Xử vụ mua bán 'logo xe vua': Không ai bị truy tố tội nhận hối lộ

Các bị cáo tại tòa sáng nay 30/8. Ảnh: Tân Châu
Các bị cáo tại tòa sáng nay 30/8. Ảnh: Tân Châu
TPO - Sáng nay (30/8), TAND TPHCM đưa vụ mua bán ‘logo xe vua’ ra xét xử sơ thẩm. HĐXX đồng ý xét xử tội danh như cáo trạng của VKS, nhưng khung hình phạt thay đổi theo hướng tăng nặng đối với một số bị cáo.

Cụ thể: Các bị cáo Nguyễn Văn Thới, Trần Quốc Thái (cùng ngụ TPHCM) từ điểm đ, e khoản 2 Điều 364 Bộ luật hình sự, tội danh “Đưa hối lộ” theo VKS sang khoản 4 Điều 364.

Bị cáo Lê Thị Cẩm Vân (ngụ TPHCM) từ VKS quy buộc điểm đ, e khoản 2 Điều 346 Bộ luật hình sự, tội danh “Đưa hối lộ” sang khoản 3 Điều 364. Các bị cáo Huỳnh Tấn Thắng, Nguyễn Văn Phúc, Trần Trọng Nhân, Mai Văn Thái Em, Nguyễn Minh Thiên (cùng ngụ TPHCM), tòa quyết định giữ nguyên quy buộc của VKS là xét xử các bị cáo này tội danh “Đưa hối lộ” theo điểm đ, e khoản 2 Điều 364.

Cựu CSGT Nguyễn Cảnh Chân (nguyên cán bộ Phòng CSGT, CA tỉnh Đồng Nai), theo cáo trạng bị truy cứu khoản 2 Điều 364 tội “Môi giới hối lộ” có khung hình phạt 2-7 năm tù, nay Tòa chuyển sang khoản 4 Điều 365 với khung hình phạt 8-15 năm tù.

Xử vụ mua bán 'logo xe vua': Không ai bị truy tố tội nhận hối lộ ảnh 1 Cựu CSGT Nguyễn Cảnh Chân (đứng giữa, hàng đầu) tại tòa sáng nay. Ảnh: Tân Châu

Hai tội danh được tòa giữ nguyên khi xét xử là “Đưa hối lộ” và “Môi giới hối lộ”.

Tại phần thẩm tra tư pháp cho thấy, các bị cáo đều có luật sư bào chữa. Đáng lưu ý là cựu CSGT Nguyễn Cảnh Chân khi trả lời HĐXX, bị cáo cho biết bị tạm giam từ năm 2015 đến nay và “Bị cáo xin giải ngủ khỏi ngành chứ không phải bị sa thải”.

Xử người đưa, nhưng không truy cứu ai nhận hối lộ

Sau phần thẩm tra tư pháp, HĐXX cho đại diện VKS giữ công tố tại phiên tòa công bố cáo trạng.

Cáo trạng công tố tại tòa cho rằng, từ tháng 1/2014-8/2015, các bị can Thới, Vân và các đồng phạm đã cấu kết với một số tài xế, chủ xe tải thường lưu thông trên các tuyến đường thuộc các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và TPHCM góp tiền đưa hối lộ cho TTGT, CSGT để không bị xử phạt.

Các bị cáo Thới, Thái tổ chức in logo có số “68” và chữ “Garage Thành Đô”; Vân in logo chữ “xe chở hàng” bán cho chủ xe, tài xế giá từ 2,5-3 triệu đồng/logo dán làm mật hiệu nhận biết khi bị TTGT, CSGT kiểm tra. Mỗi tháng, Thới lập danh sách các xe mua logo bằng cách ghi biển số các xe vào giấy để theo dõi.

Bị cáo Thới và Thái đã bán được khoảng 15 ngàn lượt logo, thu lời bất chính gần 23 tỷ đồng và một phần số tiền này được dùng để đưa hối lộ. Thới đưa hối lội 79 lần với tổng số tiền gần 5 tỷ đồng, lần đưa nhiều nhất là 150 triệu đồng.

