Phản đối dựng lại hiện trường vụ Đồng Tâm vì không thể và quá dã man

Trong vụ, có 19 bị cáo được chuyển tội danh nhẹ hơn, nhiều người được đề nghị án treo.
Trong vụ, có 19 bị cáo được chuyển tội danh nhẹ hơn, nhiều người được đề nghị án treo.
TPO - “Chúng ta có thể dựng lại hiện trường 1 vụ giết người tàn bạo như vậy hay không? Ai là người dám chui vào cái hố đó cho người khác đổ xăng lên?” – luật sư của gia đình 3 chiến sĩ hi sinh ở Đồng Tâm nói.

Ngày 10/9, tại TAND TP Hà Nội, luật sư của gia đình 3 cảnh sát hi sinh tại Đồng Tâm (Mỹ Đức, Hà Nội) được trình bày quan điểm về vụ án. Các anh gồm Nguyễn Huy Thịnh, Phạm Công Huy, Dương Đức Hoàng Quân.

Theo cáo trạng, 3 cảnh sát cùng đồng đội thực hiện nhiệm vụ cấp trên giao khi tiến vào thôn Hoành (Đồng Tâm) để bảo vệ mục tiêu. Tuy nhiên, 29 bị cáo trong vụ đã chống trả lực lượng chức năng. Thậm chí, khi 3 cảnh sát ngã xuống hố, các bị cáo Lê Đình Chức, Lê Đình Doanh đã chọc tuýp sắt gắn dao nhọn xuống rồi nhiều lần đổ xăng thiêu họ hi sinh một cách man rợ, đến mức than hóa toàn thân.

Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho 3 cố cảnh sát, luật sư Nguyễn Hồng Bách đồng tình việc Viện KSND TP Hà Nội chuyển tội danh cho 19 bị cáo trong vụ từ “Giết người” sang “Chống người thi hành công vụ”.

Ngược lại, luật sư Bách bác bỏ quan điểm của một số luật sư bào chữa cho các bị cáo khi đề nghị công bố kế hoạch đảm bảo an ninh, bảo vệ cán bộ, người dân tại Đồng Tâm trước, trong và sau 9/1.

“Khi đưa ra đề nghị, phải xem xét các quy định của pháp luật liên quan thế nào” – ông Bách nói. Vị luật sư dẫn Pháp lệnh Bảo vệ bí mật Nhà nước, Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước và các văn bản liên quan đều cho thấy kế hoạch bảo vệ này thuộc danh mục bí mật, không thể công bố công khai.

Luật sư Bách tiếp tục phân tích: “Một số luật sư hỏi lực lượng này vào thôn Hoành có hợp pháp hay không? Tôi khẳng định 3 cảnh sát hi sinh đã thực thi công vụ theo kế hoạch 419A được giao. Sau khi các chiến sỹ hi sinh, Đảng và Nhà nước đã xem xét thành tích của các anh, các anh được thăng quân hàm vượt cấp... Nếu là tội phạm, họ có được ghi nhận công lao hay không?”.

Luật sư Nguyễn Hồng Bách cũng không đồng ý việc một số luật sư đề nghị phải thực nghiệm điều tra và dựng lại hiện trường vụ án, nói: “Một số luật sư cho rằng, có 2 bình khí CO2 đã cháy ở dưới hố, nghi ngờ nguyên nhân hi sinh của 3 liệt sĩ công an. Tôi cho rằng cần nhìn nhận lại”.

“Luật sư Đặng Đình Mạnh, Lê Văn Luân nêu ra vấn đề này, tôi thấy đau nhói trong tim. Chúng ta có thể dựng lại hiện trường 1 vụ giết người tàn bạo như vậy hay không? Ai là người dám chui vào cái hố đó, cho người khác đổ xăng lên?” – luật sư Nguyễn Hồng Bách nêu quan điểm.

Vị này tiếp tục: “Nói 2 bình khí mà khiến 3 chiến sĩ hi sinh, tôi không đồng ý. Biển lửa trong hố đó cướp đi tính mạng của 3 chiến sĩ, có anh cháy trơ xương liệu có sống được không? Không phải bất kỳ trường hợp nào cũng phục dựng, tái dựng hiện trường và thực nghiệm điều tra. Trường hợp này, chúng ta không nên thực nghiệm, như thế sẽ gợi lại nỗi đau của gia đình thân nhân”.

Phản đối dựng lại hiện trường vụ Đồng Tâm vì không thể và quá dã man ảnh 1

Đại diện gia đình 3 bị hại tại tòa. Ảnh chụp qua màn hình.

Ở phía dưới nghe luật sư nói, đại diện gia đình 3 bị hại, những ông bố, bà mẹ mất con, người vợ mất chồng ôm mặt khóc.

Đại diện các bị hại cũng đề nghị tòa không trả hồ sơ điều tra như đề nghị của một số luật sư của các bị cáo. Ông Bách nói: “Tôi thấy không nên kéo dài nỗi đau bị hại phải gánh chịu ở giai đoạn vừa qua… Nếu trả lại hồ sơ, vụ án chưa thể khép lại, các cơ quan tố tụng bắt đầu từ điều tra với tội giết người với 25 bị cáo. Viện kiểm sát đã chuyển tội của 19 người, tốt hơn, đẹp hơn cho các bị cáo và tôi tin các bị cáo mong muốn như vậy. Nếu trả hồ sơ, các bị cáo sẽ tiếp tục bị giam, những người được đề nghị án treo sẽ phải ngồi tù và như thế không có lợi cho các bị cáo”.

Luật sư Nguyễn Hồng Bách cũng nêu vấn đề ăn năn, hối cải của các bị cáo, ông nói: “Thay mặt gia đình bị hại, tôi cảm ơn các luật sư đồng nghiệp đã chia sẻ, thay mặt bị cáo xin lỗi gia đình bị hại. Tôi có một số ý kiến như sau, chúng ta làm gì cũng phải xuất phát từ cái tâm, tôi đã hỏi các bị cáo và chính chủ tọa phiên tòa cũng nói chưa nhận được biên lai nào khắc phục hậu quả của các bị cáo ở đây. Một lời thăm hỏi, động viên, chia sẻ trước phiên tòa cũng chưa hề có. Không một đồng đền bù, chưa một nén nhang kể cả từ người thân của các bị cáo cũng không có, cháu 6 tháng tuổi con của bị hại chưa được 1 giọt sữa nào từ gia đình các bị cáo. Chúng ta thấy rằng, hành vi này, nỗi đau này được chia sẻ hay chưa?”.

MỚI - NÓNG