Xin chữ ông đồ mới, nhớ ông đồ xưa…

Ông đồ Vũ Ngọc Kỳ giải thích về ý nghĩa của chữ trước khi viết cho khách du xuân.
Ông đồ Vũ Ngọc Kỳ giải thích về ý nghĩa của chữ trước khi viết cho khách du xuân.
TP - Tuy ở tuổi thất thập, nhưng nhà thư pháp Nam Phương Vũ Ngọc Kỳ vẫn nhận mình là ông đồ mới. Ông là cháu ruột nhà thơ Vũ Đình Liên, tác giả bài thơ “Ông đồ” nổi tiếng năm xưa. Đầu xuân xin chữ ông đồ Vũ Ngọc Kỳ, được nghe bài thơ do ông sáng tác để họa lại bài “Ông đồ” xưa của bác mình - thấy sắc xuân phới bay…

Dịp Tết năm nay, đến khu vực Văn Miếu-Quốc Tử Giám du xuân, tôi thấy khá nhiều người ngồi chờ để xin chữ một ông đồ vận áo the khăn xếp, râu tóc bạc phơ đang ngồi bên bàn nghiên bút với mực tàu, giấy đỏ. Cũng muốn xin chữ cho con nên tôi lại gần và biết ông đồ là nhà thư pháp Vũ Ngọc Kỳ với bút hiệu Nam Phương. Khi biết thêm ông là cháu ruột cụ Vũ Đình Liên, tôi bất giác nhớ đến những vần thơ nổi tiếng của bài “Ông đồ”: “Mỗi năm hoa đào nở/Lại thấy ông đồ già/Bày mực tàu giấy đỏ/Bên phố đông người qua”. Cảnh sắc tươi vui ngập tràn sắc xuân được nhà thơ Vũ Đình Liên mô tả trong bài thơ “Ông đồ” có từ thế kỷ trước nay lại thấy tái hiện trên đất Hà thành.

Xin chữ ông đồ mới, nhớ ông đồ xưa… ảnh 1 Hai bài thơ “Ông đồ” và “Gặp ông đồ mới, nhớ ông đồ xưa” được ông Vũ Ngọc Kỳ 
in lại.

Tuy khách đông nhưng ông đồ Vũ Ngọc Kỳ không tỏ ra vội vã, mà trước khi viết chữ ông dành khá nhiều thời gian để giải thích ý nghĩa của chữ mình sẽ viết. Dưới chữ chính được viết, ông còn viết thêm một số chữ phụ hoặc thơ để bổ trợ. Tới lượt con tôi tới xin chữ, sau khi trò chuyện với cháu, ông đồ Vũ Ngọc Kỳ tặng chữ “Học”. Bên dưới, ông viết thêm: Học nhi hữu trí/Bộ bộ đăng cao/Hiếu học minh đạo/Trí dũng song toàn/Đức tài hội tụ”, và giải thích: “Học nhi hữu trí nghĩa là học có ý chí; bộ bộ đăng cao là tiến từng bước vững chắc; hiếu học minh đạo là chăm học cái đạo sáng”. Rồi ông kết lại: “Tôi tặng chữ Học có ý nghĩa muốn cháu chăm học, để có được cái đạo sáng”.

Khi trò chuyện cùng ông Vũ Ngọc Kỳ, tôi đã nhắc đến bài thơ “Ông đồ” của nhà thơ, nhà giáo nhân dân Vũ Đình Liên. Ông bèn chia sẻ rằng bài thơ đó của bác ruột đã tạo niềm cảm hứng cho ông, khiến sau này quyết đi học chữ để trở thành một ông đồ. Càng học, ông mới hiểu ra rằng để viết thành công một bức thư pháp thì người viết phải am tường về triết lý nhân sinh, về ý nghĩa của từng con chữ với cuộc đời… Ông theo nghiệp này không vì mục đích kiếm sống mà để thỏa mãn niềm đam mê thư pháp, một thú chơi tao nhã vừa để tự răn mình, và để làm đẹp cho đời. Vì vậy, nhiều năm qua, cứ mỗi độ trung tuần tháng Chạp là ông đồ Vũ Ngọc Kỳ lại chuẩn bị mực tàu, giấy đỏ đến một gian hàng trên phố Văn Miếu để ngồi viết thư pháp. Với bút danh Nam Phương, ông hy vọng có thể đem chút hương thơm của trời nam đến với những người trọng con chữ, yêu thư pháp, và cũng để lấy may dịp đầu xuân…

Đề cập đến bài thơ “Ông đồ”, ông Vũ Ngọc Kỳ nhận xét đó là một trong những bài thơ tiêu biểu của phong trào thơ mới. Bài thơ chỉ có vẻn vẹn hai mươi câu nhưng đã làm sống lại hình ảnh đẹp của ông đồ xưa, đồng thời cũng pha nỗi xót xa khi một truyền thống đẹp của dân tộc đã phần nào bị mai một khi nền văn hóa phương Tây du nhập vào nước ta. Đề cập đến điều này, ông Vũ Ngọc Kỳ đọc những vần thơ buồn trong bài “Ông đồ”: “Nhưng mỗi năm mỗi vắng/Người thuê viết nay đâu/Giấy đỏ buồn không thắm/Mực đọng trong nghiên sầu… Năm nay đào lại nở/Không thấy ông đồ xưa/Những người muôn năm cũ/Hồn ở đâu bây giờ?”. Rồi chia sẻ: “Hình ảnh ông đồ xưa tưởng chỉ còn trong thơ nhưng thời gian qua đã xuất hiện trở lại. Cảm hứng trước điều này, tôi đã viết bài thơ “Gặp ông đồ nay nhớ ông đồ xưa” để họa lại bài “Ông đồ”. Và ông đọc tôi nghe một phần bài thơ trước khi chia tay: “Hôm nay đi chợ tết/Bỗng gặp lại ông đồ/Bao lâu rồi vắng bóng/Tưởng chỉ còn trong thơ/Vẫn mực tàu giấy đỏ/Bên phố đông người qua/Ngọn bút vờn trên giấy/Thư pháp quả tài hoa…Nét văn hóa dân tộc/Tự nghìn xưa đến giờ/Đón xuân bên câu đối/Thắp sáng bao ước mơ”.

Hai bài thơ của hai bác cháu mang hai niềm tâm sự ở hai thời đại, nhưng đều chung sự mong mỏi bảo tồn văn hóa truyền thống, để mang lại nét đẹp cho đời.   

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ tháng. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10. 
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.