“Vĩnh biệt” hộ khẩu

“Vĩnh biệt” hộ khẩu
TP - Một quyết định mang tính lịch sử vừa được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành: Bỏ sổ hộ khẩu và giấy chứng minh nhân dân!

Cụ thể, đó là Nghị quyết 112/NQ-CP (ký ngày 30/10/2017) của Chính phủ về đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư.

Theo đó, Chính phủ thông qua Phương án của Bộ Công an về việc bỏ các thủ tục về sổ hộ khẩu, giấy chứng minh nhân dân trong quản lý dân cư để thống nhất việc quản lý bằng mã số định danh cá nhân. Đồng thời bãi bỏ việc yêu cầu người dân phải xuất trình hộ khẩu, chứng minh nhân dân trong các thủ tục như thường trú, tạm trú, khai sinh, xuất nhập cảnh, đăng ký xe, ngành nghề kinh doanh có điều kiện… Sẽ không còn sổ tạm trú, và thay thế bằng hình thức cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Trong một số tờ khai về lý lịch cá nhân, người dân cũng không còn phải cung cấp các thông tin như ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi đăng ký thường trú…

Nhìn lại lịch sử, phương thức quản lý nhân khẩu theo sổ hộ khẩu ra đời ở miền Bắc từ những năm 50 của thế kỷ trước. Với mục đích khởi đầu là hạn chế dòng người từ nông thôn đổ vào các thành phố. Nhằm phân bổ đều lực lượng lao động tại các địa phương, lĩnh vực, ngành nghề dựa trên kế hoạch phân phối… Thời bao cấp, hộ khẩu có vai trò đặc biệt quan trọng với mỗi hộ gia đình, gắn liền với chế độ phân phối tiêu dùng, tem phiếu, sổ gạo… Có hộ khẩu mới có việc làm, mới được học hành, khám chữa bệnh…

Sổ hộ khẩu tiếp tục được duy trì trên phạm vi cả nước từ sau 1975 cho đến nay. Kể cả khi mọi sự đã quá thay đổi trong cơ chế kinh tế thị trường, Hiến pháp cũng như hệ thống luật pháp đã được xây dựng hoàn thiện. Đặc biệt, khi Việt Nam đã hòa nhập sâu rộng với thế giới, trong đó tham gia và thực hiện các cam kết quốc tế về quyền con người.

Theo số liệu công bố năm 2016 của Ngân hàng thế giới (WB) và Viện hàn lâm KHXH Việt Nam, thì tại 5 tỉnh, thành phố được khảo sát, còn tới 5,6 triệu người không có hộ khẩu thường trú, chủ yếu tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội. Dẫn đến biết bao hệ lụy thiệt thòi, ngang trái từ việc thi tuyển vào cơ quan nhà nước, cho đến con cái học hành, khám chữa bệnh, mua xe mua nhà… Biết bao chuyện dở khóc dở cười quanh cái hộ khẩu được báo chí liên tục đăng tải. 

Giữa thời đại công nghệ số, cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra vũ bão, mà ai nấy còn phải “phấn đấu” toát mồ hôi mới có được cái hộ khẩu và đi đâu, làm gì cũng phải khư khư ôm theo, thật khó thể chấp nhận.   

Thực tế, việc xem xét tiến tới chấm dứt vai trò lịch sử của sổ hộ khẩu đã được Quốc hội và Chính phủ đặt ra từ hơn chục năm trước. Nhưng vì nhiều lý do, mãi đến thời điểm này chế độ hộ khẩu mới chính thức chấm dứt.

Việc chấm dứt sổ hộ khẩu, có thể sánh ngang với việc bãi bỏ chế độ tem phiếu thời trước. Một dấu ấn lịch sử, với Chính phủ kiến tạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc!

MỚI - NÓNG