Theo Bộ NN&PTNT, trong quý 1, đã có 12 vụ/19 tàu/131 ngư dân, thuộc 7 tỉnh, thành phố ven biển: Bình Định, Khánh Hòa, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bến Tre, Cà Mau, Kiên Giang để tàu cá và ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài đánh bắt hải sản trái phép bị bắt giữ, xử lý. Việc này đã ảnh hưởng đến nỗ lực của Việt Nam trong việc gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC).
Trong trường hợp bị EC phạt thẻ đỏ, tác động trước mắt và trực tiếp nhất đối với thủy sản Việt Nam sẽ là lệnh cấm thương mại của EC nếu Việt Nam không đáp ứng các quy định về chống khai thác thủy sản IUU (các hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không có báo cáo và không được quản lý). Khi đó, ước tính ngành thủy sản Việt Nam sẽ tổn thất khoảng 480 triệu USD mỗi năm nếu mất thị trường EU.
Để đạt được mục tiêu gỡ “thẻ vàng” trong năm nay, Bộ NN&PTNT đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố ven biển chỉ đạo xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân để tàu cá đi khai thác hải sản trái phép vùng biển nước ngoài và có hành vi cố tình ngắt kết nối thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá để khai thác trái phép, không thực hiện kẹp chì, chuyển đổi thiết bị giữa các tàu, giả mạo đối với thiết bị được lắp đặt; xác minh.
Ngoài ra, Bộ NN&PTNT cũng đề nghị các địa phương xử lý nghiêm đơn vị cung cấp thiết bị giám sát hành trình cố tình làm sai lệch thông tin, dữ liệu để chủ tàu, thuyền trưởng đưa tàu đi khai thác trái phép vùng biển nước ngoài.
Các địa phương khẩn trương bố trí nguồn nhân lực kiểm soát hoạt động nghề cá tại cảng cá; kiểm soát chặt chẽ tàu cá xuất bến và cập bến theo dung quy định, đồng thời xây dựng cơ chế phối hợp giữa các tỉnh để quản lý hiệu quả tàu cá của địa phương và tàu cá của điạ phương khác đến hoạt động trên địa bàn.