xuất khẩu của công ty tiếp tục đứng vững ở thị trường Mỹ.

Mới bước sang những ngày đầu năm, đơn vị này đã xuất đi lô hàng đầu tiên sang thị trường Mỹ với tổng giá trị gần 100 nghìn USD, trong khi đó theo đại diện công ty này, các đơn vị đã hợp đồng đặt hàng với công ty kéo dài đến tháng 4 tới.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng cho biết, sẽ tập trung phát triển thị trường cho các sản phẩm có sức cạnh tranh lớn, có giá trị gia tăng cao hoặc các nhóm sản phẩm có tỷ trọng kim ngạch lớn.

Trong đó, sẽ tập trung khai thác cơ hội mở cửa thị trường từ các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế để đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, ASEAN, Ấn Độ...; đồng thời khai thác các thị trường tiềm năng như Nga, Đông Âu, châu Phi, Trung Đông, Mỹ Latinh.

MỚI - NÓNG
Hai nữ du khách thiệt mạng trong Rừng Khỉ thiêng
Hai nữ du khách thiệt mạng trong Rừng Khỉ thiêng
TPO - Mới đây, hai du khách đã thiệt mạng trong một vụ tai nạn bất ngờ xảy ra tại Khu bảo tồn Rừng Khỉ thiêng ở Ubud, Bali, Indonesia. Theo thông tin từ ban quản lý khu rừng, nguyên nhân ban đầu của sự cố được cho là một "cơn gió mạnh và bất ngờ" đã làm một cây lớn đổ xuống, gây tai nạn thương tâm.