Chủ đầu tư chung cư vi phạm PCCC: Xử lý chưa quyết liệt

Hoạt động kinh doanh tại toà nhà 27 Lạc Trung vẫn diễn ra nhộn nhịp, dù tòa nhà đang trong diện bị Cảnh sát PCCC tạm đình chỉ.
Hoạt động kinh doanh tại toà nhà 27 Lạc Trung vẫn diễn ra nhộn nhịp, dù tòa nhà đang trong diện bị Cảnh sát PCCC tạm đình chỉ.
TP - Thời gian qua, số lượng nhà chung cư dồn dân vào ở khi chưa đủ tiêu chuẩn Phòng cháy chữa cháy (PCCC) gia tăng. Trao đổi với Tiền Phong, trung tá Phạm Trung Hiếu, Trưởng Phòng hướng dẫn, chỉ đạo về phòng cháy- Cảnh sát PCCC thành phố Hà Nội cho biết, những tồn tại trong PCCC phải chia sẻ với chủ đầu tư bởi không phải ngày một, ngày hai khắc phục được luôn.

Hàng loạt chủ đầu tư thách thức pháp luật

Việc đình chỉ các công trình vi phạm các quy định về an toàn PCCC của lực lượng Cảnh sát PCCC lâu nay dường như chỉ trên giấy. Bởi thực tế, hàng loạt các chung cư, trung tâm thương mại… trong danh sách đình chỉ một phần hoặc đình chỉ toàn bộ công trình vẫn đang hoạt động bình thường.

Đơn cử như tòa nhà 46/230 Lạc Trung (phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng), mặc dù nằm trong danh sách đình chỉ hoạt động toàn bộ tòa nhà, nhưng, toàn bộ hệ thống tầng 1 cho thuê là siêu thị, phòng tập gym… đang hoạt động tấp nập. Phía bên trên, hàng trăm hộ dân vẫn sinh hoạt bình thường. Đại diện Ban Quản trị (BQT) toà nhà xác nhận, tòa nhà nằm trong danh sách 38 công trình không thực hiện, thực hiện không đầy đủ các quy định của pháp luật về PCCC, công trình đưa vào sử dụng nhưng chưa được nghiệm thu về PCCC, không đảm bảo các điều kiện an toàn về PCCC. Vị này cho rằng, tòa nhà đã đưa vào sử dụng chục năm rồi nên các đường ống hư hỏng nhiều, tuy nhiên, chủ đầu tư (CĐT) mới chỉ khắc phục một số hạng mục như: cửa chống khói, cửa khu vực đổ rác…

Theo phản ánh của cư dân Golden West (đường Lê Văn Thiêm, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân), thời gian gần đây CĐT tòa nhà là Cty cổ phần Phát triển Thương mại Việt Nam (Viettradico) liên tiếp cho thi công đổ sàn các ô thoáng (ô thông khí) giữa các tầng để xây căn hộ khiến cuộc sống của người dân bị đảo lộn. Tại tầng hầm B1 tòa nhà, dù các hạng mục thi công vẫn chưa hoàn thiện, chưa được nghiệm thu an toàn PCCC nhưng chủ đầu tư đã cho nhiều đơn vị kinh doanh mở rạp chiếu phim, nhà hàng ăn uống tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ, xảy ra sự cố.

Đại diện UBND phường Nhân Chính cho biết, UBND phường đã phối hợp với lực lượng Cảnh sát PCCC yêu cầu CĐT không được cho các hộ dân vào ở khi chưa được nghiệm thu tổng thể về PCCC. Đồng thời, đình chỉ hoạt động của các nhà hàng, rạp phim. Tuy nhiên, ghi nhận thực tế tại đây, cụm tổ hợp ăn uống, giải trí này vẫn hoạt động “chui”. Song song với đó, nhiều hạng mục vẫn đang được thi công gấp rút.