Ngoài ra Thới còn nhờ một người em họ 12 lần chuyển cho cán bộ thuộc Đội 1, Phòng CSGT - Công an tỉnh Đồng Nai tổng số tiền 1,2 tỷ đồng để đưa cho một số cán bộ CSGT khác. Thới và Thái đưa cho các đội, trạm 1,3 tỷ đồng. Thái có 39 lần đưa hối lộ với tổng số tiền 2,2 tỷ đồng và hưởng lợi 360 triệu đồng. Số tiền còn lại hơn 17,8 tỷ đồng, Thới đã sử dụng nộp phạt cho các xe đã mua logo nhưng vẫn bị lập biên bản, trả tiền thuê xe ôm báo tin và bản thân hưởng lợi 1,3 tỷ đồng…

Về sai phạm của cựu CSGT Nguyễn Cảnh Chân, cáo trạng cũng xác định, khoảng tháng 6/2014, Thới nhờ Nguyễn Cảnh Chân giúp để các đội của phòng CSGT CA tỉnh Đồng Nai không xử phạt lỗi chở hàng quá tải đối với các xe gắn logo do Thới bán. Chân nói cho ông Võ Thanh Sơn (đội trưởng Đội 1, phòng CSGT CA tỉnh Đồng Nai) và được ông Sơn đồng ý.

Ông Nguyễn Cảnh Chân thông báo với Thới, nếu xe nào bị kiểm tra, cứ nói xe của anh Sơn và gọi điện thoại cho Chân biết địa điểm, biển số xe bị kiểm tra để Chân gọi cho ông Sơn giải quyết. Sau đó, Thới nhờ vợ chuyển vào tài khoản của vợ ông Chân 7 lần, với tổng số tiền gần 600 triệu đồng.

Tổng cộng ông Chân đã trung gian môi giới cho Thới đưa hối lộ 12 lần, lần ít nhất 60 triệu đồng, lần nhiều nhất 120 triệu đồng. Ông Thới chuyển cho Chân gần 1,3 tỷ đồng, Chân chuyển giúp Thới gần 1 tỷ còn 300 triệu đồng Chân sử dụng cá nhân. Thới cũng khai đã đưa hối lộ 79 lần với số tiền gần 5 tỷ đồng cho nhiều cán bộ TTGT, CSGT Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM, lần đưa ít nhất 9 triệu đồng, nhiều nhất 105 triệu đồng. Vân khai có 16 lần đưa hối lộ, nỗi lần đưa ít nhất 3 triệu, nhiều nhất 150 triệu.

Đáng lưu ý là cáo trạng dẫn kết luận điều tra cho rằng, Thới, Vân, Thái khai đã đưa hối lộ cho 80 người là CSGT, TTGT, trong đó 62 cán bộ CSGT, 18 cán bộ TTGT ở Đồng Nai, Bình Dương và TPHCM. Cơ quan điều tra đã lấy lời khai của 80 người này nhưng không có người nào thừa nhận đã nhận tiền để không xử phạt các xe quá tải.

Như vậy, cáo trạng vừa công tố tại tòa cho thấy, VKS tiếp tục truy cứu các bị cáo hành vi đưa hối lộ và môi giới, nhưng không truy cứu ai là người nhận số tiền trong vụ án.

Hiện phiên tòa đang vào phần xét hỏi. Chủ tọa cho biết dự kiến phiên tòa diễn ra nhiều ngày.

Các bị cáo Nguyễn Văn Thới, Trần Quốc Thái, Huỳnh Tấn Thắng, Nguyễn Văn Phúc, Nguyễn Mai Hữu Nhân, Trần Trọng Nhân, Mai Văn Thái Em, Nguyễn Minh Thiên, Lê Thị Cẩm Vân và - cùng ngụ tại TPHCM và cùng bị truy cứu tội “Đưa hối lộ”. Cựu CSGT Nguyễn Cảnh Chân (nguyên cán bộ Phòng CSGT, CA tỉnh Đồng Nai) tội danh “Môi giới hối lộ”.

MỚI - NÓNG
‘Giá vàng’ và ‘bão Yagi’ được tìm kiếm nhiều nhất năm 2024
‘Giá vàng’ và ‘bão Yagi’ được tìm kiếm nhiều nhất năm 2024
TPO - Cốc Cốc vừa phát hành Báo cáo xu hướng tìm kiếm và lướt web 2024, nhìn lại những mối quan tâm nổi bật của người dùng Việt Nam trên internet. Theo đó, “Anh trai vượt ngàn chông gai”, “Anh trai say hi” cùng từ lóng “đỉnh nóc kịch trần bay phấp phới” gây bão tìm kiếm. “Bão Yagi” và “giá vàng” dẫn đầu danh sách từ khóa nổi bật nhất.