Theo quyết định 1431/QĐ-CTN do Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng ký ngày 28/11, có 42 cá nhân được phong tặng danh hiệu nghệ sĩ nhân dân (NSND). Quyết định hồi tháng 6 có tên 77 nghệ sĩ được phong danh hiệu NSND.
Tuy thế nhiều nghệ sĩ đình đám như NSƯT Chí Trung, NSƯT Quang Tèo, NSƯT Quang Thắng... chưa có tên trong danh sách gây tiếc nuối. Họ đều là những gương mặt quen thuộc với khán giả truyền hình nhiều thế hệ.
NSƯT Chí Trung sinh năm 1961, là con trai của nghệ sĩ Quý Dương và nghệ sĩ violon Phùng Thúy Lan. Học hết trung học, Chí Trung không thi đại học mà thi vào Nhà hát Tuổi trẻ. Anh trúng tuyển vào Nhà hát trong cuộc thi có hơn 2.000 thí sinh, gắn bó với ánh đèn sân khấu suốt mấy chục năm.
Trong sự nghiệp anh thành công với chính kịch lẫn hài kịch. Anh có những vai diễn điển hình trong các vở lớn như Romeo trong Romeo và Juliet, Đôn sứt trong Lời thề thứ 9, Tạ Quay trong Trò đời.
NSƯT Chí Trung nghỉ hưu năm 2022. |
Khán giả biết đến NSƯT Chí Trung nhiều hơn với vai trò nghệ sĩ hài. Anh từng đóng vai Táo Giao thông nhiều năm trong chương trình Gặp nhau cuối năm. Trong một cuộc trả lời báo chí Chí Trung cho rằng sở trường của mình là hài trí tuệ, thể loại chuyển tải thông điệp, triết lý sâu xa đến khán giả.
Năm 1997, Chí Trung được phong tặng danh hiệu nghệ sĩ ưu tú. Anh giữ trọng trách Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ từ năm 2017 đến 2022.
Anh kết hôn với nghệ sĩ Ngọc Huyền vào năm 1986. Trước khi thành vợ chồng, cả hai trải qua 7 năm yêu, cùng theo học sân khấu tại Nhà hát Tuổi trẻ. Cặp sao công khai thông tin ly hôn vào năm 2020. NSƯT Chí Trung tìm được hạnh phúc mới với một nữ doanh nhân tên Ý Lan.
NSƯT Chí Trung bên bạn gái. |
NSƯT Chí Trung lận đận với danh hiệu. Năm 2015, hồ sơ của NSƯT Chí Trung không vượt qua Hội đồng cấp Bộ. Năm 2018, danh sách các nghệ sĩ được xét tặng danh hiệu NSND tiếp tục vắng bóng "Táo Giao thông". Ở lần xét tặng này, tên của anh vẫn chưa xuất hiện trong danh sách được phong tặng NSND.
NSƯT Quang Tèo (Tiến Quang) có tên trong danh sách xét tặng trình lên Hội đồng cấp Nhà nước nhưng chưa có tên trong hai danh sách được Chủ tịch nước ký phê duyệt.
NSƯT Quang Tèo sinh năm 1962 tại Hà Nội. Anh tốt nghiệp khoa Chèo, trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Quân đội (nay là Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội). Nghệ sĩ bắt đầu sự nghiệp diễn chèo, sau chuyển sang Nhà hát Kịch nói Quân đội vào năm 1986.
NSƯT Quang Tèo nổi tiếng với những vai nông dân. |
Anh nổi tiếng nhất với lĩnh vực hài kịch, gắn liền những vai nông dân. Cặp bài trùng Quang Tèo - Giang Còi nổi tiếng trong làng hài đất Bắc. Năm 2012, anh được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú.
NSƯT Quang Tèo kết hôn năm 1990, có một con trai và một gái. Gia đình diễn viên Đại gia chân đất sở hữu một khu trang trại nghỉ dưỡng rộng hơn 1.000 m2 ở Thạch Thất, Hà Nội. Sau nghỉ hưu, anh vẫn bận rộn với những dự án nghệ thuật đóng phim, tiểu phẩm.
