Thừa ủy quyền của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà có báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội về công tác quản lý cán bộ, công chức. Báo cáo cho thấy, từ đầu năm 2024 đến nay, đã có 139 cán bộ và 432 công chức bị xử lý kỷ luật.
“Việc xử lý cán bộ, công chức vi phạm kỷ luật bảo đảm nguyên tắc khách quan, công bằng; công khai, nghiêm minh; chính xác, kịp thời; đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục”, báo cáo nêu.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. Ảnh: QH |
Cùng với đó, báo cáo nhấn mạnh, việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý cũng được thực hiện nghiêm túc theo quy định của Đảng và của pháp luật, đặc biệt các trường hợp cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý sau khi bị kỷ luật.
Mặc dù vậy, ngành Nội vụ cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế, trong đó có tình trạng né tránh, đùn đẩy, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm, không dám làm ở một số bộ, cơ quan, địa phương và một bộ phận cán bộ, công chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý.
Giải pháp được “tư lệnh ngành” đưa ra là thực hiện thống nhất kiểm định chất lượng đầu vào công chức; hoàn thiện và thực hiện tốt cơ chế, chính sách thu hút, trọng dụng người có tài năng, trình độ chuyên môn giỏi làm việc trong các cơ quan nhà nước. Cùng với đó là giải pháp tăng cường kiểm tra, thanh tra công vụ, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính và kiểm soát quyền lực.
Phát hiện vi phạm về kinh tế 106.672 tỷ đồng
Gửi báo cáo đến Quốc hội về kết quả thực hiện một số nghị quyết về giám sát chuyên đề, chất vấn, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, trong 9 tháng đầu năm, ngành đã triển khai hơn 5.600 cuộc thanh tra hành chính và hơn 74 nghìn cuộc thanh, kiểm tra chuyên ngành; phát hiện vi phạm về kinh tế 106.672 tỷ đồng, 296 ha đất. Trong đó, ngành thanh tra đã kiến nghị thu hồi 71.155 tỷ đồng và 25 ha đất; đồng thời kiến nghị xem xét, xử lý hành chính 1.398 tập thể và 5.502 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý 154 vụ, 125 đối tượng.
Với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, ngành đã tập trung triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ theo chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Các bộ, ngành, địa phương đã kiểm tra 3.455 cơ quan, tổ chức, đơn vị về công khai, minh bạch, phát hiện 267 đơn vị vi phạm; tiến hành 1.783 cuộc kiểm tra việc thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn, phát hiện 192 vụ việc vi phạm, 332 người vi phạm, kiến nghị thu hồi và bồi thường 35,9 tỷ đồng.
Qua kiểm tra việc thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức tại 3.761 cơ quan, tổ chức, đơn vị, các bộ, ngành, địa phương đã kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các sai phạm và xử lý 30 cán bộ, công chức, viên chức vi phạm.
Thụ lý, điều tra nhiều vi phạm trong hoạt động tư pháp
Báo cáo gửi Quốc hội, Viện trưởng Viện KSND Tối cao Nguyễn Huy Tiến cho biết, từ 1/10/2023 đến 30/9/2024, tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp khởi tố mới 76 vụ (tăng 24,6%). Trong số đó, chủ yếu liên quan các hành vi nhận hối lộ, lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, tham ô tài sản... Một số vụ việc điển hình được viện dẫn, như: Vụ điều tra viên, cán bộ điều tra Cơ quan CSĐT Công an thành phố Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) đã nhận hối lộ 1,3 tỷ đồng giúp các bị can tại ngoại; vụ Nguyễn Văn Bi, chấp hành viên, Cục Thi hành án dân sự tỉnh An Giang trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, đã thu tiền của người phải thi hành án nhưng chiếm đoạt 608 triệu đồng để sử dụng cá nhân.