Xét xử 'đại án' Huyền Như lừa hơn 4.000 tỉ đồng

Xét xử 'đại án' Huyền Như lừa hơn 4.000 tỉ đồng
TPO - 8h20 sáng nay (6/1), Tòa án Nhân dân TPHCM bắt đầu xét xử vụ án Huỳnh Thị Huyền Như cùng 22 đồng phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản hơn 4.000 tỉ đồng.

> Xử ‘siêu lừa’ Huyền Như: Những vấn đề còn tranh cãi
> Vụ án Huyền Như: Có một 'đại án' tham nhũng khác bị bỏ qua?
> 'Đại án' chấn động lịch sử Ngân hàng: Siêu lừa thoát tội tham nhũng?
> Chưa rõ Huỳnh Thị Huyền Như 'đốt' 5.000 tỷ đồng thế nào

Huỳnh Thị Huyền Như, 35 tuổi, là nguyên Phó phòng quản lý rủi ro, Quyền Trưởng phòng Giao dịch Điện Biên Phủ, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam-Vietinbank, Chi nhánh TPHCM.

 23 bị cáo trong vụ lừa đảo 4.000 tỷ đồng ra tòa

Hàng trăm người là thân nhân các bị cáo cùng người dân thành phố đã có mặt tại trụ sở tòa án từ sáng sớm.

Số bị cáo đông cùng những người có nghĩa vụ quyền lợi liên quan và giới luật sư dự khán nên phòng xét xử của tòa án không đủ chỗ. Tòa phải trưng dụng sảnh trong để truyền hình trực tiếp phiên xét xử cho báo chí , người quan tâm bên ngoài theo dõi.

Huyền Như được lực lượng cảnh sát bảo vệ tư pháp áp giải đến tòa từ sớm. Bị cáo mắt đeo kính gọng đen, dáng người nhỏ nhắn trong chiếc áo màu hồng. Bị cáo này khá bình tĩnh.

Tăng cường an ninh

Lực lượng bảo vệ phiên tòa cũng được tăng cường rất đông. Ngay từ cổng tòa, lực lượng cảnh sát giao thông, trật tự… được huy động để bảo vệ an ninh vòng ngoài. Bên trong, lực lượng cảnh sát và bảo vệ tòa dày đặc, phóng viên tác nghiệp tại tòa cũng khá chật vật, vì người tham dự quá đông.

Trong nhóm bị cáo co nhiều bị cáo là phụ nữ đồng phạm cùng Huyền Như - Ảnh: Hữu Vinh
Nhiều bị cáo là phụ nữ, đồng phạm của Huyền Như. Ảnh: Hữu Vinh.

Chủ tọa phiên tòa là thẩm phán Nguyễn Đức Sáu - Chánh Tòa Hình sự Tòa án Nhân dân TPHCM. Hai công tố viên giữ quyền công tố tại tòa là kiểm sát viên Phạm Thị Thu Hà và ông Nguyễn Thanh Nhã thuộc Viện Kiểm sát Nhân dân TPHCM.

Do tính chất vụ việc gây thiệt hại quy mô lớn, phức tạp, liên quan rất nhiều người, nên số người tham gia tố tụng rất đông.

Ngoài 23 bị cáo bị đưa ra xét xử, còn có 15 đơn vị cá nhân là nguyên đơn dân sự và bị hại, 79 cá nhân, đơn vị có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, 47 luật sư tham gia bào chữa cho bị cáo (riêng bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như có đến 3 luật sư bào chữa); bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn, bị hại, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.

Một bị cáo khuyên người nhà “Hãy yên tâm, không sao đâu” - ảnh Hữu Vinh
Một bị cáo bảo người nhà “Hãy yên tâm, không sao đâu”. Ảnh: Hữu Vinh.

6 tội danh

23 bị cáo bị xét xử với 6 tội danh, trong đó có 16 bị cáo được tại ngoại. Riêng Huỳnh Thị Huyền Như, Võ Anh Tuấn (41 tuổi, nguyên cán bộ văn phòng VietinBank) và 4 bị cáo khác bị xét xử về tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Ngoài ra, Như còn bị cáo buộc thêm tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.

Bị cáo Phạm Anh Tuấn (36 tuổi, giám đốc Công ty cổ phần vận tải dầu khí Thái Bình Dương) tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Huỳnh Thị Việt Yên (40 tuổi, nguyên trưởng phòng giao dịch VietinBank Nhà Bè); Hồ Hải Sỹ (30 tuổi, phó phòng giao dịch VietinBank Nhà Bè); Lê Thị Ngọc Lợi (27 tuổi, nhân viên phòng giao dịch VietinBank Nhà Bè) tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

10 bị cáo nguyên là lãnh đạo, nhân viên phòng giao dịch chi nhánh của VietinBank bị truy tố tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Ngoài ra, còn một số bị cáo bị truy tố với tội danh cho vay nặng lãi.

Diễn biến vụ án

Huyền Thị Như nguyên là phó phòng quản lý rủi ro ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) chi nhánh TP HCM, sau này được bổ nhiệm thêm quyền trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ.

Từ những năm 2007, Như, với vai trò là cán bộ tín dụng ngân hàng Vietinbank, đã vay trên 200 tỷ đồng từ nhiều ngân hàng, tổ chức và cá nhân với lãi suất cao để kinh doanh bất động sản ở nhiều tỉnh thành như TP HCM, Đà Nẵng, Quảng Nam, An Giang…

Đến năm 2010, do việc làm ăn thua lỗ, lại phải trả lãi suất cao nên Như mất khả năng thanh toán.

Từ tháng 3/2010 đến tháng 9/2011, Huyền Như thuê làm tám con dấu giả đứng tên các đơn vị như VietinBank chi nhánh Nhà Bè và các công ty Phúc Vinh, Thịnh Phát, Hưng Yên, An Lộc, Đức Minh Quang, Bảo hiểm Toàn Cầu... để làm giả tài liệu của các ngân hàng cùng nhiều đơn vị, cá nhân nhằm chiếm đoạt tổng cộng trên 4.911 tỉ đồng.

Ngày 28/9/2012, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đã tống đạt quyết định khởi tố 26 bị can trong vụ án Huỳnh Thị Huyền Như

Ngày 07/10/2012, bắt tạm giam Huỳnh Thị Huyền Như

Ngày 18/10/2013, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao ra cáo trạng truy tố bị can Huỳnh Thị Huyền Như về hai tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.

Ngày 6/1/2014, Tòa án TAND TPHCM đưa "đại án" Huỳnh Thị Huyền Như cùng 22 đồng phạm ra trước vành móng ngựa để xét xử với hàng loạt tội danh như: "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", "Cho vay nặng lãi", "làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức"…

Dự kiến phiên tòa kéo dài từ 6/1 – 25/1/2014

Cũng liên quan vụ án, cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố 6 bị can nguyên là lãnh đạo Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu (ACB) về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Những bị cáo này đã được tách ra xử lý trong đại án liên quan đến Nguyễn Đức Kiên (tức bầu Kiên) dự kiến cũng được xét xử trong tháng 1/2014.

Minh Hoàng tổng hợp

Theo Viết
MỚI - NÓNG
Đặc sắc giải đua vỏ lãi
Đặc sắc giải đua vỏ lãi
TPO - Với 11 đội nam và 6 đội nữ, hơn 120 vận động viên tranh tài quyết liệt tại giải bơi vỏ lãi vùng đồng bào dân tộc thiểu số Cà Mau, hoạt động chào mừng Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc.