Xử phạt xe không mang theo đăng ký bản gốc: Lợi bất cập hại!?

CSGT và thanh tra giao thông vẫn muốn tài xế phải mang giấy tờ gốc.
CSGT và thanh tra giao thông vẫn muốn tài xế phải mang giấy tờ gốc.
TP - Lãnh đạo Vụ An toàn giao thông (Bộ GTVT) cho hay, khi vi phạm, CSGT hoặc thanh tra giao thông giữ bản chính đăng ký để đảm bảo người vi phạm nộp phạt. Nếu không có bản chính, buộc phải giữ xe nên sẽ phát sinh nhiều chi phí cho chủ xe và cơ quan quản lý. Trong khi đó, thị trường xe ô tô lại hoang mang và lo mất khách.

Bộ GTVT “muốn” giữ giấy tờ gốc

Ông Hoàng Thế Tùng, Phó Vụ trưởng An toàn giao thông (Bộ GTVT), người trực tiếp soạn thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt hiện hành (Nghị định 46/2016/NĐ-CP) cho hay: Trong các quy định hiện hành, giấy đăng ký xe là một trong những công cụ để đảm bảo việc xử phạt đối với lái xe vi phạm.

Cụ thể, khi lái xe vi phạm, CSGT hoặc thanh tra giao thông sẽ tạm giữ giấy phép lái xe, các giấy tờ liên quan và cho xe tiếp tục lưu thông. Khi người vi phạm thực hiện xong việc nộp phạt, các giấy tờ này sẽ được cơ quan chức năng trao trả lại.

“Nếu quy định cho phép sử dụng bản sao hoặc các giấy chứng nhận của ngân hàng, lái xe hoặc chủ phương tiện sẽ nhân bản các giấy tờ này. Khi đó, lái xe sẽ chậm, thậm chí không thực hiện việc nộp phạt. Nếu không có giấy đăng ký xe bản chính, CSGT và thanh tra giao thông buộc phải tạm giữ phương tiện. Như thế sẽ tốn chi phí trông giữ xe cho lái xe và cơ quan chức năng khó có thể lo được hết bãi đỗ xe” - ông Tùng cho hay.

Theo ông Tùng, hầu hết các nước trên thế giới đều yêu cầu lái xe mang theo bản chính giấy đăng ký xe. “Phương tiện là một động sản, có thể coi là một nguồn gây nguy hiểm khi tham gia giao thông nên xu hướng các nước đều quản lý chặt chẽ” - ông Tùng nói. 

Nói về những phát sinh cho cả người sử dụng và phía ngân hàng trong việc này, ông Tùng cho hay, hiện tại các cơ quan liên quan đang tìm phương án. “Tuy nhiên, phía ngân hàng nên có các đánh giá cụ thể về việc này. Liệu ngân hàng có thực sự không thể kiểm soát được tài sản khi giao bản chính cho người vay vốn hay có các biện pháp khác. Các bên cần đưa ra các khía cạnh của vấn đề để tìm cách giải quyết tốt nhất” - ông Tùng đề nghị.

Không cho vay thế chấp: Nền kinh tế thiệt hại

Ngày 31/5, Bộ Công an ký công văn số 2916 khẳng định lại việc xử phạt vi phạm hành chính với những tài xế không xuất trình được bản gốc giấy đăng ký xe là chính xác và không chấp nhận dùng bản sao giấy đăng ký xe có công chứng/chứng thực và xác nhận của ngân hàng.  Đại diện Bộ Tư pháp đánh giá: “Hiện cả nước có khoảng 1,3 triệu ô tô tham gia giao thông có thế chấp đăng ký gốc nên việc xử phạt tài xế lỗi này sẽ tác động tiêu cực tới tình hình kinh tế, người dân sẽ không thế chấp để vay vốn nữa”.

Thực tế, thời điểm này hàng loạt doanh nghiệp kinh doanh bán xe ô tô đang tỏ ra lo ngại bị ế ẩm vì quy định tài xế phải mang theo bản gốc giấy tờ xe khi lưu thông trên đường.

Ông Nguyễn Tuấn, Giám đốc Cty TNHH Thiên An Phúc chia sẻ: Những ngày này các ngân hàng đang có dấu hiệu cầm chừng, “siết” chặt việc cho vay thế chấp ô tô. “Bây giờ, nếu kiểm tra tất cả các hãng taxi, doanh nghiệp cho thuê xe tự lái… sẽ thấy có đến 95% phải vay thế chấp mới mua được xe để kinh doanh” - ông Tuấn cho biết.

Anh Phương, chủ một doanh nghiệp chuyên nhập khẩu dòng xe Kia Morning Van trên đường Phạm Hùng (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, hiện có khá nhiều doanh nghiệp  tư nhân phải vay ngân hàng để mua một lượng xe mới với số lượng lớn. Đặc biệt, các doanh nghiệp kinh doanh xe cho thuê tự lái, taxi, vận tải.

“Chắc chắn Chính phủ và các bộ ngành phải tìm cách tháo gỡ, sửa đổi, bổ sung luật để bảo hộ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh. Nếu không sửa đổi, bổ sung luật để người mua xe được vay thế chấp thì nhà nước thiệt hại nhiều nhất” - anh Phương chia sẻ.

Một doanh nghiệp nhập khẩu xe cũng cho rằng hiện việc cho vay thế chấp bằng chính động sản (ô tô) là cách để kích thích thị trường tiêu dùng. “Nếu cơ quan quản lý cứ siết chặt thế này, e thị trường tiêu dùng cho vay mua ô tô sẽ... chết yểu, từ đó gây thiệt hại không ít cho nền kinh tế, vị này khẳng định. 

Phương tiện là một động sản, có thể coi là một nguồn gây nguy hiểm khi tham gia giao thông nên xu hướng các nước đều quản lý chặt chẽ”

Ông Hoàng Thế Tùng - Bộ GTVT  

Một doanh nghiệp nhập khẩu xe cũng cho rằng hiện việc cho vay thế chấp bằng chính động sản (ô tô) là cách để kích thích thị trường tiêu dùng. “Nếu cơ quan quản lý cứ siết chặt thế này, e thị trường tiêu dùng cho vay mua ô tô sẽ... chết yểu, từ đó gây thiệt hại không ít cho nền kinh tế, vị này khẳng định.

MỚI - NÓNG