Xét xử vụ án xảy ra tại BIDV: Tách hồ sơ nhiều đơn vị liên quan

Các bị cáo trong ngày hầu tòa đầu tiên
Các bị cáo trong ngày hầu tòa đầu tiên
TP - Theo truy tố, các bị cáo gây thất thoát cho BIDV, ngân hàng trên 80% vốn Nhà nước, số tiền 1.664 tỷ đồng. Ngoài ra, ngân hàng Quân đội, Hoàng Anh Gia Lai, Cty Phú Sơn… cùng nhiều đơn vị liên quan bị xác định có vi phạm nhưng được tách hồ sơ điều tra.

Ngày 26/10, TAND TP Hà Nội xét xử vụ “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng”, “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV), Cty CP chăn nuôi Bình Hà, Cty TNHH thương mại và dịch vụ Trung Dũng.

Theo truy tố, giai đoạn 2011 - 2016, ông Trần Bắc Hà - cố Chủ tịch BIDV đã lợi dụng chức vụ, yêu cầu cấp dưới cho doanh nghiệp sân sau của mình là Cty CP Chăn nuôi Bình Hà vay tiền trái quy định gây thiệt hại 799 tỷ đồng. Ông Hà cũng giúp Cty TNHH Thương mại và Du lịch Trung Dũng vay sai quy định số tiền đặc biệt lớn, khiến BIDV mất hơn 864 tỷ đồng.

Trong vụ án, cơ quan điều tra xác định BIDV có cho 8 đơn vị vay tiền sai quy định, nay khó thu hồi gồm Cty CP xi măng Phú Sơn; Cty CP nông nghiệp quốc tế HAGL; Cty CP Thuận Thảo- Nam Sài Gòn… Do thời hạn đã hết nên phía điều tra tách hồ sơ, đề nghị Ngân hàng Nhà nước đôn đốc thu hồi nợ và nếu có dấu hiệu hình sự sẽ xử lý sau.

Cũng theo điều tra, bị can Trần Duy Tùng (hiện bỏ trốn) là con ông Trần Bắc Hà lập Tập đoàn An Phú để đầu tư sang Lào tại liên doanh của Cty SHH Viêng Chăn trong năm 2015. Tập đoàn An Phú do bị cáo Trần Quang Anh (cháu ông Hà, đồng thời lái xe cho Tùng) làm Chủ tịch và doanh nghiệp này đã chuyển sang Lào 4 triệu USD.

Tuy nhiên, Trần Duy Tùng đưa số tiền này cho ông Oudomsup Senmysouk (người Lào) để mượn danh nghĩa, góp vốn vào ngân hàng LaoVietBank (Cty con của BIDV). Sau đó, LaoVietBank trả cổ tức trị giá hơn 2,3 triệu USD cho phía bị can Tùng nhưng số tiền này không được chuyển về nước theo quy định tại Luật Đầu tư năm 2014.

Cơ quan điều tra xác định, việc Tập đoàn An Phú xin cấp đầu tư ra nước ngoài thành lập liên doanh là Cty SHH Viêng Chăn để thực hiện góp vốn vào LaoVietBank là hợp thức hóa hành vi đầu tư hơn 10 triệu USD ra nước ngoài trái phép của Trần Duy Tùng. Hành vi này có dấu hiệu của tội “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới” hoặc “Rửa tiền”, Tuy nhiên, do Trần Duy Tùng đã bỏ trốn nên cảnh sát tách hồ sơ, để xử lý sau.

Đáng chú ý, cơ quan điều tra xác định, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB Bank) từng cấp tín dụng cho Cty TNHH Thương mại và Du lịch Trung Dũng trong vụ và đến nay không có khả năng thu hồi khoản nợ hơn 477 tỷ đồng. Các khoản vay còn dư nợ này không có tài sản đảm bảo và có dấu hiệu vi phạm trong việc cho vay. C03 Bộ Công an chuyển thông tin việc này cho Cục Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng giải quyết.

Trong vụ, 8 người từng là cán bộ của BIDV bị xét xử về tội “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng”  còn có  4 bị cáo hầu tòa về tội “Lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản” gồm Ðoàn Hồng Dũng - nguyên giám đốc Cty TNHH Thương mại và Du lịch Trung Dũng; Trần Anh Quang và Ðinh Văn Dũng– cùng nguyên Tổng giám đốc Cty Bình Hà) và Nguyễn Thị Thanh Sơn (cựu giám đốc Cty Hà Nam).

MỚI - NÓNG
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
TPO - Mưa lớn kéo dài cùng nước từ thượng nguồn đổ về đã gây ngập úng, chia cắt giao thông một số khu vực ở Hà Tĩnh. Ngành chức năng địa phương đã xả tràn các hồ chứa để ứng phó mưa lũ có thể xảy ra.