Xét xử vụ Công ty Nhật Cường: Đề nghị án tù đối với 14 bị cáo, tiếp tục giữ hàng hóa

0:00 / 0:00
0:00
Các bị cáo trong vụ án
Các bị cáo trong vụ án
TP - Kiểm sát viên đề nghị phạt tù 14 bị cáo vì có hành vi giúp sức cho ông chủ Công ty Nhật Cường buôn lậu số thiết bị trị giá hàng nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, cần tiếp tục tạm giữ hàng hóa của doanh nghiệp này để đảm bảo thi hành án.

Hệ thống Nhật Cường nhập hàng từ Trung Quốc

Ngày 6/5, TAND TP Hà Nội tiếp tục xét xử vụ án “Buôn lậu”, “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Cty TNHH Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường (Công ty Nhật Cường)

Tại tòa, kiểm sát viên thực hành quyền công tố cho rằng, từ năm 2014 đến 2019, Tổng Giám đốc Công ty Nhật Cường là Bùi Quang Huy (đang bỏ trốn) đã chỉ đạo các bị cáo mua 255.311 sản phẩm điện thoại di động, máy tính bảng, đồng hồ… với tổng trị giá 2.927 tỷ đồng từ 16 đầu nậu tại Hồng Kông, Trung Quốc.

Tài liệu từ Cục Thuế Hà Nội thể hiện, giai đoạn 2014 - 2018, Công ty Nhật Cường có tổng tài sản hơn 503 tỷ đồng; tổng lợi nhuận trước thuế hơn 4.889 tỷ đồng. Tuy nhiên, hệ thống bí mật ERP do Bùi Quang Huy và đồng phạm sử dụng thể hiện giai đoạn 2014- 2018, doanh nghiệp này có tổng tài sản hơn 883 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế lên tới 8.274 tỷ đồng.

Bị can Huy cũng thuê các đường dây vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới hoặc sân bay Nội Bài. Hàng lậu sau đó được Công ty Nhật Cường bán lẻ và qua đây thu lợi bất chính 221 tỷ đồng. Theo kiểm sát viên, Bùi Quang Huy là người tổ chức, cầm đầu đường dây buôn lậu, các bị cáo khác giữ vai trò thực hành, giúp sức.

Ngoài ra, Bùi Quang Huy còn chỉ đạo nhân viên lập 2 hệ thống sổ sách kế toán gồm hệ thống ERP nội bộ để theo dõi số liệu thực tế và hệ thống Misa ghi nhận báo cáo tài chính, sổ sách kế toán để khai báo với cơ quan chức năng. Qua đó, Công ty Nhật Cường đã gây thiệt hại cho Nhà nước gần 30 tỷ đồng tiền thuế.

Người giữ quyền công tố cho rằng, việc vi phạm quy định về kế toán tại Công ty Nhật Cường còn nhằm mục đích che giấu hoạt động kinh doanh bất hợp pháp; tránh sự kiểm tra, phát hiện của cơ quan chức năng.

Kiểm sát viên nêu quan điểm, các bị cáo phạm tội vì động cơ kinh tế, muốn hưởng lợi bất chính. Vì vậy, phía truy tố đề nghị tòa án phạt tù các bị cáo, trong đó Trần Ngọc Ánh, Phó Tổng giám đốc Công ty Nhật Cường 15 - 16 năm tù, Bùi Quốc Việt - anh trai Bùi Quang Huy từ 7 - 8 năm tù cùng về tội “Buôn lậu”; Nguyễn -Bảo Ngọc, Giám đốc tài chính Công ty Nhật Cường 14 -16 năm tù về các tội “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng” và “Buôn lậu”; các bị cáo khác bị đề nghị từ 3 đến 14 năm tù. Ngoài ra, kiểm sát viên cho rằng cần tịch thu xung công các phương tiện phạm tội; tiếp tục tạm giữ hàng hóa của Công ty Nhật Cường để đảm bảo thi hành án.

2.500 tỷ đồng Công ty Nhật Cường chuyển cho tiệm vàng đã đi đâu?

