Xử lý hình sự chủ đầu tư vi phạm

Hà Nội sẽ xử nghiêm các chủ đầu tư vi phạm trật tự xây dựng, phòng cháy chữa cháy. Ảnh minh họa: Hồng vĩnh.
Hà Nội sẽ xử nghiêm các chủ đầu tư vi phạm trật tự xây dựng, phòng cháy chữa cháy. Ảnh minh họa: Hồng vĩnh.
TP - Dù đã được chất vấn và trả lời tại các kỳ họp trước, nhưng những vấn đề “nóng” như vi phạm trật tự xây dựng, phòng cháy chữa cháy (PCCC) vẫn được nhiều đại biểu tái chất vấn với việc truy trách nhiệm lãnh đạo quận, huyện, sở ngành trong ngày kết thúc kỳ họp thứ 4, HĐND thành phố Hà Nội, ngày 5/7.

Vi phạm TTXD gia tăng vì cán bộ yếu kém

Theo đại biểu Vũ Ngọc Anh, trên địa bàn Hà Nội đang có hơn 900 công trình xây dựng vi phạm chưa xử lý dứt điểm dù Thanh tra xây dựng đã lập biên bản, thậm chí lãnh đạo thành phố đã có chỉ đạo xử lý. Ông Ngọc Anh dẫn chứng nổi bật trong số này là hàng loạt công trình vi phạm trên đất nông nghiệp tại địa bàn các huyện như: Thanh Trì, Đông Anh, Mê Linh... Còn theo đại biểu Hoàng Thị Thúy Hằng, thực trạng vi phạm quản lý đất đai, trật tự xây dựng (TTXD) trên đất nông nghiệp đang có chiều hướng gia tăng ở nhiều địa phương. Đơn cử tại huyện Mê Linh, Thanh Trì, Đông Anh đều gia tăng trong 6 tháng đầu năm 2017. Vậy nguyên nhân là do đâu? Trách nhiệm lãnh đạo chính quyền ra sao?

Có tên trong các quận, huyện nổi cộm về vi phạm TTXD được các đại biểu nêu, Chủ tịch UBND huyện Đông Anh, ông Phạm Văn Châm thừa nhận việc xảy ra vi phạm về TTXD trên địa bàn là do cán bộ yếu kém, thiếu trách nhiệm. “Lãnh đạo xã yếu kém dẫn đến vi phạm đất đai tăng. Trách nhiệm trực tiếp thuộc về chuyên môn, chính quyền cơ sở lơ là, không xử lý ngay từ đầu. Ngoài ra, trách nhiệm còn thuộc về cán bộ cơ quan cấp huyện”, ông Châm nói. Lãnh đạo huyện này cho biết, trong thời gian qua đã tiến hành kỷ luật một số cán bộ vi phạm, thậm chí có trường hợp còn bị xử lý hình sự, đồng thời đưa ra cam kết thời hạn xử lý vi phạm tại các khu vực xã Hải Bối, Nguyên Khê gây bức xúc trong thời gian qua.

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Hùng, việc vi phạm TTXD trên địa bàn là phổ biến. Và trong năm vừa qua dù các cấp chính quyền có cố gắng, có tập trung nhưng việc thực hiện chưa nhiều. Những sai phạm cũ chưa được xử lý triệt để, những phát sinh mới chưa được xử lý sớm. Vì vậy diễn biến còn phức tạp. “Chúng ta còn nhận dạng trước đây vi phạm TTXD chủ yếu ở nội thành thì nay còn xuất hiện ở ngoại ô, đất nông nghiệp và cả hành lang an toàn của đê điều, điện lực”, ông Hùng nói.

Xử lý hình sự chủ đầu tư vi phạm ảnh 1 Các khối nhà chung cư cao tầng nổi bật ở khu vực trung tâm KĐT Linh Đàm phá vỡ quy hoạch về cảnh quan kiến trúc. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Cam kết không “xê dịch” quy hoạch

Đại biểu Nguyễn Hoài Nam chất vấn việc vi phạm tại các khu đô thị, tình trạng xây dựng sai mật độ, chuyển đổi công năng thành nhà ở đã diễn biến phức tạp nhưng chưa được khắc phục, chấn chỉnh.

Theo đại biểu Nam, việc di dân vào nội đô là do quy hoạch của Hà Nội chưa tốt. Thực tế cho thấy tốc độ tăng dân cư ở Hà Nội đang rất phức tạp. Ông Nam dẫn chứng ở phường Hoàng Liệt trong 2 năm, dân số tăng gấp đôi do các công trình chung cư xây dựng quá nhiều. Cử tri, người dân bức xúc trước thực trạng này. Vậy trách nhiệm của thành phố, trách nhiệm của Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch- Kiến trúc ở đâu? 

Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Lê Vinh thừa nhận, về tình trạng thay đổi quy hoạch trên địa bàn Hà Nội hiện nay. Thực tế, các chủ đầu tư xây nhà trước, xây hạ tầng sau dẫn đến chậm hơn so với quy hoạch. Một vấn đề khác là tốc độ phát triển đô thị rất lớn, các hạ tầng xã hội trong đó có nhà trẻ, trường học không thể đáp ứng kịp trong đó việc thiếu đất xây trường học.

Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cho rằng, cá nhân ông dám khẳng định là toàn bộ quy hoạch chi tiết 1/500 của tất cả các dự án của các nhà đầu tư trong nước, nước ngoài; các dự án đầu tư công đều tuân thủ nghiêm ngặt theo Luật Quy hoạch và theo đúng quy hoạch phân khu.  “Chúng ta không làm quy hoạch chi tiết 1/500 nào sai lệch các quy luật, quy định nào cả”, ông Chung nhấn mạnh.

Theo ông Chung vi phạm TTXD đúng trong thời gian qua việc xử lý tốt lên nhưng vẫn còn phổ biến. Hiện thành phố đã xây dựng đề án và Chính phủ đồng ý cho Hà Nội thí điểm mô hình đưa các Đội quản lý thanh tra xây dựng về giao cho Chủ tịch 30 quận, huyện để quản lý. “Chúng tôi đang xây dựng chế tài xử lý đối với người vi phạm TTXD, đối với người quản lý xây dựng. Thành phố đang xây dựng và đề xuất theo hướng là nếu anh vi phạm TTXD trên địa bàn mà không khắc phục thì sẽ không khuyến khích đầu tư các công trình mới”, ông Chung nói.

Xem xét khởi tố doanh nghiệp vi phạm trật tự xây dựng

Xử lý hình sự chủ đầu tư vi phạm ảnh 2
Cũng liên quan đến vấn đề vi phạm TTXD, trả lời chất vấn của Trưởng Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND thành phố Hà Nội, bà Phạm Thị Thanh Mai, về tiến độ điều tra, xử lý một số vụ việc sai phạm xây dựng nghiêm trọng, Thiếu tướng Đoàn Duy Khương, Giám đốc Công an thành phố Hà Nội cho biết, trong năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017, thanh tra thành phố đã chuyển hồ sơ sang công an thành phố về dấu hiệu vi phạm của một số doanh nghiệp, điển hình có doanh nghiệp tư nhân số 1 tỉnh Điện Biên.

Theo ông Khương, đây là đơn vị triển khai khoảng 12 dự án trên địa bàn thành phố. Các dự án này qua điều tra đều thấy có dấu hiệu về trốn thuế và dấu hiệu vi phạm các quy định về quản lý nhà ở. Theo ông Khương, Công an thành phố đã nhận được chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố về việc tiếp nhận kết luận của Thanh tra thành phố. Tuy nhiên, Bộ Công an cũng đã nhận được báo cáo của Thanh tra Chính phủ về vi phạm của đơn vị này trên địa bàn 21 tỉnh thành trên cả nước.

“Vì thế, chúng tôi đang phối hợp với C46 về khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Chúng tôi cũng đang chờ ý kiến quyết định của Bộ Công an. Nếu để cơ quan điều tra Công an Hà Nội khởi tố vụ việc liên quan địa bàn Hà Nội thì sang tuần, nếu có ý kiến của lãnh đạo Bộ Công an, chúng tôi sẽ khởi tố vụ án. Còn nếu Bộ Công an quyết định khởi tố vụ án ở 21 tỉnh thành thì chúng tôi sẽ chuyển hồ sơ sang để Bộ Công an khởi tố”, ông Khương nói.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu cho biết: Những công trình đang thi công, hoàn thiện vi phạm PCCC, Hà Nội sẽ kiên quyết không cấp điện, nước. Nếu giám đốc xí nghiệp nước, công ty điện nào cấp nước, điện cho dự án này sẽ phải chịu trách nhiệm trước thành phố. Theo ông Sửu, các chủ đầu tư xây dựng các công trình không đảm bảo PCCC, tới đây thành phố sẽ thống kê lại và không đồng ý cấp phép thêm các dự án. Trong trường hợp chủ đầu tư cố tình vi phạm, chây ỳ trong công tác PCCC, Hà Nội kiên quyết chuyển cơ quan điều tra.

MỚI - NÓNG
Bản tin Hình sự: Bắt 4 đối tượng trong đường dây lừa đảo mạo danh công an, viện kiểm sát
Bản tin Hình sự: Bắt 4 đối tượng trong đường dây lừa đảo mạo danh công an, viện kiểm sát
TPO - TIN NÓNG ngày 12/12: Công an Hà Nội điều tra vụ cháu bé 11 tuổi bị cứa cổ, hành hạ khi câu cá tại ao nhà hàng xóm; Chủ tịch Công ty Trung Hậu 68 đã 'rửa' hàng trăm tỷ thu lợi bất chính từ khai thác trái phép cát ra sao?; Nhóm thanh niên Hải Dương mang kiếm sang Bắc Ninh trộm tiền công đức ở đền chùa...
Đèo An Khê tê liệt
Đèo An Khê tê liệt
TPO - Một khối lượng đất đá bị sạt xuống đường làm bịt lối thoát nước gây ngập một đoạn đường trên đèo An Khê, khiến giao thông bị tê liệt.