Xử lý chất độc hóa học của Syria đang bế tắc

Xử lý chất độc hóa học của Syria đang bế tắc
TP - Sau khi đã phá hủy máy móc, thiết bị để sản xuất vũ khí hóa học, vấn đề đau đầu nhất hiện nay của Syria là các chất độc hóa học sẽ bị tiêu hủy ở đâu, trong khi không nước nào chấp nhận công việc nguy hiểm này.

> Ai dùng vũ khí hóa học giết 1.300 người ở Syria?
> 200 người chết vì vũ khí hóa học?

Đoàn Thanh sát viên chung của Tổ chức cấm vũ khí hoá học (OPCW) và LHQ đã kiểm tra được 21 trong tổng số 23 cơ sở vũ khí hoá học mà Chính phủ Syria đã báo cáo. 2 cơ sở chưa kiểm tra được vì những cơ sở này nằm trong những khu vực đang diễn ra những cuộc giao tranh dữ dội giữa quân Chính phủ và lực lượng nổi dậy.

Theo những số liệu mới nhất, trên lãnh thổ Syria có lưu trữ gần 1,3 nghìn tấn chất độc hoá học và hơn 1,2 nghìn tên lửa và mìn chưa nạp chất độc hoá học.

Mục đích chính của đoàn Thanh sát viên khi đến các cơ sở vũ khí hoá học lần này là phá huỷ các máy móc và thiết bị dùng để sản xuất vũ khí hoá học. Nhiệm vụ này không phức tạp lắm.

Các máy móc và thiết bị như vậy, kể cả các máy móc dùng để nạp chất sarin và các chất độc hoá học khác cho các đầu đạn cũng như bản thân các đầu đạn đã bị phá huỷ bằng búa tạ, máy cưa cắt và máy ủi. Ngày 31/10 vừa qua, các chuyên gia của OPCW tuyên bố đã hoàn thành nhiệm vụ này.

Nhưng nhiệm vụ tiếp theo - tiêu hủy các chất độc hoá học - không đơn giản như vậy. Chính phủ Syria cho biết đang xem xét một vài phương án, kể cả phương án đốt cháy. Nhưng vấn đề khó khăn nhất là sẽ tiêu hủy chất độc hoá học ở đâu - ở trong hay ngoài lãnh thổ Syria? Và nếu tiêu hủy ở bên ngoài Syria thì ở những nước nào? Việc thực hiện cả hai kịch bản đó đều vấp phải những trở ngại lớn do cuộc nội chiến đang diễn ra ở Syria.

Thanh sát viên đang kiểm tra một cơ sở vũ khí hóa học ở Syria
Thanh sát viên đang kiểm tra một cơ sở vũ khí hóa học ở Syria.

Theo ý kiến các chuyên gia của OPCW, không thể tiêu huỷ hoàn toàn các chất độc hoá học bên trong Syria được. Tức là ít nhất cũng sẽ phải tiêu huỷ một phần ở nước ngoài. Nhưng việc chuyên chở ra nước ngoài lại cực kỳ nguy hiểm. Không ai có thể bảo đảm chắc chắn trong quá trình chuyên chở không xẩy ra bất kỳ sự cố kỹ thuật gì. Hơn thế nữa, cũng không thể loại trừ hoàn toàn khả năng có thể xẩy ra các cuộc tấn công từ phía các tổ chức khủng bố địa phương và quốc tế.

Nhưng ngay cả trơng trường hợp giải quyết được vấn đề chuyên chở thì cho tới nay vẫn chưa tìm được nước nào đồng ý chấp nhận nước mình làm địa điểm tiêu huỷ.

Quốc gia được đặt nhiều hy vọng là Nga thì Nga đã từ chối. Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu tuyên bố Nga có khả năng tiêu huỷ các chất độc hoá học nhưng chưa sẵn sàng làm việc này. Ông Shoigu nói thêm là từ “có khả năng” đến “sẵn sàng” là cả một khoảng cách lớn.

Mỹ cũng từ chối, chỉ cho biết sẵn sàng cung cấp các thiết bị cơ động cho công việc tiêu huỷ. Đồng thời Mỹ nỗ lực tìm kiếm những nước có thể chấp nhận làm công việc nguy hiểm đó. Được để mắt đến đầu tiên là các nước láng giềng với Syria và đồng thời cũng là những nước đồng minh thân cận của Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ và Jordani. Nhưng cả hai nước này đều đã bác bỏ đề nghị của Mỹ vì lo ngại xẩy ra những nguy cơ đe dọa môi trường sinh thái cũng như e ngại vấp phải làn sóng phản đối của người dân.

Theo ý kiến các nhà phân tích, cũng không thể trông đợi vào sự đồng ý của các nước láng giềng khác như Israel, Lebanon và Libya.

Còn về phần các nước châu Âu thì mới đây, Na Uy đã chính thức bác bỏ yêu cầu của Mỹ, viện cớ có những hạn chế về pháp luật và kỹ thuật. Một số nước khác như Albania, Bỉ và Pháp tuy có kinh nghiệm tiêu huỷ vũ khí hoá học nhưng chưa tỏ thái độ có đồng ý hay không.

Nói chung, theo nhận định của các nhà phân tích, hầu như không có cơ may nào cho việc tiêu huỷ vũ khí hoá học của Syria ở châu Âu. Dư luận xã hội và các tổ chức bảo vệ sinh thái như Greenpeace chắc chắn sẽ không bao giờ cho phép châu Âu làm việc đó. Các nước thuộc SNG như Ukraina và Belarus cũng vậy, tuy chưa chính thức tỏ thái độ nhưng xét theo ý tứ thì rõ ràng nghiêng về phía phản đối.

Vấn đề tiêu hủy chất độc hóa học của Syria ở đâu cho tới nay vẫn lâm vào bế tắc. Cũng bế tắc không kém là mặt tài chính. Ai cũng biết việc tiêu huỷ vũ khí hoá học của Syria đòi hỏi những nguồn tiền bạc rất lớn. Nhưng hiện nay mới chỉ một vài nước (như Đức chẳng hạn) tuyên bố sẵn sàng trợ giúp về tài chính. Nghĩa là còn xa mới đạt yêu cầu.

VŨ VIỆT
Theo Ng.ru

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Hà Nội cần phải bố trí, sắp xếp gần 2.500 cán bộ, công chức
Hà Nội cần phải bố trí, sắp xếp gần 2.500 cán bộ, công chức
TPO - Ngày 13/12, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài – Trưởng Ban Chỉ đạo thành phố về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18 đã ký ban hành Thông báo kết luận của Thường trực Ban chỉ đạo thành phố về định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị thành phố.