Xử lý nghiêm sai phạm đất đai ở Hà Nội, TP.HCM

TPO - Uỷ ban Kinh tế đề nghị chấn chỉnh, xử lý nghiêm các sai phạm trong quản lý nhà nước về đất đai ở các thành phố lớn, các đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt, trong quản lý và sử dụng đất công, công tác quản lý quy hoạch đô thị ở các thành phố, nhất là ở thành phố Hà Nội và TP.HCM.

Có hiện tượng đầu cơ, tăng giá đột biến đất nền

Ngày 21/5, báo cáo thẩm tra kết quả thực hiện nghị quyết của Quốc hội về kinh tế - xã hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, thị trường bất động sản đang có dấu hiệu “nóng” lên ở một số địa phương, nhất là các thành phố lớn và tiềm ẩn rủi ro; cơ cấu sản phẩm chưa đầy đủ, thông tin thị trường chưa minh bạch.

Đáng lưu ý, một số loại hình sản phẩm mới như căn hộ khách sạn, căn hộ văn phòng…chưa được quy định chặt chẽ. Tại các địa điểm chuẩn bị hình thành đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt như Phú Quốc (Kiên Giang), Vân Phong (Khánh Hòa), Vân Đồn (Quảng Ninh) có hiện tượng đầu cơ, tăng giá đột biến đất nền trước những thông tin về cơ chế, chính sách mới đang được Quốc hội xem xét, quyết định.

Xử lý nghiêm sai phạm đất đai ở Hà Nội, TP.HCM ảnh 1 Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh

Cũng theo Uỷ ban thẩm tra, thực tế gần đây cho thấy, tình hình tội phạm hình sự, ma túy, công nghệ cao diễn ra phức tạp; cơ sở pháp lý đối với các giao dịch qua mạng còn thiếu, tạo kẽ hở cho việc phạm tội (vụ án đánh bạc qua mạng hàng nghìn tỉ đồng, vụ lừa tiền ảo 15.000 tỷ đồng ở Tp. Hồ Chí Minh…), có trường hợp tội phạm được tiếp tay bởi một số cán bộ suy thoái trong các cơ quan chức năng.

“Một số vụ án được phát hiện liên quan đến việc chuyển nhượng tài sản công đã bộc lộ những kẽ hở, thiếu sót trong công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực này”, ông Vũ Hồng Thanh nêu cảnh báo.

Ngoài ra, công tác tiếp công dân thời gian qua còn nhiều bất cập, tình trạng khiếu kiện, tập trung đông người ở trụ sở các cơ quan trung ương chưa được giải quyết triệt để, ở một số địa phương chưa thực hiện nghiêm việc tiếp công dân định kỳ và công bố lịch tiếp công dân định kỳ theo đúng quy định của pháp luật. Có nơi xảy ra hiện tượng người đứng đầu UBND các cấp không tiếp công dân định kỳ, chưa kịp thời nắm bắt, giải quyết tâm tư nguyện vọng của người dân.

Uỷ ban Kinh tế đề nghị Chính phủ cần báo cáo cụ thể hơn về việc thực hiện các giải pháp nhằm tăng cường quản lý tài sản công liên quan đến quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp và bán tài sản nhà nước; công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực quản lý chất lượng và vận hành các công trình xây dựng, nhất là trong việc xây dựng ở các khu đô thị, cơ chế phát hiện vi phạm và chế tài xử lý; việc kiểm soát tình trạng bong bóng bất động sản ở các địa phương.

Uỷ ban thẩm tra cũng đề nghị báo cáo việc ban hành cơ chế, chính sách, giải pháp đầu tư, hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, quy hoạch, tổ chức lại sản xuất, ổn định đời sống nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội sau khi Quốc hội quyết định dừng thực hiện chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận; cần đánh giá kỹ và có giải pháp tăng cường bảo đảm an ninh chính trị nội bộ, an ninh văn hóa, tư tưởng; đánh giá về kết quả triển khai các nội dung lợi thế, giải pháp để vượt qua khó khăn đối với các điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, tham gia.

Sớm báo cáo Quốc hội đường sắt trên cao ở Hà Nội, TPHCM

Về nhiệm vụ, giải pháp trong những tháng còn lại của năm 2018, Uỷ ban Kinh tế nhấn mạnh việc chỉ đạo triển khai các công trình quan trọng quốc gia như Cảng hàng không quốc tế Long Thành, đường cao tốc tuyến Bắc - Nam phía Đông; đánh giá rõ các nội dung này trong báo cáo của Chính phủ về kinh tế-xã hội tại kỳ họp thứ 6 cuối năm 2018. Sớm báo cáo Quốc hội về việc triển khai dự án Metro và đường sắt trên cao tại Tp. Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh.

Đồng thời nhanh chóng triển khai các biện pháp để giải quyết triệt để những vấn đề tồn tại đối với BOT giao thông theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Bên cạnh đó, các cơ quan của Quốc hội cần tăng cường giám sát hoặc tổ chức kịp thời các phiên giải trình đối với những vấn đề “nóng” gây bức xúc đối với cử tri. Thực hiện tốt việc lấy phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ bảo đảm thực chất đối với các chức danh lãnh đạo, quản lý theo quy định.

Cũng theo Uỷ ban Kinh tế, cần chấn chỉnh, xử lý nghiêm các sai phạm trong quản lý nhà nước về đất đai ở các thành phố lớn, các đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt, trong quản lý và sử dụng đất công, công tác quản lý quy hoạch đô thị ở các thành phố, nhất là ở Tp. Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh.

Có giải pháp để thị trường bất động sản vận hành ổn định, minh bạch, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên đất đai, kiểm soát chặt chẽ việc phê duyệt dự án phát triển nhà ở, căn hộ khách sạn, căn hộ văn phòng… và sớm hoàn chỉnh hệ thống pháp luật điều chỉnh đối với các loại hình này. Không để có khoảng trống trong quản lý nhà nước, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết để phát huy hiệu quả các đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt sau khi được Quốc hội thông qua.

MỚI - NÓNG