Xét xử vụ gian lận thi ở Hòa Bình: Trưởng phòng an ninh có hối lộ 500 triệu đồng?

Các bị cáo tại TAND tỉnh Hòa Bình
Các bị cáo tại TAND tỉnh Hòa Bình
TP - Thành viên tổ chấm thi khai được trưởng phòng an ninh đưa 500 triệu đồng vì giúp nâng điểm cho thí sinh là con em trong ngành. Tuy nhiên, vị sĩ quan này bác bỏ, nói chỉ nhờ xem điểm trước cho 5 trường hợp.   

Không phạm tội vì nâng điểm lần đầu

Ngày 11/5, TAND tỉnh Hòa Bình bắt đầu xét xử 15 bị cáo trong vụ án gian lận điểm thi THPT Quốc gia các năm 2017 - 2018. Có 14 người cùng bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Tòa án cũng triệu tập nhiều cán bộ giáo dục với vai trò người liên quan gồm ông Bùi Trọng Đắc - nguyên GĐ Sở GD&ĐT. Ông Đắc bị kỷ luật cách chức năm 2019 vì thiếu trách nhiệm, để xảy ra sai phạm thi cử. Dự kiến, phiên tòa diễn ra trong 7 ngày.

Theo truy tố, trong kỳ thi THPT quốc gia tại Hòa Bình, bị cáo Nguyễn Quang Vinh - nguyên Trưởng phòng Khảo thí Sở GD&ĐT tỉnh Hòa Bình đã cùng các bị cáo khác can thiệp bài làm theo hướng nâng điểm cho 65 thí sinh, gồm 64 em dự thi năm 2018 và 1 em thi năm 2017. Căn cứ nguyện vọng của thí sinh, các bị cáo sẽ nâng theo quy tắc, cần đỗ tốt nghiệp phải có tổng 4 môn trên 20 điểm; đỗ đại học tổng 3 môn từ 23 - 35 điểm; vào trường công an, quân đội tổng 3 môn từ 26 - 27 điểm; xét tuyển vào trung cấp công an, 3 môn đạt từ 23 - 24 điểm.

Trong vụ án, bị can Hồ Chúc - nguyên giáo viên Trường THPT Thanh Hà đã đưa 300 triệu đồng cho Đỗ Mạnh Tuấn - nguyên Phó hiệu trưởng Trường nội trú THCS và THPT huyện Lạc Thủy kiêm ủy viên Tổ chấm thi trắc nghiệm để nâng điểm cho 2 thí sinh. Vì vậy, Chúc bị truy tố về tội “Đưa hối lộ”, Tuấn còn bị truy tố về tội “Nhận hối lộ”. Ngoài ra, Tuấn khai đã nhận từ Khương Ngọc Chất - nguyên Trưởng phòng An ninh chính trị nội bộ Công an Hòa Bình 500 triệu đồng khi nâng điểm cho 2 thí sinh; nhận từ Đào Ngọc Thuật - nguyên giáo viên Trường THPT Mường Bi 250 triệu đồng vì giúp đỡ 4 thí sinh. Tuy nhiên, phía điều tra cho rằng chưa đủ cơ sở xử lý các bị cáo Thuật và Chất về hành vi đưa hối lộ.

Trong vụ án, cơ quan truy tố cho rằng có hàng loạt cán bộ khác liên quan chẳng hạn như 18 cán bộ chấm thi có hành vi trực tiếp chấm nâng điểm 20 bài thi tự luận môn Ngữ Văn, ký hợp thức kết quả gian lận cho 20 thí sinh. Phía điều tra cho rằng 18 cán bộ này không vụ lợi, làm theo chỉ đạo và sai phạm lần đầu… nên kiến nghị xử lý hành chính.

