Theo ghi nhận của PV Tiền Phong, sau 4 năm từ khi thành phố di dời những du thuyền nổi hoạt động tấp nập phía phố Nguyễn Đình Thi (phường Thụy Khuê) đến khu Đầm Bảy (phường Nhật Tân, quận Tây Hồ), đến nay, toàn bộ 7 nhà hàng, du thuyền đã hoàn toàn trở thành phế liệu.
Những khung sắt hoen gỉ, trơ trọi những cọc sắt hướng lên trời, những chiếc thuyền trơ khung, sàn nhiều thuyền đã thủng lỗ chỗ.
Ông T., người trông coi thuyền cho biết, mặc dù ở đây chẳng còn gì sử dụng được nhưng vẫn phải trông, tránh bị trộm mang bán sắt vụn, hoặc đối tượng nghiện ngập nhảy vào.
Đống sắt gỉ được người dân quanh đây ví là “nghĩa địa du thuyền”, vừa lấn chiếm không gian hồ, vừa gây ô nhiễm mặt hồ. “Mới đây, cá chết nổi quanh khu này khá nhiều. Chúng tôi rất mong chính quyền sớm di chuyển trả lại cảnh quan cho hồ Tây”, một người dân nói.
Ông Hải, lãnh đạo một doanh nghiệp kinh doanh du thuyền trên hồ Tây, nói rằng, doanh nghiệp thiệt hại gần chục tỷ đồng khi du thuyền còn thời hạn hoạt động nhiều năm phải phơi nắng, phơi sương nay chỉ còn đống sắt vụn. “Trong khi đó, cơ quan chức năng gần như bỏ mặc, không một lời giải thích hay có hướng hỗ trợ gì sau quyết định của UBND thành phố Hà Nội”, ông Hải bức xúc.
Do hoạt động kinh doanh của các nhà nổi, du thuyền tại hồ Tây dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường, đầu tháng 2/2017, UBND thành phố Hà Nội ra quyết định chấm dứt hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh này tại khu vực (từ số 2 đến số 10 phố Nguyễn Đình Thi, quận Tây Hồ), buộc phải di dời, tập kết tại Đầm Bảy, phường Nhật Tân.
UBND thành phố cũng yêu cầu thống kê hợp đồng lao động, số lượng lao động, tiền lương phải trả, khó khăn, vướng mắc của người lao động khi doanh nghiệp chấm dứt kinh doanh để thành phố xem xét.
Ðề xuất xây bến thủy nội địa
Ông Vũ Duy Tuấn, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội, có văn bản phản hồi báo Tiền Phong rằng, ngày 7/2/2017, UBND thành phố có thông báo chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội về việc chấm dứt toàn bộ hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ, văn hóa, thể thao du lịch, vui chơi giải trí, nuôi trồng, khai thác thủy sản trong phạm vi quản lý hồ Tây.
Nhiều năm qua, Hà Nội đã xác định tạo nên không gian văn hóa du lịch hồ Tây bằng việc khai thác các sản phẩm du lịch trên mặt hồ như phát triển dịch vụ thuyền buồm du lịch, trình diễn các loại hình nghệ thuật trên mặt nước với ánh sáng laser, pháo sáng, pháo hoa... kết hợp tham quan các điểm du lịch tâm linh bên hồ.
Tháng 4/2021, UBND quận Tây Hồ có văn bản nêu một số kiến nghị liên quan đến việc phát triển du thuyền trên mặt hồ Tây. Trong đó kiến nghị Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội sớm hoàn thiện phương án kinh doanh trên hồ Tây theo chỉ đạo của UBND thành phố trước đó. Cho phép tối đa 2 tàu hoạt động với hình thức phục vụ giải khát, điểm tâm nhẹ. Quận Tây Hồ cũng kiến nghị Sở GTVT sớm hoàn thiện phương án xây dựng bến thủy nội địa phù hợp với quy hoạch phân khu đô thị khu vực hồ Tây, đảm bảo cảnh quan và phát triển du lịch tại hồ Tây.
Sở GTVT Hà Nội cuối năm 2020 có báo cáo UBND thành phố đề xuất phương án xây dựng các bến thủy nội địa trên hồ Tây của Cty CP Tập đoàn Mặt Trời. Tuy nhiên, phương án này không được Sở Quy hoạch & Kiến trúc chấp nhận do một số vị trí chưa phù hợp với quy hoạch được duyệt.