Khảo sát tại chung cư BMM (tổ dân phố 19, phường Phúc La, quận Hà Đông) cho thấy, bức xúc của cư dân đã đạt đỉnh điểm. Được biết, đây là một trong những tòa nhà sai phạm dai dẳng, chây ì trong khắc phục hệ thống PCCC suốt 5 năm qua. Ông Hà Tùng Linh, Trưởng BQT chung cư BMM cho hay, hiện nay tòa nhà chưa được nghiệm thu mà đã đưa vào sử dụng, không đảm bảo công tác an toàn PCCC theo quy định. Theo ông Linh, đây là trách nhiệm của CĐT, mặc dù BQT đã nhiều lần đề nghị CĐT hoàn thiện hệ thống PCCC theo yêu cầu của cơ quan chức năng để bàn giao lại cho BQT quản lý vận hành. Tuy nhiên, đã gần 5 năm, CĐT vẫn chưa thể hoàn thiện hệ thống này.

Ngày 15/2/2017, Phòng Cảnh sát PCCC số 9 đã kiểm tra hiện trạng và kết luận rất nhiều sai phạm của CĐT liên quan đến hệ thống PCCC, yêu cầu khắc phục ngay. Tuy nhiên, đến nay, CĐT vẫn chưa khắc phục để người dân không phải nơm nớp lo cháy nổ xảy ra.

Khuyến cáo người mua nhà

Một số chuyên gia bất động sản cho rằng, lỗi ở đây thuộc về cả CĐT và người mua nhà. CĐT thì chạy tiến độ nên đẩy nhanh bàn giao công trình trong khi vẫn chưa đảm bảo an toàn PCCC. Người mua nhà thì nóng lòng muốn có chỗ ở sớm nên vẫn vào ở kể cả biết công trình vẫn chưa đảm bảo an toàn PCCC. Trong khi đó, mức xử phạt đối với hành vi vi phạm về PCCC theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ chỉ từ 50 - 80 triệu đồng, còn chi phí hoàn thiện hệ thống PCCC lên tới hàng tỷ đồng. Chính vì vậy, nhiều chủ đầu tư chọn phương án chấp nhận chịu phạt.

Trao đổi với Tiền Phong, trung tá Phạm Trung Hiếu, Trưởng Phòng hướng dẫn, chỉ đạo về phòng cháy- Cảnh sát PCCC thành phố Hà Nội cho biết, những tồn tại trong PCCC phải chia sẻ với CĐT bởi không phải ngày một, ngày hai khắc phục được luôn. Trong khi đó, nhiều CĐT khẳng định chỉ bán nhà cho người dân đúng với hợp đồng. Còn muốn làm tốt hơn thì dân phải đóng thêm tiền. Do đó, quan điểm của Cảnh sát PCCC là bắt buộc CĐT khi xây dựng nổi lên mặt đất phải niêm yết Giấy chứng nhận thẩm duyệt PCCC, Giấy phép xây dựng. Trước khi đưa nhà vào hoạt động phải niêm yết văn bản nghiệm thu PCCC. Có đủ giấy tờ người dân mới vào ở. Để làm được việc này cần các cơ quan tư pháp vào cuộc, giúp người dân trong các khâu kiểm định hồ sơ của CĐT. Ông Hiếu cho biết thêm, lực lượng Cảnh sát PCCC đang tích cực xử lý các vi phạm còn tồn tại.

Cảnh sát PCCC Hà Nội cũng khuyến cáo người dân không mua nhà, không vào ở tại các công trình chưa được thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC theo quy định. Đối với những cơ sở vi phạm, cảnh sát PCCC Hà Nội sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan để kiên quyết xử lý và có những biện pháp mạnh hơn, nhằm khắc phục hoàn toàn các lỗi vi phạm PCCC. Nếu chủ đầu tư không thực hiện sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật nếu xảy ra sự cố cháy nổ theo quy định. Trong trường hợp chủ đầu tư cố tình không chấp hành thì sẽ xem xét đề xuất chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự.

MỚI - NÓNG