Xóa bỏ hộ khẩu: Sẽ loại bỏ nhiều loại giấy tờ rườm rà

Sổ hộ khẩu, CMND sẽ bị loại bỏ trong thời gian tới.
Sổ hộ khẩu, CMND sẽ bị loại bỏ trong thời gian tới.
TP - Theo Nghị quyết 112 của Chính phủ, Thẻ căn cước công dân sẽ thay thế sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, chứng minh nhân dân (CMND) thậm chí cả hộ chiếu. Tuy nhiên nhiều địa phương vẫn chưa có kế hoạch triển khai việc rút gọn các loại thủ tục rườm rà trên.

Liên quan đến việc bỏ sổ hộ khẩu, CMND theo Nghị quyết 112 của Chính phủ, trao đổi với phóng viên Tiền Phong, thiếu tướng Đoàn Duy Khương - Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết, hiện tại Hà Nội chưa quyết định cụ thể thời điểm nào để triển khai việc bỏ thủ tục hành chính đối với 2 loại giấy tờ trên là sổ hộ khẩu và CMND. Đối với công dân TP Hà Nội vẫn phải thực hiện các loại giấy tờ theo quy định cũ khi tiến hành làm thủ tục hành chính.

 Chưa có kế hoạch cụ thể

Đại tá Đỗ Đình Hào - Giám đốc Công an tỉnh Hưng Yên cho biết, mới nắm được Nghị quyết 112 của Chính phủ, hiện Công an tỉnh Hưng Yên chưa có kế hoạch cụ thể triển khai thực hiện việc làm thủ tục hành chính đối với công dân sử dụng căn cước công dân để thay thế sổ hộ khẩu, CMND.

Như Tiền Phong thông tin, Chính phủ chấp thuận việc bỏ sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân, thay thế vào đó là thẻ căn cước công dân quản lý bằng mã số định danh cá nhân. Theo đó, Bộ Công an được giao hoàn thiện việc sửa đổi, bổ sung, thay thế các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến sổ hộ khẩu, CMND để trình cấp có thẩm quyền (là Chính phủ nếu là nghị định hoặc Quốc hội nếu là bộ luật, luật) ban hành để tiến tới bỏ hẳn việc cấp sổ hộ khẩu và CMND. Theo Nghị quyết 112, các thủ tục cấp mới, cấp đổi và cấp lại CMND (9 số) đang được thực hiện ở công an cấp tỉnh và cấp huyện sẽ được bãi bỏ.

Thời gian tới, khi Nghị quyết 112 được thực thi, người dân từ đủ 14 tuổi trở lên sẽ không phải dùng CMND, thay thế vào đó là thẻ căn cước công dân, công dân từ đủ 14 tuổi trở lên sẽ được làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân. Trong đó, số thẻ căn cước cũng đồng thời là số định danh cá nhân.

Nghị định 137/2015/NĐ-CP ngày 31/12/2015 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật Căn cước công dân đã quy định số định danh cá nhân là dãy số tự nhiên gồm 12 số, có cấu trúc gồm 6 số là mã thế kỷ sinh, mã giới tính, mã năm sinh của công dân, mã tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc mã quốc gia nơi công dân đăng ký khai sinh và 6 số là khoảng số ngẫu nhiên.

Thẻ căn cước công dân có thể thay hộ chiếu

Luật cũng quy định thẻ căn cước công dân là giấy tờ tùy thân của công dân Việt Nam, có giá trị chứng minh về căn cước công dân của người được cấp để thực hiện các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam.

Thẻ căn cước công dân cũng được dùng thay thế hộ chiếu trong trường hợp Việt Nam và nước ngoài có ký kết điều ước hoặc thỏa thuận quốc tế cho phép công dân nước ký kết được sử dụng thẻ căn cước thay thế cho hộ chiếu trên lãnh thổ của nhau.

Theo Luật Căn cước công dân, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được quản lý tập trung, thống nhất, kết nối với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành và được bảo đảm an toàn, thuận tiện cho việc cập nhật, khai thác, quản lý và sử dụng.

Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phải cập nhật những thông tin cơ bản của công dân gồm: Họ, chữ đệm, tên khai sinh, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi đăng ký khai sinh, quê quán, dân tộc, quốc tịch, tình trạng hôn nhân, nơi đăng ký thường trú, chỗ ở hiện tại, nhóm máu.

Ngoài ra còn có tên của cha mẹ, người đại diện hợp pháp (trừ trường hợp chưa xác định được). Những dữ liệu này được thu thập và làm căn cứ để cấp mã số định danh cá nhân cho từng công dân.

Cũng từ căn cứ này, nghị quyết của chính phủ vừa ban hành đã thống nhất phương án bãi bỏ các thủ tục, biểu mẫu mà trong đó yêu cầu người dân phải khai báo các thông tin về ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi đăng ký thường trú, dân tộc,
tôn giáo.

Khi Nghị quyết 112 được thực thi, công dân từ đủ 14 tuổi trở lên sẽ không còn dùng hộ khẩu, CMND nữa mà chỉ còn thẻ căn cước công dân. Số thẻ đồng thời là số định danh cá nhân.

Do số thẻ căn cước công dân cũng đồng thời là số định danh cá nhân nên Điều 20 Luật Căn cước công dân quy định khi công dân xuất trình thẻ căn cước công dân theo yêu cầu thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền đó không được yêu cầu công dân xuất trình thêm giấy tờ khác chứng nhận các thông tin đã có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

 

Thông tư 170/2015 của Bộ Tài chính quy định về mức thu, nộp cấp, đổi thẻ căn cước công dân, người từ đủ 14 tuổi trở lên làm thủ tục cấp thẻ căn cước công dân từ ngày 1/1/2016, không phải nộp phí.

Nhà nước cũng không thu phí đổi thẻ đối với người đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi. Công dân khi làm thủ tục đổi, cấp lại thẻ căn cước mới phải trả phí: phí đổi thẻ căn cước là 50.000 đồng/thẻ và cấp lại là 70.000 đồng/thẻ.

Người dân thường trú tại các xã, thị trấn miền núi; biên giới; huyện đảo nộp lệ phí bằng 50% mức thu quy định...

MỚI - NÓNG