Xét xử vụ Đồng Tâm: Bị cáo cắn rứt, xin được khoan hồng

Các bị cáo trong vụ án
Các bị cáo trong vụ án
TP - Hai chú cháu bị cáo đâm dao, đổ xăng xuống hố khiến 3 cảnh sát tử vong nói rằng, họ rất hối hận, cắn rứt khi nghĩ về con nhỏ của liệt sĩ. Dù có bị phạt tử hình hay không, bị cáo mong gia đình các anh tha thứ để lương tâm được thanh thản phần nào.

Luật sư của bị hại phản đối thực nghiệm hiện trường

Ngày 10/9, TAND TP Hà Nội tiếp tục xét xử vụ án “Giết người”, “Chống người thi hành công vụ” xảy tại Đồng Tâm (Mỹ Đức, Hà Nội). Tại tòa, luật sư Nguyễn Hồng Bách được trình bày quan điểm bảo vệ gia đình 3 cảnh sát hi sinh tại Đồng Tâm gồm các anh Nguyễn Huy Thịnh, Phạm Công Huy, Dương Đức Hoàng Quân. Theo cáo trạng, ngày 9/1, các anh cùng đồng đội vào thôn Hoành (Đồng Tâm) để bảo vệ mục tiêu. Tuy nhiên, các bị cáo đã chống trả lực lượng chức năng. Thậm chí, khi 3 cảnh sát ngã xuống hố, các bị cáo chọc tuýp sắt gắn dao nhọn xuống rồi nhiều lần đổ xăng thiêu họ tử vong một cách man rợ, đến mức than hóa toàn thân.

Thay mặt các bị hại, luật sư Bách bác bỏ quan điểm của một số luật sư của bị cáo khi cho rằng các nạn nhân không thực thi công vụ khi vào thôn Hoành. Ông Bách nói: “Tôi khẳng định 3 khách hàng của tôi đã thực thi công vụ được giao, theo kế hoạch 419A chính các luật sư nêu ra… Sau khi họ hi sinh, Đảng, Nhà nước đã xem xét thành tích của các anh, các anh được thăng quân hàm vượt cấp... Nếu là tội phạm, họ có được ghi nhận công lao hay không?”. 

Luật sư Bách cũng không đồng ý việc một số luật sư đề nghị phải thực nghiệm điều tra và dựng lại hiện trường vụ án: “Có luật sư cho rằng xuất hiện 2 bình khí CO2 đã cháy ở dưới hố, nghi ngờ đây là nguyên nhân cái chết của 3 liệt sĩ. Luật sư Đặng Đình Mạnh, Lê Văn Luân nêu ra vấn đề này, tôi thấy đau nhói trong tim. Chúng ta có thể dựng lại hiện trường 1 vụ giết người tàn bạo như vậy hay không? Ai là người dám chui vào cái hố đó, cho người khác đổ xăng lên? Nói 2 bình khí mà dẫn tới cái chết của 3 chiến sĩ tôi không đồng ý… Trường hợp này, chúng ta không nên thực nghiệm, như thế sẽ gợi lại nỗi đau của gia đình thân nhân”.

Đại diện các bị hại cũng đề nghị tòa không trả hồ sơ điều tra như đề nghị từ một số luật sư của các bị cáo. Luật sư Bách nói: “Tôi thấy không nên kéo dài nỗi đau bị hại phải gánh chịu ở giai đoạn vừa qua… Nếu trả lại hồ sơ, vụ án chưa thể khép lại, các cơ quan tố tụng bắt đầu từ điều tra với tội giết người của 25 bị cáo nhưng hiện tại, viện kiểm sát đã chuyển tội của 19 người sang cố ý gây thương tích. Việc này tốt hơn cho các bị cáo và tôi tin họ mong muốn như vậy. Nếu trả hồ sơ, các bị cáo sẽ tiếp tục bị giam, những người được đề nghị án treo sẽ phải ngồi tù và như vậy không có lợi cho họ”.

