Truy tố 12 bị can trong vụ án do ông Trần Bắc Hà chủ mưu

Cố Chủ tịch BIDV - Trần Bắc Hà
Cố Chủ tịch BIDV - Trần Bắc Hà
TPO - Từ năm 2011-2016, ông Trần Bắc Hà, cựu Chủ tịch ngân hàng BIDV đã chỉ đạo cấp dưới cùng hai chi nhánh Hà Tĩnh, Hà Thành cho Công ty Bình Hà – công ty “sân sau” của ông Hà và Công ty Trung Dũng vay trái quy định, gây thất thoát cho BIDV số tiền hơn 1.672 tỷ đồng.

Bố chủ mưu

Viện KSND Tối cao vừa ra cáo trạng truy tố 12 bị can trong vụ án "vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng", "lừa đảo chiếm đoạt tài sản", "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV), Công ty CP chăn nuôi Bình Hà, Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Trung Dũng.

Trong số các bị can bị truy tố có 5 người nguyên là lãnh đạo, cán bộ của BIDV, gồm: Trần Lục Lang, Đoàn Ánh Sáng - đều nguyên Phó tổng giám đốc BIDV; Kiều Đình Hòa - nguyên giám đốc BIDV, chi nhánh Hà Tĩnh; Ngô Duy Chính và Nguyễn Xuân Giáp - nguyên giám đốc và phó giám đốc BIDV chi nhánh Hà Thành.

Theo cáo trạng, từ năm 2011-2016, ông Trần Bắc Hà - nguyên Chủ tịch BIDV đã chỉ đạo cấp dưới cùng hai chi nhánh Hà Tĩnh, Hà Thành cho Công ty Bình Hà - công ty “sân sau” của ông Hà và Công ty Trung Dũng vay trái quy định, gây thất thoát cho BIDV số tiền hơn 1.672 tỷ đồng.

Cụ thể, cơ quan tố tụng xác định Công ty Bình Hà là công ty mới thành lập, chưa có bất cứ hoạt động kinh tế phát sinh, thuộc doanh nghiệp chưa đủ điều kiện xếp hạng tín dụng theo tiêu chuẩn của BIDV; vốn tự có và tài sản bảo đảm không đủ điều kiện để cấp tín dụng theo chính sách tín dụng của BIDV; hồ sơ pháp lý của dự án chưa đầy đủ, chưa đánh giá hết phương án kinh doanh và phương án trả nợ khi dự án không hiệu quả.

Mặc dù đã đánh giá và thẩm định dự án có 8 yếu tố rủi ro có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của dự án, theo sự chỉ đạo của ông Trần Bắc Hà, các bị can là cán bộ dưới quyền của ông Hà tại BIDV đã thẩm định, đề xuất và phê duyệt cho Công ty Bình Hà vay vốn điều kiện ưu đãi về vốn tự có và tài sản đảm bảo đảm.

Sau khi được giải ngân, Công ty Bình Hà đã sử dụng vốn vay không đúng mục đích, thông qua các nhà thầu chiếm đoạt và chiếm dụng tiền giải ngân của BIDV và tiền bán bò... Tổng dư nợ của Công ty Bình Hà tại BIDV không có khả năng thu hồi là 799 tỷ đồng.

Tương tự, khi thẩm định, đánh giá tình hình tài chính của Công ty Trung Dũng mặc dù biết rõ công ty đang gặp khó khăn nhưng các bị can Ngô Duy Chính, Nguyễn Xuân Giáp, Trần Hồng Quang, Đặng Thanh Nam vẫn thực hiện việc cấp hạn mức tín dụng ngắn hạn 700 tỷ đồng.

Do không kiểm soát được tiền bán hàng của doanh nghiệp để thu nợ, không kiểm tra mục đích sử dụng vốn vay dẫn đến Công ty Trung Dũng còn dư nợ trên 600 tỷ đồng, không có khả năng thanh toán.

Vẫn theo cáo trạng, trong vụ án này, ông Trần Bắc Hà giữ vai trò chủ mưu, cầm đầu về tội "Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng”.

Còn các bị can nguyên lãnh đạo, cán bộ BIDV có sai phạm trong việc thẩm định hồ sơ, phê duyệt cấp tín dụng Công ty Bình Hà và Trung Dũng có vai trò đồng phạm với ông Trần Bắc Hà. Bởi những người này chỉ là người làm công ăn lương, chịu sự chi phối và áp lực từ cá nhân ông Hà chứ không có quyền quyết định.

Tuy nhiên, do ông Trần Bắc Hà đã chết trong trại giam vì bệnh tật nên cơ quan điều tra đã đình chỉ điều tra bị can đối với ông Hà.

Con bỏ trốn vì dính dáng

Liên quan đến vụ án, trước đó CQĐT cũng đã ra quyết định truy nã trong nước và quốc tế đối với Trần Duy Tùng – con trai ông Trần Bắc Hà về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, quy định tại điều 175 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung 2017.

Truy tố 12 bị can trong vụ án do ông Trần Bắc Hà chủ mưu ảnh 1

Con trai ông Trần Bắc Hà đang bị truy nã

Trần Duy Tùng là Chủ tịch HĐQT Cty CP Tập đoàn An Phú. Mặc dù không trực tiếp tham gia vào Cty Bình Hà trong vụ án nêu trên song Tùng là người trực tiếp nhờ ông Nguyễn Gia Thiều, đứng danh nghĩa Chủ tịch Cty Bình Hà, nhờ Thái Thành Vinh (đã bỏ trốn) và Trần Anh Quang đứng tên sở hữu cổ phần Cty Bích Hà, giữ vai trò chủ mưu cầm đầu trong việc chỉ đạo 3 cổ đông Đinh Văn Dũng, Trần Anh Quang, Thái Thành Vinh.

Lợi dụng sự tin tưởng của BIDV thông qua hoạt động bán bò, thu tiền không nộp về tài khoản của Cty Bình Hà để BIDV kiểm soát và thu hồi vốn theo quy định, mà chiếm đoạt, gây thiệt hại cho BIDV 149 tỷ đồng.

Do Cty CP Tập đoàn An Phú đã đứng ra nhận nợ 129 tỷ đồng để hợp thức hóa và che giấu hành vi chiếm đoạt, đến nay đã hoàn trả trong quá trình cơ quan điều tra khởi tố vụ án, nên thiệt hại chỉ còn 26 tỷ đồng.

MỚI - NÓNG
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
TPO - Từ tháng 4/2024, nhiều chính sách mới có hiệu lực như: sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông; không xét danh hiệu “Lao động tiên tiến” với người tuyển dụng dưới 6 tháng; quy định mới về xét danh hiệu "Thầy thuốc nhân dân", "Thầy thuốc ưu tú"...
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
TPO - Lãnh đạo Công an huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) cho biết, việc khởi tố 2 bị can liên quan múc đất công trình cao tốc Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột mang đi bán là hồi chuông cảnh báo. Công an huyện sẽ kiểm tra, xử lý các xe quá khổ, quá tải, nhất là việc múc đất của dự án đổ đi nơi khác không đúng quy định.