Xét xử vụ Đồng Tâm: Nhiều bị cáo khai tham gia chống đối để được chia đất

Bị cáo Bùi Viết Hiểu xin lỗi vì có lời khai không đúng về nguồn gốc đất
Bị cáo Bùi Viết Hiểu xin lỗi vì có lời khai không đúng về nguồn gốc đất
TP - Nhiều bị cáo khai không nắm được chính sách về đất đai, tham gia “Tổ đồng thuận” và có hành vi chống đối, giết người bắt nguồn từ lời hứa hẹn chia quyền lợi nếu “đòi” được đất quốc phòng.  

Ngày 8/9, TAND TP Hà Nội tiếp tục xét hỏi 29 người trong vụ án “Giết người”, “Chống người thi hành công vụ” xảy ra tại  xã Đồng Tâm (Mỹ Đức, Hà Nội). Theo cáo trạng, đất Đồng Sênh ở Đồng Tâm là đất quốc phòng nhưng ông Lê Đình Kình (SN 1936) cùng một số bị cáo trong vụ án thành lập “Tổ đồng thuận” nhằm lấn chiếm, sử dụng. Nhóm này nhiều lần chống đối cơ quan chức năng, bắt giữ công an, cán bộ...

Sáng 9/1, khi cảnh sát vào thôn Hoành bảo vệ các mục tiêu đã bị “Tổ đồng thuận” ném bom xăng, lựu đạn, dùng dao tấn công… Bị cáo Lê Đình Chức (SN 1980, con trai ông Kình) khai tại tòa, khi 3 chiến sĩ bị rơi xuống hố, Chức dùng tuýp sắt gắn dao nhọn chọc xuống liên tiếp rồi nhiều lần đổ xăng, thiêu họ đến tử vong.

Trả lời hội đồng xét xử, bị cáo Mai Thị Phần (SN 1963) thừa nhận có góp 2 triệu đồng để mua lựu đạn nhưng trong đó chỉ 500 nghìn đồng của mình, còn lại của nhiều người khác nên mong tòa xem xét giảm nhẹ. Bà Phần khai được Lê Đình Kình nhờ làm thủ quỹ, cầm tiền của “Tổ đồng thuận”.

“Ông Kình nói đất của mình, phải cố giữ rồi sẽ chia cho mỗi người được 200m2, tức khoảng hơn 1 tỷ đồng, nên tôi đồng ý… Giờ đây tôi đã thấy hành vi của mình là sai trái” - bị cáo này nói. Tương tự, bị cáo Bùi Viết Tiến (SN 2000) khai tham gia “Tổ đồng thuận” vì được hứa khi đòi xong đất sẽ chia cho tất cả mọi người. Tiến cũng thừa nhận đã dùng dao chống đối cảnh sát vào rạng sáng 1/9.

Tại tòa, bị cáo Bùi Viết Hiểu (SN 1943) xin được khai báo lại vì vào chiều 7/9 đã nói đất Đồng Sênh là đất nông nghiệp. Ông Hiểu thay đổi lời khai, nói: “Xin lỗi chủ tọa vì chiều hôm qua tôi khai về nguồn gốc đất từ 1981 là quá lạc hậu vì từ 1990, chính sách đất đai thay đổi nhiều nhưng bị cáo không biết. Bị cáo thấy hành vi, lời nói của mình sai, bị cáo không theo kịp tình hình nên không nắm được. Mong chủ tọa đánh kẻ chạy đi, không đánh người chạy lại, cho bị cáo hưởng khoan hồng”.

Nhiều bị cáo khác khi trả lời thẩm vấn của hội đồng xét xử cũng đều khẳng định đã nhận ra sai lầm, gửi lời xin lỗi gia đình các cán bộ, chiến sĩ hi sinh và mong được giảm nhẹ hình phạt. Bị cáo Nguyễn Quốc Tiến (SN 1980) - người mua 10 quả lựu đạn về cho cả nhóm sử dụng nói: “Bị cáo đã ăn năn, hối cải và thành tâm xin lỗi gia đình 3 chiến sĩ”.

Bị cáo Trần Thị Phượng bị truy tố về tội “Chống người thi hành công vụ” cũng nhận tội, nói: “Bị cáo nhận thức hành vi của mình là sai, mong tòa giảm nhẹ để sớm trở về với con. Con bị cáo còn nhỏ rất cần mẹ. Bị cáo không gây ra cái chết cho 3 chiến sĩ nhưng cũng mong gia đình họ tha thứ...”.

Hôm nay, Tòa tiếp tục làm việc.

Các sĩ quan, chiến sĩ hi sinh tại Đồng Tâm gồm Nguyễn Huy Thịnh, Phạm Công Huy, Dương Đức Hoàng Quân. Đại diện 3 gia đình của các cán bộ, chiến sĩ được quyền đề nghị mức hình phạt và tiền bồi thường với các bị cáo, nhưng họ chỉ mong tòa giải quyết theo pháp luật và không đưa ra yêu cầu bồi thường dân sự.

MỚI - NÓNG