 Xin giảm nhẹ hình phạt

Nói lời sau cùng, bị cáo Lê Đình Chức - người bị buộc tội cùng cháu là Lê Đình Doanh đổ xăng, hắt lửa vào 3 cảnh sát - gửi lời xin lỗi gia đình các liệt sĩ. Bị đề nghị án tử hình, Chức nói: “Bị cáo sau này có được sống trở về hay phải chết, bị cáo cũng mong gia đình 3 chiến sĩ tha thứ để lương tâm bị cáo được thanh thản phần nào… Xin tòa xem xét hoàn cảnh gia đình bị cáo, chỉ xin tòa cho bị cáo được cơ hội thắp một nén hương cho bố (tức ông Lê Đình Kình, tử vong ngày 9/1), nhìn mặt con mới sinh một lần”.

Đến lượt mình, Lê Đình Doanh quay xuống hàng ghế bị hại, nhìn những người bố mất con, vợ mất chồng và nói: “Em, cháu xin lỗi”. Doanh trình bày: “Bị cáo thấy cắn rứt lương tâm rất nhiều khi nghĩ về con gái đồng chí Huy, cháu còn quá nhỏ chưa biết gì nhưng sau cháu lớn lên mới hiểu phải chịu nỗi đau không gì bù đắp được, không thể hưởng sự yêu thương, bao bọc của bố”. Lê Đình Doanh cho hay, trong quá trình bị tạm giam đã nhận rõ tội lỗi, xin các luật sư không cần bào chữa cho mình. Bị cáo này cũng mong tòa cho hưởng khoan hồng để sớm trở về với vợ con, thành công dân có ích.

Tương tự, bị cáo Lê Thị Loan vừa khóc vừa nói: “Tôi chỉ phạm tội chống người thi hành công vụ, không liên quan đến cái chết nhưng cũng xin lỗi gia đình 3 chiến sĩ, những người thời bình mà hi sinh như thời chiến. Tôi có bố hi sinh trong chiến tranh, tôi không biết mặt bố mình nên tôi hiểu nỗi đau của cháu bé con đồng chí cảnh sát… Tôi xin tòa giảm nhẹ hình phạt để tôi có thể trở về, đi tìm xương cốt cha tôi”.

Bố của Lê Đình Doanh tức bị cáo Lê Đình Công cũng mong được hưởng khoan hồng, xin tòa án chuyển tội danh cho mình từ “Giết người” sang “Chống người thi hành công vụ” với mức án nhẹ hơn. “Nghe tin 3 chiến sĩ hi sinh, bị cáo vô cùng hối hận, ăn năn. Kính mong HĐXX, kiểm sát viên xem xét cho bị cáo hưởng khoan hồng… để có cơ hội trở về với gia đình, thành công dân tốt, giáo dục con em chấp hành đúng pháp luật” - Lê Đình Công nói.

Cũng nói lời sau cùng, bị cáo Nguyễn Quốc Tiến thừa nhận đã mua lựu đạn, xăng để chống đối cảnh sát theo chỉ đạo của Lê Đình Công nhưng xin mức án nhẹ nhất vì không phải chủ mưu và bị lôi kéo, kích động. Được nói với bị hại, Tiến trình bày: “Thưa 3 gia đình, tôi không trực tiếp hãm hại 3 đồng chí nhưng có lỗi vì có mặt ở đó. Tôi nhận thức hành vi phạm tội của mình và rất hối hận. Tôi đã nhờ cán bộ điều tra nhắn tới vợ tôi là bị cáo Đào Thị Kim hỏi thăm gia đình 3 chiến sĩ nhưng trong thời gian đó, vợ tôi cũng bị bắt. Vì vậy, tôi chỉ biết thành tâm mong 3 gia đình tha thứ cho tôi”.

Chủ tọa cho biết, Tòa sẽ tuyên án vào 15h ngày 14/9.     

Xét xử vụ Đồng Tâm: Bị cáo cắn rứt, xin được khoan hồng ảnh 1 Lê Đình Chức nói dù bị tử hình cũng  mong được 3 gia đình liệt sĩ tha thứ

Bị cáo Lê Thị Loan vừa khóc vừa nói: “Tôi chỉ phạm tội chống người thi hành công vụ, không liên quan đến cái chết nhưng cũng xin lỗi gia đình 3 chiến sĩ, những người thời bình mà hi sinh như thời chiến. Tôi có bố hi sinh trong chiến tranh, tôi không biết mặt bố mình nên tôi hiểu nỗi đau của cháu bé con đồng chí cảnh sát… Tôi xin tòa giảm nhẹ hình phạt để tôi có thể trở về, đi tìm xương cốt cha tôi”.

MỚI - NÓNG