Sa lưới
Theo hồ sơ vụ án, giữa năm 2015, từ phản ánh của báo chí, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương đã chỉ đạo Tổng cục Cảnh sát và Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) xác minh, làm rõ thông tin liên quan điến việc mua bán lô gô không rõ nguồn gốc để “bảo kê” xe quá tải được coi là có dấu hiệu xe “vua”. Cơ quan Cảnh sát điều tra (C45) – Bộ Công an tiến hành điều tra vụ việc và đến ngày 26/8/2015, tại một quán nước ở xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, TPHCM, công an đã tiến hành bắt quả tang Nguyễn Mai Hữu Nhân khi Nhân đang giúp Mai Văn Thái Em bán 2 lô gô “xe chở hàng” cho anh Phan Phước Hùng với giá 5 triệu đồng. Cùng thời điểm này, các mũi trinh sát C45 cũng đồng loạt tiến hành bắt, khám xét khẩn cấp đường dây do Lê Thị Cẩm Vân cầm đầu, gồm có Vân, Nguyễn Văn Phúc, Mai Văn Thái Em, Huỳnh Tấn Thắng, Trần Trọng Nhân và Nguyễn Mai Hữu Nhân. Một đường dây nữa cũng bị phát hiện do Nguyễn Văn Thới cầm đầu gồm có Thới và Trần Quốc Thái. Tuy nhiên Thới bỏ trốn, đến ngày 1/9/2016 trình diện công an.
Ngày 4/9/2015, C45 khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt giam 8 đối tượng gồm Vân, Phúc, Em, Thắng, Hữu Nhân, Trọng Nhân, Thới và Trần Quốc Thái để điều tra hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Đến ngày 25/5/2016, C45 khởi tố thêm Nguyễn Minh Thiên về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Nguyễn Cảnh Chân (cán bộ Phòng CSGT, Công an tỉnh Đồng Nai) bị khởi tố hành vi “Nhận hối lộ”, sau đó được chuyển sang tội danh “Môi giới hối lộ”. C45 cũng quyết định đổi tội danh từ “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” sang “Đưa hối lộ” đối với tất cả 9 bị can còn lại.
Quá trình điều tra, Cơ quan điều tra xác định: Từ tháng 1/2014 đến tháng 8/2015, Thới, Thái và Cẩm Vân cùng một số người khác đã thực hiện hành vi móc nối với các lái xe, chủ xe tải thường lưu thông trên các địa bàn tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, TPHCM để bỏ tiền ra hối lộ lực lượng thanh tra giao thông (TTGT), CSGT với mục đích không bị kiểm tra xử phạt về vi phạm chở hàng quá tải. Thới đặt vấn đề với Chân sẽ nộp tiền và dán ký hiệu logo lên các xe để một số cán bộ TTGT, CSGT khi làm nhiệm vụ nhận biết và không xử phạt. Thái là người trực tiếp đi lấy các lô gô từ hiệu in mang về cho Thới và mang lô gô đi bán cho lái xe, chủ xe với giá từ 2,5- 3 triệu đồng/lô gô. Thái hưởng chênh lệch từ 300-400 ngàn đồng/lô gô. Ngoài ra Thái còn giúp Thới thuê xe ôm đi canh gác các tuyến đường có tổ tham mưu đặc biệt của phòng CSGT - Công an TPHCM tuần tra kiểm soát rồi nhắn tin cho Thới và người mua lô gô biết để tránh những đường này. Hàng tháng, Thái bán bản in lô gô và quản lý khoảng 200 xe ô tô, hưởng lợi từ 60-80 triệu đồng. Tính tới thời điểm bị bắt, Thái hưởng lợi khoảng 360 triệu đồng.
Từ tháng 1/2014, Thới và Thái đã đặt in logo chữ số “68” để dán lên kính xe ô tô của mình và bán cho các chủ xe và lái xe có nhu cầu với giá 2,5 triệu đồng/lô gô/tháng và cam kết khi mua lô gô này dán lên xe sẽ không bị phạt lỗi chở hàng quá tải. Nếu bị lập biên bản phạt thì mang về Thới sẽ nộp phạt hoặc sau khi nộp phạt mang biên lai về Thới sẽ trả lại tiền.
Sau đó Thái, Thới đã bỏ lô gô số “68” chuyển sang sử dụng lô gô in chữ “Garage Thành Đô” để bán. Hàng tháng Thới lập danh sách từ các xe mua lô gô bằng cách ghi biển số các xe vào giấy. Từ tháng 1/2014 đến tháng 8/2015, các đối tượng này đã bán cho 15 ngàn lượt xe, thu gần 23 tỷ đồng. Giống với thủ đoạn trên, từ tháng 5 đến tháng 8/2015, Lê Thị Cẩm Vân cùng một số đối tượng cũng móc nối và thực hiện mua bán lô gô “Xe chở hàng” để những xe ô tô sử dụng lô gô trên khi đi trên đường không bị xử phạt quá tải. Đến thời điểm bị công an phát hiện, đường dây của Cẩm Vân đã thu lợi bất chính gần 8 tỷ đồng.
