Kết quả xét công nhận chức danh Giáo sư, Phó giáo sư (GS,PGS) ở các Hội đồng GS ngành/liên ngành năm 2021 cho thấy, có một số Hội đồng có ứng viên bị loại chiếm đến 50% hoặc trên 50%.
Như Tiền Phong đã thông tin, Hội đồng GS ngành Toán học có tới gần 60% ứng viên GS, PGS bị loại. Đây cũng là Hội đồng có số lượng ứng viên bị loại chiếm tỷ lệ lớn nhất trong 28 Hội đồng ngành, liên ngành.
Trước đó, Hội đồng GS cơ sở đề nghị xét GS, PGS cho 25 ứng viên, tuy nhiên hiện chỉ còn 11 ứng viên được Hội đồng GS ngành đề nghị Hội đồng GS Nhà nước xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2021.
Theo GS. TSKH Lê Tuấn Hoa, Chủ tịch Hội đồng GS ngành Toán học việc các ứng viên bị loại khi không đạt tiêu chuẩn là bình thường.
Hội đồng GS ngành Toán thực hiện xét duyệt hồ sơ theo đúng Quyết định 37 của Thủ tướng Chính phủ. Ở các đợt xét duyệt trước, số lượng ứng viên bị loại chưa bao giờ dưới 50%. Tuy nhiên, năm nay hơi bất thường ở chỗ số ứng viên bị loại lên tới gần 60%.
Theo GS Lê Tuấn Hoa, nguyên nhân của việc có những hồ sơ bị loại không phải ở chỗ Hội đồng GS cơ sở làm không chặt chẽ vì mỗi Hội đồng có chức năng khác nhau. Hội đồng cơ sở không chấm điểm công trình mà nghiêng về các tiêu chí hành chính như các văn bản liên quan, thâm niên đào tạo và các kết quả đào tạo, nghiên cứu khoa học của ứng viên…
Trong khi đó, Hội đồng GS ngành, liên ngành xác định năng lực chuyên môn, kết quả nghiên cứu, định hướng nghiên cứu của ứng viên theo từng chuyên ngành. Tính tổng điểm và điểm quy đổi của bài báo khoa học, sách chuyên khảo, giáo trình, sách tham khảo, sách hướng dẫn; kết quả ứng dụng khoa học công nghệ được cấp bằng độc quyền sáng chế; giải pháp hữu ích; tác phẩm nghệ thuật, thành tích huấn luyện, thi đấu thể thao đạt giải thưởng quốc gia, quốc tế…
Do đó, khi lên tới Hội đồng GS ngành, liên ngành, việc có những hồ sơ bị loại là bình thường.
GS Lê Tuấn Hoa cho biết có trường hợp bị loại do chưa đủ điểm vì Hội đồng cơ sở không có chức năng chấm điểm, nhưng cũng có trường hợp ứng viên PGS bị loại dù có điểm nghiên cứu rất xuất sắc, thậm chí còn hơn cả tiêu chuẩn dành cho ứng viên GS. Ứng viên này không đủ phiếu tín nhiệm do các bài báo quốc tế không ghi nơi mình làm việc…
Mỗi Hội đồng có một chức năng, nhiệm vụ
Sau ngành Toán, xếp thứ hai là liên ngành Điện – Điện tử - Tự động hóa với 13/26 ứng viên GS, PGS bị loại, trong đó có 4 ứng viên GS và 9 ứng viên PGS.
Nói về số lượng ứng viên bị loại, GS.TSKH Hồ Đắc Lộc, Chủ tịch Hội đồng GS liên ngành Điện – Điện tử - Tự động hóa cho biết Hội đồng đánh giá công tâm, khách quan và minh bạch đối với các ứng viên theo quy định hiện hành.
Đồng thời khẳng định năm 2021 có 13 ứng viên chưa đạt chuẩn, chiếm tỷ lệ 50% là không bất thường và tương đương với các năm trước.
Theo đó, năm 2019 có 17/31 ứng viên đạt chuẩn (hơn 45% ứng viên chưa đạt); năm 2020 có 14/24 ứng viên đạt chuẩn (42% ứng viên chưa đạt).
GS Hồ Đắc Lộc cho biết có 2 nguyên nhân chính khiến một nửa ứng viên bị loại là do ứng viên chưa đạt các điều kiện cứng theo quy định và chưa chuẩn bị tốt cho phiên báo cáo và trả lời chất vấn của Hội đồng nên không đạt đủ số phiếu tín nhiệm theo quy định .
Cụ thể, mỗi hồ sơ ứng viên được thẩm định bởi 3 GS cùng chuyên ngành. Mỗi ứng viên đủ điều kiện cần phải báo cáo khoa học tổng quan và trả lời chất vấn của Hội đồng bằng tiếng Anh.
Tùy thuộc vào kết quả thẩm định hồ sơ, kết quả trao đổi công khai, chi tiết trên từng hồ sơ của ứng viên và chất lượng phiên báo cáo khoa học tổng quan của ứng viên mà hội đồng có kết luận cụ thể cho từng trường hợp, dựa theo quy định hiện hành.
Đặc biệt các ủy viên, các GS phản biện cũng hết sức quan tâm và lưu ý về tiêu chí liêm chính trong khoa học của ứng viên trong khi thẩm định hồ sơ; chất vấn trực tiếp ứng viên trong phiên báo cáo khoa học.
GS Nguyễn Đắc Lộc thông tin chức năng, việc thực hiện xét duyệt ở Hội đồng GS ngành, liên ngành có những điểm khác so với Hội đồng GS cơ sở.
Theo quy định, chức năng cơ bản của Hội đồng GS cơ sở là xem xét về công tác pháp lý của hồ sơ ứng viên và giúp cung cấp thông tin của ứng viên cho Hội đồng GS ngành/liên ngành.
Hội đồng GS cơ sở có thể có chấm điểm để tham khảo, nên khâu chấm điểm có thể không chi tiết như ở Hội đồng GS ngành/liên ngành.
Trong quá trình thẩm định, nếu có những điểm chưa rõ trong hồ sơ ứng viên, Hội đồng GS ngành/liên ngành có thể yêu cầu Hội đồng GS cơ sở cung cấp thêm thông tin. Hội đồng GS ngành/liên ngành tập trung thẩm định và đánh giá về các tiêu chí (đào tạo, nghiên cứu,…) thuộc chuyên môn của ứng viên.
Mỗi ứng viên chưa đạt chuẩn, Hội đồng GS liên ngành đều có gửi thông tin trực tiếp cho ứng viên một cách rõ ràng, minh bạch về các điểm yếu để ứng viên tiếp tục cải thiện cho đợt xét duyệt tiếp theo.
“Tiêu chí đánh giá của năm 2021 cơ bản giống như tiêu chí năm 2020. Chúng tôi không cho rằng tiêu chí hiện hành là quá cao”, Giáo sư Hồ Đắc Lộc khẳng định.