Xuất khẩu gỗ và lâm sản sẽ cán đích ít nhất 12 tỷ USD

Ngành Lâm nghiệp đặt mục tiêu xuất khẩu 12 tỷ USD trở lên trong năm 2020
Ngành Lâm nghiệp đặt mục tiêu xuất khẩu 12 tỷ USD trở lên trong năm 2020
TPO - Xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản năm 2020 dự kiến sẽ cán đích 12 tỷ USD. Đây là lĩnh vực đóng góp lớn nhất về giá trị xuất khẩu trong “rổ” hàng hóa nông lâm thủy sản năm nay của ngành nông nghiệp.

Ngày 10/7, ông Phạm Văn Điển, Phó Tổng cục trưởng Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) cho bết, từ đầu năm đến hết tháng 6/2020, xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản ước đạt trên 5,3 tỷ USD, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2019.

Để tháo gỡ cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, Tổng cục đã phối hợp cùng Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam trực tiếp đến doanh nghiệp để nắm bắt khó khăn, báo cáo Thủ tướng đưa doanh nghiệp chế biến gỗ vào nhóm đối tượng được hỗ trợ do tác động bởi dịch COVID-19.

“Hiện cơ bản các doanh nghiệp lớn đã ổn định sản xuất trở lại, chỉ doanh nghiệp nhỏ và vừa còn khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19….Trên cơ sở tính toán, năm 2020 giá trị xuất khẩu sẽ đạt 11,75-12 tỷ USD”, ông Điển nói.

Thứ trưởng Thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho rằng, lĩnh vực lâm nghiệp đã có đóng góp tăng trưởng và xuất khẩu cao nhất trong ngành nông nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2020.

Theo ông Tuấn, nửa đầu năm nay, thị trường thế giới rất khó khăn do dịch COVID-19, nhưng kim ngạch xuất khẩu lâm sản vẫn tăng so với cùng kỳ năm 2019.

"Không có lý do gì không thể bứt phá để đạt mục tiêu xuất khẩu 11,75 - 12 tỷ USD", ông Tuấn nói và nhấn mạnh "phải đạt 12 tỷ USD trở lên, để bù đắp vào giảm tăng trưởng của các ngành khác".

Tuy nhiên, ông Tuấn cho rằng, trong nửa năm còn lại và một thời gian nữa, ngành lâm nghiệp sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng của dịch COVID-19. Cùng đó, tình trạng hạn hán, thiếu nước gây nguy cơ cháy rừng rất cao.

Ông Tuấn cũng lưu ý, với thị trường, ngoài tác động do dịch COVID-19, một số sản phẩm gỗ đang chịu những rào cản thương mại như các vụ kiện chống bán phá giá, gian lận xuất xứ…như với Mỹ, Hàn Quốc, Ấn Độ.

“Đó là những mặt hàng có giá trị xuất khẩu không lớn so với tổng giá trị xuất khẩu của ngành nhưng sẽ ảnh hưởng đến uy tín quốc gia, uy tín ngành hàng, do đó phải tập trung xử lý", ông Tuấn nói.

Ông Tuấn cũng yêu cầu Tổng cục Lâm nghiệp triển khai tích cực Hiệp định đối tác tự nguyện giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam về thực thi lâm luật, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT), nắm bắt đón cơ hội của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).

MỚI - NÓNG