Xử lý đề thi theo hướng mới

Thí sinh chỉnh sửa giấy báo thi tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM ngày 28.6, chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ đợt 1 diễn ra vào giữa tuần này - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Thí sinh chỉnh sửa giấy báo thi tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM ngày 28.6, chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ đợt 1 diễn ra vào giữa tuần này - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Xu hướng ra đề thi ĐH những năm gần đây thường gắn liền với thời sự, theo hướng vận dụng thực tế. Để làm tốt những đề thi này, theo các giáo viên tham gia chấm thi, thí sinh cần có cách xử lý đúng để không bị mất điểm.

Vận dụng vốn sống khi làm bài

Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Hiền, giáo viên ngữ văn Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (TP.HCM), cho biết yêu cầu đặt ra với thí sinh ở đây là phải có tư duy độc lập khi viết bài.

Để làm được điều này, đầu tiên thí sinh phải nhận diện rõ bản chất của vấn đề được nêu ra trong đề thi. Rồi từ sự quan sát và khám phá đời sống của bản thân, thí sinh phải biến thành nguyên liệu và chứng cứ thực tế cho bài làm.

Tuy nhiên, rất nhiều thí sinh do không có tư duy độc lập nên khi làm bài thường sa đà vào những kiến thức được học trên lớp và bê nguyên xi vào bài làm, không thể hiện được yêu cầu cốt lõi của vấn đề là tạo được mối liên hệ giữa bài học cá nhân và đời sống thực tế.

Cô Hoàng Thị Diễm Trang, Phó hiệu trưởng Trường THPT Gia Định (TP.HCM), thì lưu ý đề thi dù ra theo hướng vận dụng cũng sẽ dựa trên nền tảng kiến thức đã học.

Để làm tốt bài thi dạng này, thí sinh cần có định hướng chung về cách làm bài để khi gặp những đề thời sự không có trong chương trình, dù không ôn trước cũng sẽ không quá bất ngờ.

Theo kinh nghiệm chấm thi nhiều năm, cô Nguyễn Kim Tường Vy, Tổ trưởng Tổ địa - sử - giáo dục công dân Trường THPT Nguyễn Hiền (TP.HCM), cho biết lỗi phổ biến nhất của thí sinh trong bài thi sử là không phân kỳ được các giai đoạn lịch sử, tức là không vẽ được bức tranh toàn cảnh về lịch sử VN theo các giai đoạn nên không làm tốt các câu tổng hợp.

Những nhầm lẫn dễ mất điểm

Theo thạc sĩ Phạm Hồng Danh, Trưởng bộ môn toán cơ bản Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, để tránh sai sót khi làm bài thi môn toán, thí sinh cần đọc kỹ đề, tính toán chậm rãi các bước trung gian. Học sinh hay mắc lỗi vì tính vội vàng, có thể vẫn biết cách làm nhưng tính toán bị sai. Vì vậy, làm đầy đủ và cẩn thận các bước trung gian của câu hỏi là một bí quyết để ít mắc lỗi.

Thầy Nguyễn Thế Phong, giáo viên vật lý Trường THPT Vĩnh Viễn (TP.HCM), cho biết thí sinh thường mắc lỗi vì đọc đề không kỹ nên bị lẫn lộn. Chẳng hạn, lẫn lộn ở dòng điện: giá trị cực đại và hiệu dụng. Để tránh lẫn lộn và sai sót, thí sinh nên đọc câu hỏi ngược từ dưới lên, đọc yêu cầu trước tiêu đề để xác định ý tưởng làm bài trước.

Cô Nguyễn Anh Thư, Tổ phó môn hóa Trường THPT Nguyễn Khuyến (TP.HCM), cho rằng ở phần lý thuyết thí sinh hay đọc lướt chọn đáp án. Dù chọn phương án mình cho là đúng, thí sinh vẫn nên đọc lại các phương án khác để khẳng định lại cho chính xác.

Theo thầy Trần Ngọc Danh, giáo viên môn sinh, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM), năm nay đề thi môn sinh học của kỳ thi tốt nghiệp đã không còn phần chọn lựa giữa hai bộ sách giáo khoa.

Cụ thể, thay vì 48 câu, chỉ còn có 40 câu và làm chung. Đề thi ĐH sắp tới cũng có thể theo hướng đó. Phần kiến thức sẽ giảm đi, phần bài tập có độ khó tăng lên.

Ngoài ra, năm nay có thể đề thi môn sinh ra như môn hóa, sẽ rất mới và gay cấn. Ví dụ đề thi cho 10 dữ kiện và hỏi thí sinh trong đó đúng mấy ý? Kết quả có thể là 1, 2, thậm chí 5, 6 ý đúng.

Thí sinh đọc đề chỉ cần nhầm là sai. Đề ra 5 - 7 câu như vậy là thí sinh “mệt”. Muốn làm các câu này, học sinh phải hiểu kỹ nội dung bài, hiểu kỹ câu hỏi đang nói vấn đề gì, đúng nội dung nào.

Ba kỹ năng làm bài môn văn

Trước hết, thí sinh phải có kỹ năng phân tích đề. Đó là xác định đề gồm bao nhiêu phần, mỗi phần có bao nhiêu câu hỏi, mỗi câu hỏi có bao nhiêu ý chính. Phân tích cụ thể như thế để có cách làm bài hợp lý: viết thành bài văn hay đoạn văn, viết văn xuôi hay chỉ cần trả lời theo ý gạch đầu dòng?...

Nếu đề thi theo cấu trúc 2 phần như đề thi tốt nghiệp vừa qua thì kỹ năng thứ hai mà thí sinh cần rèn luyện là đọc hiểu. Phần đọc hiểu cần tập trung vào những khía cạnh như: kiến thức liên quan đến tác giả - tác phẩm; các lớp nội dung của văn bản; thể loại văn bản, phong cách ngôn ngữ; phương thức biểu đạt...

Kỹ năng thứ ba là làm theo hướng dạng đề mở, tích hợp. Đây là dạng đề có sự kết hợp yêu cầu giữa nghị luận văn học và xã hội, giữa kiến thức sách giáo khoa và kiến thức cuộc sống. Đối với dạng đề này thí sinh không nên tách ra 2 bài làm riêng, càng không nên làm nghị luận xã hội trước rồi văn học sau. Cách làm tốt nhất là giải quyết theo từng vế yêu cầu của câu hỏi và giữa hai phần phải có liên hệ qua lại. 

Thầy Trần Ngọc Tuấn
Trường THPT Lý Tự Trọng TP.HCM

Theo Theo Thanh Niên
MỚI - NÓNG