Tranh cãi tiền hối lộ

Tại phần thủ tục, bị cáo Khương Ngọc Chất đề nghị tòa triệu tập các thí sinh và phụ huynh có con được nâng điểm. Luật sư của bị cáo này cho biết thêm, tòa án chỉ triệu tập 38/58 trường hợp được nâng điểm thi môn trắc nghiệm. Trong vụ án, ông Chất bị xác định đã móc nối, nhờ nâng điểm cho 10 thí sinh và sau đó chuyển “quà” 500 triệu đồng từ gia đình 2 em cho bị cáo Đỗ Mạnh Tuấn. Tuy vậy, cựu trưởng phòng an ninh không thừa nhận, nói chỉ nhờ xem điểm trước cho 5 thí sinh.

Xét xử vụ gian lận thi ở Hòa Bình: Trưởng phòng an ninh có hối lộ 500 triệu đồng? ảnh 1 Bị cáo Khương Ngọc Chất kêu oan, nói chỉ nhờ nâng điểm cho 5 thí sinh

Cũng tại tòa, bị cáo Đỗ Mạnh Tuấn khai được Nguyễn Quang Vinh chỉ đạo nâng điểm và sau đó, nhiều đồng nghiệp, người quen của Tuấn cũng nhờ bị cáo giúp đỡ. Nguyên hiệu phó trình bày: “Lúc đó, bị cáo không nghĩ nghiêm trọng, đơn thuần là sai theo quy chế thi và nếu phát hiện chỉ bị xử lý hành chính. Anh Vinh đã mở lời… bị cáo nghĩ không đồng ý vẫn phải làm”. Ngoài ra, Tuấn cho biết Khương Ngọc Chất cũng gặp mình, nói có 10 thí sinh cần nâng điểm và số này là “con em trong ngành”.

Tuấn khai, bị cáo đề nghị Khương Ngọc Chất tác động để lực lượng công an làm nhiệm vụ ở nơi chấm thi buông lỏng giám sát. Nâng điểm xong, Đỗ Mạnh Tuấn được Chất đưa cho 500 triệu đồng như sau: “Mỗi người đi ô tô của mình. Bị cáo xuống, sang mở cửa xe anh Chất. Anh đưa túi màu đen rồi không nói gì, đi luôn và bị cáo cũng về xe của mình. Trong túi có 500 triệu, bị cáo đưa vợ giữ hộ và đến nay chưa nộp cho cơ quan điều tra”. Bị cáo này nói thêm, từng gọi điện hỏi Chất tại sao đưa nhiều tiền và xin trả lại nhưng sĩ quan an ninh nói “cứ cầm đã”.

Tiếp đến, Đỗ Mạnh Tuấn thừa nhận được bị cáo Hồ Chúc hẹn ra một quán cà phê, đưa cho một túi đen và nói đây là quà của gia đình các em cảm ơn; trong túi này có 300 triệu đồng. Ngoài ra, Tuấn khẳng định sau khi chấm thi xong, Đào Ngọc Thuật gọi mình lên đỉnh dốc Cun (dốc cao, vắng người gần TP Hòa Bình). Tuấn kể: “Bị cáo lên xe của anh Thuật, anh từ ghế lái xuống ghế sau và đưa cho bị cáo bọc nilon, nói gia đình học sinh có chút quà cảm ơn. Về bị cáo mở ra thấy 250 triệu đồng”.

Cũng theo Đỗ Mạnh Tuấn, khi sự việc bị phát hiện, Tuấn đã gọi cho ông Khương Ngọc Chất và được dặn: “Cứ bình tĩnh, bọn anh sẽ cố gắng lo. Anh Chất nhắc bị cáo đừng khai ra mối quan hệ giữa bị cáo và anh, nói nếu cơ quan điều tra có hỏi các cuộc điện thoại với anh phải nói là điện thoại trao đổi về hoa lan”. Đỗ Mạnh Tuấn cho biết thời điểm đó cũng tìm gặp Nguyễn Quang Vinh để trình bày nỗi lo. “Anh Vinh nói các em cứ bình tĩnh, có gì ở ngoài các anh lo. Bị cáo nghĩ lo ở đây là chèo chống vụ việc”. Đỗ Mạnh Tuấn khai.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.