Tại buổi họp báo sơ kết tổ chức và quản lý lễ hội đầu năm 2014 sáng 12/3 tại Bộ VH-TT&DL, ông Vương Duy Bảo, Phó cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở đánh giá: “Lễ hội diễn ra vui tươi, lành mạnh, an toàn. Vấn đề thực hiện nếp sống văn minh lễ hội, vệ sinh môi trường đã có nhiều chuyển biến tích cực hơn hẳn so với các kỳ lễ hội trước”.
Tiền lẻ vẫn là vấn đề nhức nhối trong công tác quản lí lễ hội. Ảnh: H. Tuấn
Tuy nhiên, Bộ thừa nhận một số hạn chế về an ninh trật tự, an toàn ở một số lễ hội: chen lấn xô đẩy, cướp đồ thờ tự, cờ bạc trá hình, bày bán thịt gia súc, gia cầm sống rất phản cảm như ở chùa Hương, đền Đức Thánh Cả (Hà Nội), Phủ Dày, Chợ Viềng, Đền Trần (Nam Định).
Trước tết, Bộ có công văn về việc sử dụng hợp lí tiền mệnh giá nhỏ trong hoạt động văn hóa, lễ hội, tín ngưỡng. Thực tế, ở một số di tích, lễ hội tình trạng đổi tiền lẻ, cài cắm tiền lẻ khắp nơi thờ tự vẫn ngang nhiên: Chùa Hương, Đền Bà Chúa Kho.
Ông Bảo nói thêm, mồng 2 Tết kiểm tra tại Đền Bà Chúa Kho, phát hiện một số người đổi tiền lẻ trong khuôn viên. BQL di tích cho hay đó là các gia đình chính sách (?) nên khó xử lý. Cục VHCS đành đề nghị địa phương vận động, sắp xếp việc khác cho những người này.
Ông Nguyễn Văn Tảo, Phó trưởng phòng Thanh tra Văn hóa của Bộ cho biết, Thanh tra Bộ có gần 30 cuộc thanh tra trước, trong và sau lễ hội đầu năm nay.
“Chúng tôi chưa phạt được, nhưng đã lập biên bản. Họ đeo cái bị rất nhiều tiền lẻ nhưng họ không cầm trên tay để đổi. Chỉ có một số ở đền Trình (chùa Hương) bày tiền lẻ ra để đổi, nhưng khi chúng tôi đến thì họ ù té chạy. Không thể bắt được người ta. Mà có bắt được cũng không thể ra quyết định để xử lý. Theo luật Thanh tra phải có quyết định xử lý, ra quyết định mới xử lý được. Thanh tra Văn hóa không giống quản lí thị trường hay cảnh sát giao thông”, ông Tảo nói.
Năm 2013, Thanh tra Bộ chỉ xử phạt 25 triệu đồng suốt mùa lễ hội trên cả nước. Số tiền phạt ít không đồng nghĩa lễ hội văn minh hơn. Thực tế, do không có chế tài nên Thanh tra Bộ đành bó tay.
Hai năm trước, Bộ đặt vấn đề ra thông tư về quản lí tiền giọt dầu, hòm công đức. Đến nay đây vẫn được coi là “vấn đề nhạy cảm”. Cán bộ chuyên trách của Bộ cũng cho rằng đây là việc khó, vì động đến tôn giáo, tín ngưỡng. Theo thống kê không đầy đủ, số tiền giọt dầu, công đức ở các mùa lễ hội trước khoảng 300 tỷ đồng, nhưng việc công khai minh bạch trong quản lí, sử dụng số tiền này vẫn còn nhiều băn khoăn.
Còn một nguyên nhân khác giải thích cho một số tranh cãi từ phía chức sắc, người trông coi các di tích: Đầu tư trở lại để tu bổ di tích từ số tiền giọt dầu, công đức chưa tốt. Nhiều nơi, tiền công đức nộp về kho bạc địa phương, nhưng khi cần tiền tu bổ di tích xuống cấp lại khó khăn, chưa kịp thời.
“Đối với việc quản lí và sử dụng tiền lẻ tại các di tích và lễ hội, phải nói rằng về mặt chế tài chúng ta chưa có. Vì thế Bộ phối hợp Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện chỉ đạo về việc không được đổi tiền lẻ trong các di tích, lễ hội. Xây dựng chế tài cần sự chung sức đóng góp của các bộ ngành”, ông Vương Duy Bảo nói bên lề cuộc họp.
Trong các cuộc thanh tra gần đây ở chùa Hương và một số di tích tại Vĩnh Phúc, Hà Nội, Thanh tra Bộ phát hiện một số sai phạm về tu bổ di tích.
Ở Tây Thiên (Vĩnh Phúc) một số hạng mục xây dựng bừa bãi, Tam Quan được dựng cột bê tông. Về việc dỡ gỗ sưa bán ở Cựu Quán (Hoài Đức, Hà Nội), đại diện Bộ nói rằng, đây là quán chứ không phải đình. Tuy đây chưa phải là di tích, nhưng là di sản văn hóa làng quê, cần được kiểm kê.