Chất thải độc hại của HVS suýt bị đổ xuống ngay sát nhà anh Nguyễn Văn Được ở thôn Phú Thọ 3. Ảnh : PV |
Sáng qua 17/7, trước dư luận về việc tỉnh Khánh Hoà quá nương tay trong những sai phạm về môi trường có tính hệ thống của HVS, ông Nguyễn Chiến Thắng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đã giải thích như vậy tại cuộc họp báo đột xuất về vụ rác thải tại Cty TNHH Nhà máy tàu biển HVS.
Tối 8/7, Cảnh sát môi trường (CSMT) Khánh Hòa đã bắt quả tang 4 xe ben chở chất thải nguy hại trên đốc tàu của Tổng Cty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) đang được sửa chữa tại HVS định đổ xuống thôn Phú Thọ 3 (Ninh Diêm, Ninh Hòa).
Ông Võ Đức Thân - Trưởng phòng CSMT, CA Khánh Hòa cho biết, 4 xe chất thải này được chở đi đổ theo hợp đồng miệng giữa cán bộ phòng Vật tư HVS và ông Mai Hữu Trí ở thị trấn Ninh Hòa. Phòng CSMT đang xem xét trách nhiệm về việc này là của phòng Vật tư HVS hay có cả trách nhiệm của lãnh đạo HVS. Nếu thấy có vi phạm đến mức phải xử lý hình sự thì sẽ lập hồ sơ để xử lý.
Ông Trần Hải Sơn - Phó Cục trưởng Cục Hải quan Khánh Hòa - cho rằng 200 tấn chất thải nguy hại trên đốc tàu của Vinalines phát sinh khi đốc được sửa chữa tại HVS. Nhưng theo ông Thân, nếu không phải toàn bộ thì phần lớn chất thải nguy hại có sẵn trên đốc tàu trước khi được đưa từ Ukraina về Việt Nam.
Vậy, có quy định nào buộc tàu phải được làm sạch trước khi vào sửa chữa tại Việt Nam? Và điều này thì ông Sơn cho hay“Hải quan chưa nhận được văn bản nào quy định tàu phải làm sạch trước khi vào Việt Nam, hiện nay tàu vào Việt Nam đều là tàu không sạch!” - Ông Mai Văn Thắng - Phó GĐ Sở TN-MT tỉnh Khánh Hòa thừa nhận, lượng chất thải phát sinh trong quá trình sửa chữa tàu biển tại HVS là rất lớn, đa dạng về chủng loại, cơ quan môi trường Khánh Hòa rất khó kiểm soát được.
Ngoài hạt nix, lượng chất thải phát sinh trong gần 10 năm hoạt động của HVS là bao nhiêu, việc xử lý chúng như thế nào? Câu hỏi chưa được giải đáp cụ thể.
Một góc bãi nix đã qua sử dụng ở Mỹ Á năm 2006. Ảnh : H.A |
Bãi nix thải của HVS năm 2005. Ảnh : NĐQ |
Phải chăng chính quyền tỉnh Khánh Hoà quá nương tay trước những sai phạm về môi trường có tính hệ thống của HVS? Ông Nguyễn Chiến Thắng nói, xử lý sai phạm của HVS phải cân nhắc giữa các lợi ích kinh tế, xã hội, môi trường. Nếu đóng cửa nhà máy thì sẽ ảnh hưởng đến việc làm của hơn 4.000 công nhân, đến thu ngân sách. Chính vì cân nhắc nên việc xử lý sai phạm của HVS kéo dài.
Theo ông Nguyễn Chiến Thắng, từ cuối năm 2007 đến nay tình hình bảo đảm môi trường của HVS đã tốt hơn trước. HVS đã giảm tỉ lệ sửa chữa tàu chỉ còn bằng 30% khối lượng công việc của nhà máy, năm 2008 sẽ chỉ sử dụng 30.000 tấn hạt nix so với 126.000 tấn nix/năm trong các năm trước.
Tỉnh đã cho một doanh nghiệp lập dự án xử lý hạt nix thải và cho thuê đất xây dựng nhà máy. Nhưng dự án chậm triển khai vì HVS chưa ký hợp đồng xử lý nix thải với doanh nghiệp trên. UBND tỉnh Khánh Hòa đã yêu cầu HVS sớm ký hợp đồng, để sớm giải tỏa khoảng 700.000 tấn hạt nix thải tồn đọng hiện nay.
Chiều 16/7, UBND tỉnh Khánh Hòa đã chỉ đạo Sở TN-MT xử phạt HVS với tình tiết tăng nặng, vì đầu năm 2007 HVS đã bị xử phạt hành chính 85 triệu đồng do vi phạm quy định về môi trường. UBND tỉnh cũng yêu cầu làm rõ các vi phạm về môi trường của Cty cổ phần Cựu chiến binh 394 và Cty TNHH Tấn Huy trong quá trình vận chuyển và xử lý rác thải của HVS theo hợp đồng với HVS, để xử phạt vi phạm hành chính.