NSƯT Xuân Hinh sinh năm 1960, sinh ra để làm chèo nhưng sau lại được mệnh danh là “vua hài đất Bắc” với lối diễn xuất tự nhiên, dí dỏm. Năm 1988, tiết mục hề Cu Sứt trong Festival Cười giúp Xuân Hinh gây ấn tượng với khán giả.
Tên tuổi anh gắn liền với nhiều tác phẩm Thị Màu lên chùa, Thầy bói đi chợ, Người ngựa, ngựa người... Anh là một trong số ít nghệ sĩ miền Bắc thành công về mặt băng đĩa, vì các băng hài của anh bán rất chạy.
Gia đình NSƯT Xuân Hinh. |
Cơ ngơi của NSƯT Xuân Hinh mới đây được báo nước ngoài khen ngợi. "Vua hài đất Bắc" tiết lộ căn biệt phủ được xây dựng từ 5 triệu viên ngói cổ và 1 triệu viên gạch thất cổ.
Được mệnh danh là nghệ sĩ giàu nhất nhì làng hài Việt, NSƯT Xuân Hinh vẫn giữ phong cách sống giản dị khi về hưu. Anh thường đi xe máy, chia sẻ khoảnh khắc làm vườn, dọn nhà.
Nam nghệ sĩ khá kín tiếng khi nhắc về danh hiệu, anh từng chia sẻ năm nay không làm hồ sơ xét tặng danh hiệu NSND.
NSƯT Quang Thắng sinh năm 1968, nổi tiếng ở mảng hài kịch. Trước khi nổi tiếng, anh làm cùng lúc nhiều công việc để trang trải cuộc sống, thậm chí nhận việc giao quần áo thuê.
Từ năm 1990 Quang Thắng về Đoàn kịch Hải Phòng và được giao đóng vai chính. Tới năm 1994, tên tuổi Quang Thắng có sức hút, được mời diễn ở tất cả các trường học. Anh nổi tiếng với vai Thắng nghiện trong một bộ phim truyền hình và được nhiều người yêu quý.
Vai diễn Táo Kinh tế trong chương trình Gặp nhau cuối năm cũng đưa tên tuổi NSƯT Quang Thắng được đông đảo khán giả biết và yêu mến hơn.
NSƯT Quang Thắng nổi tiếng với vai Táo Kinh tế. |
Tháng 8/2019 diễn viên Quang Thắng chuyển công tác từ Đoàn Kịch nói Hải Phòng sang Nhà hát Kịch Hà Nội. Giữa năm 2023, anh góp mặt trong bộ phim điện ảnh Người vợ cuối cùng của đạo diễn Victor Vũ.
NSƯT Thành Lộc sinh năm 1961, được mệnh danh là "phù thủy sân khấu". Anh bén duyên diễn xuất khi mới 8 tuổi, có hơn 50 năm cống hiến cho nghệ thuật. Gần 30 năm gắn bó với sân khấu Idecaf, Thành Lộc đã tỏa sáng ở cả vị trí diễn viên và đạo diễn, sở hữu những vai diễn kinh điển như Dạ cổ hoài lang, Tấm Cám, Ngôi nhà không có đàn ông... Vai Cám của anh được đánh giá rất cao. Giờ đây anh đứng mũi chịu sào ở sân khấu của riêng mình sau khi rời Idecaf.
NSƯT Thành Lộc (trái) thăng hoa trên sân khấu kịch. |
Nam nghệ sĩ nhận danh hiệu NSƯT từ năm 2001. Việc hạn chế tham gia các hội diễn sân khấu, chưa có cơ hội cạnh tranh huy chương khiến NSƯT Thành Lộc gặp khó nếu anh nộp hồ sơ xét tặng danh hiệu NSND. Tuy nhiên giới nghệ sĩ đều biết Thành Lộc không mặn mà với chuyện xét tặng danh hiệu.
Nhiều trường hợp ca sĩ, diễn viên nổi tiếng được đông đảo nghệ sĩ biết đến nhưng chưa có duyên với danh hiệu như nghệ sĩ Đỗ Kỷ, Vân Dung, Thái Hòa, Tú Oanh, Trọng Tấn, Mỹ Linh...