Bà Phong Lan cho rằng, sau 9 tháng BQL ATTP hoạt động, xuất hiện nhiều trang báo mạng đưa thông tin giả liên quan đến ATTP với ý định xấu, như trong vụ heo nhiễm thuốc an thần, thì hôm sau một trang mạng có thông tin 68 học sinh một trường tiểu học tại TPHCM nhập viện vì ăn phải heo có tiêm thuốc an thần bán ra thị trường.
Nhiều báo chí thấy có học sinh nhập viện thì đều kết luận bị ngộc độc thực phẩm. Ví dụ như hôm 7/12 vừa qua, 142 học sinh tiểu học trường An Phú (Q2) bị sốt, trong đó có 5 em bị tiêu chảy thì ngay lập tức, xuất hiện thông tin các em bị ngộ độc thực phẩm. “Muốn kết luận nguyên nhân phải lấy mẫu xét nghiệm, và phải có thời gian để kết luận chứ không thể nói ngay là bị ngộ độc được. Thế nhưng các báo vẫn gọi cho tôi để hỏi có phải bị ngộc không” - bà Lan cho biết.
Tại hội nghị, bà Lan đề xuất cần quy về một mối một số công việc hiện nay. Cụ thể là Sở Công thương TPHCM bàn giao đề án truy xuất nguồn gốc cho Ban; Sở NN-PTNT TP bàn giao đề án giết mổ. “Cần tiếp tục quy hoạch đề án triển khai lò mổ hiện đại, trong khi chờ đợi, nếu phải dùng lò mổ thủ công thì đề nghị gắn camera để kiểm tra, giám sát” - bà Phong Lan đề xuất.
Ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP nhắc lại vụ 4.000 con heo bị tiêm thuốc an thần nếu bị đưa ra thị trường thì rất khủng khiếp. Bước đầu, BQL ATTP đã phát huy được hiệu quả trong việc xử lý kịp thời, quyết liệt trong việc tiêu hủy hết lô heo, tránh việc bị đưa ra thị trường tiêu thụ.
Những lò mổ hiện đại vì sao chậm triển khai? Ông Phong cho rằng có một số khâu vẫn đang bị buông lỏng quản lý. Cần phải có giải pháp tăng cường quản lý hiệu quả hơn. “Vì lợi ích cá nhân mà đạp lên tất cả thì phải xử lý nghiêm”- ông Phong khẳng định.