Tòa trả hồ sơ điều tra bổ sung
Theo C45, tại cơ quan điều tra, chủ mưu Nguyễn Văn Thới khai nhận hành vi cùng các đồng phạm tổ chức in và bán lô gô cho các chủ xe, tài xế và thu lợi bất chính. Thới cũng khai trích nguồn tiền để đưa hối lộ cho một số cán bộ CSGT, TTGT trên địa bàn TPHCM, Bình Dương và Đồng Nai. Thới cũng thừa nhận ngoài Thới trực tiếp, Thới còn nhờ Trần Quốc Thái mang tiền đưa hối lộ cho Đội, Trạm thực thuộc Phòng CSGT CA TPHCM (PC67) như Trạm CSGT Phú Lâm; Các Đội CSGT Tân Túc, An Lạc, An Sương, Rạch Chiếc, Tây Bắc… Các Đội thuộc công an các quận 4, 5, 8, 9, 10, 11, 12, Hóc Môn, Củ Chi… và các Đội CSGT Công an tỉnh Bình Dương, Đồng Nai. Thới khai còn nhờ đưa hối lộ cho lực lượng TTGT thuộc Sở GTVT các tỉnh thành: TPHCM, Đồng Nai và Bình Dương. Tổng số tiền Thới đưa hối lộ là gần 2,8 tỷ đồng. Trong khi đó Lê Thị Cẩm Vân thừa nhận với C45 là đưa tiền cho CSGT, TTGT ba tỉnh thành nói với tổng số tiền 576 triệu đồng.
Tuy nhiên tại phiên tòa, cả hai đối tượng cầm đầu vụ án là Thới và Vân đều phản cung, cho rằng do vừa bị bắt nên hoảng loạn, ký bừa vào các biên bản lấy lời khai… Thới chỉ thừa nhận việc in và bán lô gô, không thừa nhận thỏa thuận với CSGT, TTGT để đưa hối lộ. Bị cáo Vân tại tòa thay đổi lời khai, thừa nhận có in lô gô bán cho tài xế nhưng số lượng xe và số tiền 7 tỷ đồng thu lợi bất chính bị quy kết là không đúng. Vân trình bày tại tòa rằng chỉ bán lô gô “xe chở hàng” cho khoảng 800 xe, thu được 2 tỷ đồng. “Số lượng xe mà cơ quan điều tra đề cập là do điều tra viên tự lấy trong đầu máy tính thu được từ nhà bị cáo. Cán bộ đưa một xấp giấy rồi bắt bị cáo ký vào, dọa nếu không ký sẽ bị treo cổ , chích điện nên bị cáo sợ mà ký đại”, bị cáo Vân khai trước tòa.
Đáng lưu ý là trường hợp Nguyễn Cảnh Chân- bị cáo duy nhất bị quy tội danh “Môi giới hối lộ”. Trả lời HĐXX, bị cáo Chân nói rằng, thỏa thuận với Thới chỉ những xe tải gắn lô gô Thành Đô chứ không có những loại xe hay lô gô khác. Chân thừa nhận mình trực tiếp giới thiệu Thới với Võ Thanh Sơn (Đội trưởng Đội 1, phòng CSGT Công an tỉnh Đồng Nai), và chỉ giới thiệu xong rồi về chứ cả 3 không thỏa thuận gì. Ngoài ra Chân cũng nói rằng, ban đầu Thới đưa 1 tháng 60 triệu đồng, sau đưa tăng thêm. Tổng cộng Thới đưa gần 1,2 tỷ đồng. Số tiền mà Thới đưa, Chân đưa cho Sơn. Khi Võ Thanh Sơn chết, Chân nhờ ông Đỗ Hữu Tuyến (Phó Phòng CSGT, CA tỉnh Đồng Nai) giúp Thới và ông Tuyến chấp nhận. Chân khai có nhận 600 triệu đồng của Thới và đã đưa ông Tuyến trên 300 triệu đồng. Tuy nhiên Chân cũng không đồng tình với cáo trạng quy buộc tội “Môi giới hối lộ”. Bị cáo cho biết “không được đối chất với ông Tuyến trong quá trình điều tra”.
Trước sự phản cung của hàng loạt bị cáo, nảy sinh nhiều tình tiết mới, gần cuối ngày xét xử hôm qua, HĐXX quyết định trả hồ sơ để Cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ vụ án.
Vụ án khơi nguồn từ phản ánh của báo chí, C45 vào cuộc, ban đầu C45 khởi tố 9 bị can tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, nguyên cán bộ CSGT Nguyễn Cảnh Chân tội “Nhận hối lộ”. Sau đó C45 chuyển tội danh 9 bị cáo sang “Đưa hối lộ”, bị can Sơn được chuyển thành tội “Môi giới hối lộ”. Dù vụ án “dính” đến hàng chục CSGT, TTGT 3 địa phương TPHCM, Đồng Nai và Bình Dương, tuy nhiên qua điều tra đã cho kết quả là không có ai bị truy cứu tội Nhận hối lộ, dù rằng số tiền đưa hối lộ được cơ quan điều tra kết luận là nhiều tỷ đồng.