Cũng tại tòa, bị cáo Nguyễn Bảo Ngọc, Giám đốc tài chính của Công ty Nhật Cường khai báo đã thuê 2 cửa hàng vàng tại Hà Nội thanh toán hơn 2.500 tỷ đồng cho các đầu nậu và đường dây vận chuyển hàng có địa chỉ nước ngoài. Trong đó, chuyển thanh toán 1.729 tỷ đồng qua tiệm vàng Lộc Phát (ở phố Hà Trung) gồm 1.212 tỷ đồng tiền mặt và hơn 607 tỷ đồng vào 21 tài khoản của 12 cá nhân trong nước. Tại tiệm Thuận Phát (ở phố Hàng Bạc), Công ty Nhật Cường chuyển hơn 795 tỷ đồng, gồm 487 tỷ đồng tiền mặt và 308 tỷ đồng vào 14 tài khoản cá nhân.

Người điều hành 2 cửa hàng trên xác nhận có nhận tiền của Công ty Nhật Cường bằng cả hình thức tiền mặt và chuyển khoản. Tuy nhiên, họ khai sau khi nhận tiền của doanh nghiệp này đã chuyển tiền cho các khách hàng trong nước nhưng không nhớ rõ đơn vị, cá nhân nào. Đại diện 2 tiệm vàng nêu trên không thừa nhận đã vận chuyển tiền ra nước ngoài.

Hiện tại, cơ quan điều tra chưa thu thập được tài liệu phản ánh việc chuyển tiền ra nước ngoài; Bùi Quang Huy, người trực tiếp liên hệ, thuê chuyển tiền cũng đang bỏ trốn nên phía điều tra sẽ xử lý hành vi này sau.

Tại toà, bà Bùi Thanh Phượng - người điều hành tiệm vàng Thuận Phát khai: có khách đến nhờ thu tiền hộ tại công ty này (Công ty Nhật Cường) nên tiệm vàng đứng ra giúp, thu xong khách sẽ trực tiếp đến lấy tiền mặt.

Nghe xong lời khai của bà Phượng, Chủ toạ Trần Nam Hà hỏi: “Trụ sở Công ty Nhật Cường và tiệm vàng Thuận Phát chỉ cách nhau có mấy bước chân, tại sao làm việc khó hiểu như vậy?”. Bà Phượng nói chính mình cũng không hiểu tại sao. Lập tức, chủ toạ tuyên bố, sẽ đề nghị cơ quan điều tra làm việc tiếp với bà Phượng cho rõ tại sao.

Đáng chú ý, trong vụ án, kết quả điều tra cũng xác định, Công ty Nhật Cường còn chuyển hơn 140 tỷ đồng tiền thanh toán cho các nhà cung cấp hàng lậu qua 28 chủ tài khoản trong nước.

28 người này khai, có nhận tiền từ Công ty Nhật Cường chuyển nhưng tài khoản của họ được đối tượng không biết rõ nhân thân, lai lịch mượn. Sau khi nhận tiền trong tài khoản, họ đã rút ra trả lại người mượn tài khoản; tất cả khẳng định không có quan hệ kinh tế với Công ty Nhật Cường hoặc Bùi Quang Huy. Phía điều tra cho rằng không có căn cứ xem xét trách nhiệm hình sự với những cá nhân này.

Cơ quan tố tụng cũng xác định, Công ty Nhật Cường có dấu hiệu rửa tiền nhưng do Bùi Quang Huy bỏ trốn nên đã ra quyết định đình chỉ điều tra hình sự với bị can này, khi nào bắt được sẽ xử lý theo quy định.

MỚI - NÓNG
Vụ xe cẩu cắm đầu xuống mương tránh ô tô 16 chỗ vượt ẩu: Giây phút quyết định sự sống còn của lái xe
Vụ xe cẩu cắm đầu xuống mương tránh ô tô 16 chỗ vượt ẩu: Giây phút quyết định sự sống còn của lái xe
TPO - "Sau khi nghe tiếng nổ, chạy ra và thấy người lái xe bị mắc kẹt trong ca bin ô tô gặp nạn đang giơ tay lên như kêu cứu, tôi liền hô hào người dân xung quanh đến cậy cửa giải cứu tái xế,... rất may nạn nhân còn sống”, chị Hà Thị Chiên – nhân chứng vụ tai nạn kể lại.