Xuất khẩu hoa Đà Lạt: “Tắc” vì giống bản quyền

Công ty Trường Hoàng nhập nhiều giống lan hồ điệp mới.
Công ty Trường Hoàng nhập nhiều giống lan hồ điệp mới.
TP - Là thủ phủ hoa của cả nước với diện tích lên đến gần 6.000 ha, sản lượng trên 2,4 tỷ cành/năm nhưng do gặp khó về giống, thương hiệu… mà phần lớn hoa do nông dân Đà Lạt sản xuất chỉ quanh quẩn tiêu thụ trong nước, nhiều lúc thừa ế phải đổ bỏ hàng loạt.

Trở ngại về giống bản quyền

Ông Phan Thanh Sang, Chủ tịch Hiệp hội hoa Đà Lạt nhận định hiện người trồng hoa Đà Lạt còn gặp nhiều trở ngại về vốn đầu tư, giống bản quyền cũng như thị trường tiêu thụ. Giống hoa mới của Đà Lạt chủ yếu được nhập về từ các công ty có vốn đầu tư nước ngoài, tiêu biểu nhất là Cty Dalat Hasfarm (Hà Lan). Thế nhưng việc nhập khẩu giống cây trồng đang có những trở ngại, nhất là cơ chế kiểm dịch thực vật trước khi nhập khẩu: phân tích nguy cơ dịch hại. 

Cung theo ông Sang, hiệp hội đã kiến nghị với Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường về vấn đề trên. Bộ trưởng nói trong thời gian tới sẽ cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi để nhập nhiều giống hoa mới hơn thay vì nhập khẩu thành phẩm từ nước ngoài về. Trên cơ sở đó đảm bảo có đủ lượng giống hoa  mới, giống tốt để thúc đẩy sản xuất, nâng cao thu nhập và đời sống của nông dân.

Năm nay Hiệp hội hoa Đà Lạt đã đề xuất và được Sở NN&PTNT chấp thuận cho ký kết với Chi cục Trồng trọt & Bảo vệ Thực vật để nhập khẩu những giống hoa mới có bản quyền, như: hoa hạnh phúc, lilys, hoa hồng, địa lan, lan hồ điệp, dâu tây... Các doanh nghiệp nhập số lượng lớn giống hoa mới là Cty TNHH Linh Ngọc, Cty TNHH Thương mại & Dịch vụ Trường Hoàng… Thời gian tới, Hiệp hội hoa tiếp tục đề xuất với các cơ quan liên quan tạo điều kiện thuận lợi để nhập khẩu nhiều giống hoa hơn.

Theo ông Trần Văn Bảo, Phó tổng giám đốc Cty Dalat Hasfarm, doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu hoa hàng đầu châu Á, muốn xuất khẩu hoa một cách bài bản phải có giấy phép bản quyền. Phần lớn hoa sản xuất tại Việt Nam không vào được thị trường các nước do “tắc” ở khâu này. Chi phí để mua hẳn bản quyền giống hoa rất đắt, nằm ngoài khả năng của chúng ta, do đó nên chọn phương án mua bản quyền từ 15- 20 năm.

“Hiện mới có khoảng 5% sản lượng hoa Đà Lạt xuất khẩu trực tiếp ra thị trường quốc tế. Để có thể xuất khẩu khoảng 20% sản lượng hoa ra thị trường thế giới vào năm 2020, Lâm Đồng đang tập trung hỗ trợ nông dân tiếp cận giống hoa mới, giống có bản quyền từ nước ngoài thông qua các doanh nghiệp”, ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng nói.

Liên kết là xu hướng tất yếu để đẩy mạnh xuất khẩu

Mặc dù có nhiều tiềm năng về đất đai, khí hậu, kinh nghiệm sản xuất… nhưng nông dân Đà Lạt vẫn chưa tạo ra được giá trị mang tính thương hiệu để các sản phẩm hoa có khả năng tham gia vào chuỗi cung ứng một cách chuyên nghiệp trên thế giới. Các khâu nhân giống, kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch, bảo quản chưa được thực hiện đồng bộ; nông dân chưa thực sự quan tâm đến việc ứng dụng các tiêu chuẩn và nguyên tắc trong sản xuất và tiêu thụ hoa của thế giới vào quá trình sản xuất, thu hoạch, sơ chế... Tình hình đó khiến chất lượng hoa chưa cao và phần lớn không có thương hiệu, giấy chứng nhận tiêu chuẩn hoặc không có bao bì đóng gói, xe lạnh để vận chuyển theo tiêu chuẩn kỹ thuật cho các sản phẩm nhập khẩu của các nước.

Đến các làng hoa nổi tiếng của Đà Lạt như Vạn Thành, Thái Phiên, Hà Đông…, có thể thấy nhiều người trồng hoa chưa được sử dụng nhãn hiệu độc quyền “Hoa Đà Lạt”. Họ vẫn đóng gói sản phẩm của mình bằng những loại bao bì với dòng chữ chung chung quen thuộc lâu nay như “Hoa nhà kính” kèm theo dòng chữ ghi địa chỉ nho nhỏ phía dưới. Rõ ràng loại bao bì như thế này rất dễ bị nhái.

Một nguyên nhân quan trọng nữa khiến Đà Lạt chưa tạo dựng được thị trường xuất khẩu hoa vững chắc là do tính chất sản xuất theo từng nông hộ với diện tích canh tác manh mún, nhỏ lẻ không đủ khả năng đáp ứng các hợp đồng lớn với những yêu cầu nghiêm ngặt về số lượng và chất lượng. Vì không tạo ra được vùng chuyên canh tầm cỡ nên không thể áp dụng đồng bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tạo ra khối lượng sản phẩm lớn, chất lượng cao và đồng đều nhằm đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.

Cũng vì hầu hết các hoạt động sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đều bị phân tán nên chi phí đóng gói, vận chuyển, phân phối... đều bị đội lên khiến giá thành sản phẩm tăng cao và vì vậy mà năng lực cạnh tranh kém đi. Do đó, theo các chuyên gia vấn đề cấp bách đặt ra là phải có sự liên kết giữa nông dân với hợp tác xã, tổ hợp tác hoặc một đơn vị đứng ra làm đầu mối để ký kết thực hiện các đơn hàng lớn.

Đến nay đã có tới 6 loài hoa thương phẩm (cúc, hồng, địa lan, cẩm chướng, lay ơn, cát tường) được cấp nhãn hiệu độc quyền “Hoa Đà Lạt”, một lợi thế mà không vùng trồng hoa nào của Việt Nam có được. Thế nhưng thành phố này vẫn chưa khai thác hiệu quả nhãn hiệu hoa của mình; vẫn còn một khoảng cách khá xa giữa việc có được nhãn hiệu độc quyền và sử dụng nhãn hiệu đó cho hoạt động thương mại.

MỚI - NÓNG
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
TPO - Ngày 13/12, Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Định cho biết đã thông báo tổ chức giao thông tạm thời qua cầu Thị Nại, TP. Quy Nhơn. Thời gian xếp xe thử tải bắt đầu từ lúc 8h đến 22h ngày 15/12. Đây là cầu vượt biển đầu tiên được xây dựng ở Việt Nam, hiện là cầu vượt biển dài thứ 2, sau cầu Tân Vũ - Lạch Huyện ở Hải Phòng.